Ông Trịnh Văn Quyết hứa chi 2.000 tỷ đồng “đỡ giá” FLC

Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết vừa tuyên bố sẽ chi 1.500 – 2.000 tỷ đồng để mua cổ phiếu FLC tăng sở hữu, giúp cho cổ phiếu này sẽ tăng giá trong năm tới.

Thông tin này vừa được lãnh đạo Tập đoàn FLC (mã: FLC) chia sẻ với hàng trăm nhà đầu tư, cổ đông tại sự kiện “Cơ hội đầu tư vào FLCHomes” tối 18/11 khi tập đoàn này tiếp tục đưa cổ phiếu FHH lên sàn chứng khoán vào cuối năm nay. Dự kiến, cổ phiếu FHH sẽ được niêm yết lần đầu lên sàn UpCoM với giá khởi điểm 35.000 đồng/CP trong tháng 12/2019. Không chỉ FHH, mã BAV của hãng hàng không Bamboo Airways của Tập đoàn FLC cũng sẽ lên sàn vào tháng 12/2019 với giá khởi điểm 60.000 đồng/CP cùng thời điểm này.

Theo chia sẻ của bà Hương Trần Kiều Dung, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes, công ty thành lập từ năm 2016 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Trong 4 năm qua, FLCHomes đã có sự phát triển nhanh chóng với hoạt động kinh doanh chính là đầu tư dự án bất động sản, quản lý vận hành và khai thác chuỗi sân golf quy mô lớn của Tập đoàn FLC cùng hệ thống khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Do đó, hiện vốn điều lệ của FLCHomes đã nâng lên mức 4.160 tỷ đồng, tương ứng 416 triệu cổ phiếu. Với mức vốn này, FLCHomes nằm trong nhóm công ty con có vốn điều lệ lớn nhất của Tập đoàn FLC và niêm yết lần đầu với khối lượng “khủng” trên sàn chứng khoán. Dù vậy, FLCHomes chưa công bố thời gian lên sàn cụ thể cũng như bản cáo bạch thông tin. Mức giá chào sàn, các thông tin về kết quả kinh doanh quý 3/2019, cơ cấu sở hữu của cổ đông lớn… cũng vẫn là ẩn số.

Tại sự kiện này, ông Đặng Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC đã chia sẻ những thông tin về kế hoạch kinh doanh của FLCHomes sẽ tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 2019-2024. Theo đó, doanh thu của FLCHomes ước tính sẽ tăng từ khoảng 1.700 tỷ đồng năm 2019 lên mức 11.452 tỷ đồng vào năm 2024. Nguồn thu chủ yếu đến từ hoạt động bất động sản và thương mại, ngoài ra còn hai mảng khác là dịch vụ môi giới bất động sản và kinh doanh sân golf.

Lợi nhuận của FLCHomes trong năm 2019 dự kiến đạt 215 tỉ đồng và theo lộ trình sẽ tăng rất mạnh, đạt 2.243 tỷ đồng trong 5 năm tới. Đặc biệt, vốn chủ sở hữu tăng từ 4.160 tỷ đồng lên 10.102 tỷ đồng.

Với kế hoạch kinh doanh này, nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi về mức định giá cổ phiếu FHH khi lên sàn UpCoM dự kiến là 35.000 đồng/CP, tương ứng mức vốn hóa 14.560 tỷ đồng. Mới đây, FLC đã triển khai bán ưu đãi cổ phiếu FHH cho cán bộ nhân viên thuộc Tập đoàn FLC với giá 25.000 đồng/CP kèm cam kết mua lại giá gấp đôi sau 6 tháng.

Chia sẻ với nhà đầu tư, cổ đông, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định: “FLCHomes tăng trưởng 10 lần trong 5 năm là điều hoàn toàn khả thi”.

Ông Quyết cũng chia sẻ băn khoăn của phần đông nhà đầu tư vì sao cổ phiếu FLC trên sàn chỉ có 4.000 đồng/CP nhưng lãnh đạo FLC lại kỳ vọng cổ phiếu FHH của FLCHomes có giá chào sàn 35.000 đồng/CP. Đưa ra ví dụ nếu bản thông ông Quyết chi 1.500 tỉ đồng mua vào cổ phiếu FLC thì ngay lập tức giá FLC sẽ tăng gấp 10 lần bây giờ, vì giảm lượng cổ phiếu lưu hành, tăng tính “cô đặc”. Song dĩ nhiên ông Quyết không thực hiện mua FLC thời điểm này.

Hơn nữa, ông Quyết cho biết Tập đoàn FLC vẫn giữ cam kết “chỉ phát hành tăng vốn thêm 3000 tỷ đồng khi nào cổ phiếu FLC vượt mệnh 10.000 đồng/CP”, dù tập đoàn đã có kế hoạch phát hành thêm từ lâu.

Đối với trường hợp FLCHomes, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng, Tập đoàn FLC cũng như các cá nhân cam kết sở hữu 90% FLCHomes. Lượng cổ phiếu FHH được bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên và trôi nổi ra thị trường chỉ khoảng 10%. Đối với cổ phiếu BAV cũng được nắm giữ chủ yếu bởi các cổ đông lớn, tập đoàn…. Và đặc biệt là Bamboo Airways sẽ “không có cổ phiếu mà mua” dù được các nhà đầu tư “săn lùng” ráo riết trước thời điểm cổ phiếu này lên sàn.

“Tôi chắc chắn trong năm 2020 tỉ lệ sở hữu bên ngoài chỉ là 10%, khi đó giá cổ phiếu FHH sẽ là ba chữ số, tức là trên 100.000 đồng/CP chứ không phải chỉ 35.000 đồng/CP”, ông Quyết tuyên bố.

Để nhấn mạnh dự báo về hai cổ phiếu FHH và BAV tiềm năng, Chủ tịch FLC còn tuyên bố: “nếu hai cổ phiếu này không đạt ba chữ số trong năm 2020, FLC không vượt mệnh giá thì tôi sẽ phá sản công ty. Thương hiệu FLC coi như vứt đi, phá sản. Đây là lời hứa chắc chắn nhất, hiệu quả nhất. Tôi tin là sẽ không bao giờ dẫn tới chuyện phá sản".

Có thể bạn quan tâm