Du lịch gôn đang góp phần thu hút nhiều khách du lịch cao cấp đến Việt Nam
Từ vùng đất Bán sơn địa Sóc Sơn
Vùng đất bán sơn địa ngoại thành Hà Nội thuộc xã Phù Linh, Huyện Sóc Sơn, Hà Nội trước đây khoảng 10 năm dù là một nơi cằn cỗi nhưng vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương với việc canh tác trên ruộng bậc thang thiếu nước chỉ cấy được 1 vụ lúa chính, 1 vụ màu. Những lúc nông nhàn, cả làng đi rừng đốn củi, nhà nào chịu khó lắm mới đủ ăn.
Năm 2009, khi một dự án sân Gôn được đầu tư, bức tranh kinh tế Xã hội của người dân khu vực này đã chứng kiến sự đổi khác rất lớn.
Ngoài công việc nhà nông, gia đình nào cũng có nghề phụ. Nhờ số tiền nhận được từ việc đền bù đất, hoa màu, công trình xây dựng, người có đầu óc kinh doanh thì mở xưởng sản xuất đồ gia dụng, vật liệu xây dựng, người thì mua xe ô tô chạy hợp đồng đưa đón công nhân cho các khu công nghiệp ở Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh. Ai đơn giản thì làm công nhân cho các nhà thầu thi công các hạng mục trong sân gôn hay làm bảo vệ, tạp vụ… cho sân gôn nằm ngay cạnh làng cũng có thu nhập ổn định.
Theo ông Nguyễn Trọng Khang – cán bộ địa chính xã Hồng Kỳ, Phù Linh, Hồng Kỳ là các xã thuộc vùng bán sơn địa, đất bạc màu, nắng hạn khô khát, nghèo nhất nhì huyện Sóc Sơn. Trước đây, nguồn thu chủ yếu chỉ trông chờ vào 2 vụ lúa năng suất bấp bênh, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2009, nhờ sự xuất hiện của Dự án sân gôn mà đời sống của người dân cũng đổi thay, phần lớn là theo hướng tích cực.
“Với số tiền nhận được từ đền bù đất nông nghiệp, đất ở, người dân đã biết chi dùng hợp lý. Một phần xây dựng nhà cửa, cải thiện cuộc sống, phần còn lại, bà con biết đầu tư sản xuất, kinh doanh nên phần lớn các hộ gia đình trong xã đã trở nên khá giả. Với địa phương, Dự án cũng góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở hướng phát triển du lịch – dịch vụ khả quan cho vùng đất Sóc Sơn khô cằn và nghèo khó đeo bám nhiều năm nay”, ông Khang nói.
Giải BRG Golf Hà Nội Festival 2018 thu hút hàng trăm golf thủ trong nước và quốc tế
Đến nơi chang chang cồn cát Quảng Bình
Quảng Bình dường như rất được được thiên nhiên ưu đãi với những bãi tắm đẹp, được mệnh danh là “ Vương quốc” hang động. Thế nhưng không phải ở đâu người dân cũng có thể dễ dàng mưu sinh từ cảnh đẹp thiên nhiên. Chính vì lẽ đó, việc phát triển sân gôn ngoài việc tối ưu hóa vẻ đẹp tự nhiên sẵn có thì đây cũng là cách mà địa phương này giữ chân du khách, mang lại nhiều lợi ích đến với người dân.
Ông Trần Công Thuật – Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình, trong một bài phỏng vấn báo chí cho biết Quảng Bình nên có sân gôn bởi đang có một diện tích đất cát ven biển khá lớn bấy lâu không trồng trọt sản xuất được, không hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó còn tạo công ăn việc làm cho những người dân vùng bãi ngang, vùng xung quanh dự án đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế.
Từ vùng đất Bán sơn địa Sóc Sơn – Hà Nội đến những bãi cát dài cỏ cháy tại Quảng Bình đều là những nơi điều kiện tự nhiên không được thuật lợi, người dân đang phải loay hoay tìm kế sinh nhai thì những sân Gôn đang dần đem lại một bộ mặt kinh tế mới tích cực hơn. Hàng ngàn người dân được giải quyết việc làm, rất nhiều hộ gia đình có nguồn vốn mới để đầu tư phát triển lâu dài không còn cảnh “ bán mặt cho đất – bán lưng cho trời”, địa phương có thêm nguồn thu ổn định, và đặc biệt với người dân, họ dần cảm nhận được “sỏi đá” nơi họ sinh sống bao năm giờ đã đến lúc “nở hoa” nhờ gôn.
>> Du lịch Gôn Việt Nam tạo dấu ấn đậm nét với gôn thủ quốc tế