TS. Trần Du Lịch
Thực tế cho thấy, nhu cầu về nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM rất lớn và luôn tăng, nhất là với phân khúc nhà ở có giá phù hợp. Theo nghiên cứu, trong 5 năm tới, nhu cầu nhà giá rẻ tại TP.HCM, Hà Nội sẽ rất lớn, chưa nói đến nhu cầu nhà ở của người nhập cư gia tăng mạnh mẽ.
Cũng lưu ý một điểm rằng, nếu so với 10 năm trước, hiện nay, tâm lý sử dụng nhà chung cư của người dân đã thay đổi tích cực và thuận lợi hơn. Tâm lý này sẽ tác động tích cực để phát triển các dự án nhà chung cư trong cơ cấu nhà ở trên thị trường.
Trên thực tế, đặc điểm của đóng băng thị trường bất động sản Việt Nam chỉ đối với các dự án nhà ở cao cấp, các dự án đầu tư dang dở, thiếu vốn. Còn phân khúc thị trường nhà ở thương mại phù hợp với sức mua chung của xã hội thì chưa bao giờ đóng băng.
Trong khi hiện nay, dường như đang có xu hướng phát triển nhanh các loại nhà ở cao cấp, nên phải cảnh báo nguy cơ nếu ngân hàng thương mại tiếp tục đổ vốn vào phân khúc thị trường này. Còn nếu nới lỏng tín dụng cho những công trình xây dựng nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp, đang có sức mua tốt, thì không lo nhiều đến bong bóng tín dụng bất động sản.
Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN tạo cơ hội cho các ngân hàng mở rộng cho vay, rót vốn vào bất động sản khi đưa ra lộ trình nâng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn; nâng hệ số an toàn rủi ro đối với các khoản kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, các ngân hàng nên thận trọng trong việc rót vốn cho chủ đầu tư, mà tập trung đẩy mạnh khai thác phân khúc cá nhân vay mua nhà để ở.
Theo Đầu tư BĐS
>> Chủ tịch GPInvest: “2017 sẽ là năm của nhà giá rẻ”