Nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí giảm mạnh kéo VN-Index lao dốc, chông chênh suốt phiên sáng 10/7
Phiên chiều nay thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ khi phần lớn các mã cổ phiếu vốn hoá lớn đồng loạt giảm mạnh do áp lực chốt lời mạnh. VN-Index đã "thủng" mốc hỗ trợ 700 và lao sâu xuống dưới 764.88 điểm lúc 13h40 phút chiều nay.
Trong đó 211 mã giảm điểm, chỉ có 60 mã tăng và 62 mã đứng giá. Trong rổ VN 30, có tới 28 mã cổ phiếu vốn hoá lớn đều giảm mạnh là tác nhân ảnh hưởng mạnh nhất kéo VN-Index lao dốc và cuốn phăng mọi thành quả đã đạt được của 3 tuần vừa qua.
Nối tiếp đà chốt lời mạnh mẽ của giới đầu tư từ phiên thứ 5 tuần trước, ngay khi mở cửa thị trường sáng nay, nhà đầu tư đua nhau xả hàng bất chấp nỗ lực “đỡ” giá của các cổ phiếu trụ cột như SAB, ROS, CTD, BVH, STB…
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tiếp lục rung lắc dữ dội, lao xuống 771,02 điểm, tức giảm tới 4,71 điểm so với mở cửa phiên. Có 168 mã giảm điểm trong đó 10 mã giảm sàn như PVX, PVL, SBS, EVG… Chỉ có 77 mã tăng điểm với 6 mã tăng trần như OGC, AMD, HAI…
HNX-Index giảm 0,37 điểm (0,36%) xuống 101,21 điểm và Upcom-Index giảm 0,33 điểm (0,58%) xuống 56,89 điểm. Thanh khoản trên toàn thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao với 189 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 2.738 tỷ đồng.
Áp lực bán ra mạnh nhất ở nhóm cổ phiếu Bluechips như FPT, PVX, DHG, DCM, PLX, VNM, VIC, MSN… Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng trưởng mạnh gần đây như BID, VCB, CTG, ACB, MBB… đến giờ phần lớn cũng trong trạng thái chốt lời.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán đã bị bán mạnh cuối tuần qua, phiên sáng nay đã ổn định lại và tăng nhẹ như VND, SHS, VDS, TVS…
Ở nhóm bất động sản, xây dựng gồm: HQC, LCG, VCG, DXG, LDG…vẫn tăng điểm khá tốt do những thông tin lợi nhuận quý 2 khả quan.
Gây sốc nhất là cổ phiếu PVX đã tăng trần khiên ATO lên 3.000 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 4 triệu đơn vị. Tuy nhiên, chỉ sau 1 giờ giao dịch, PVX bất ngờ “đổ đèo” khiến nhà đầu tư không kịp trở tay khi đã lỡ “đu đỉnh” tạm vì tâm lý khát hàng đã duy trì suốt 4 phiên tăng trần tuần trước. Đến 10h35 phút, sau khi nhà đầu tư đã “vét sạch” hơn 15 triệu cổ phiếu chốt lời thì PVX lập tức giảm sàn về 2.600 đồng/CP, dư mua sàn tăng mạnh lên tới hơn 2,8 triệu đơn vị. Có nghĩa nhà đầu tư tranh mua PVX sáng nay đã bị lỗ ngay 13% trong phiên. Đóng cửa, đã có 34 triệu cổ phiếu PVX được sang tay trong phiên giao dịch đầy kịch tính hôm nay.
Ở diễn biến ngược lại, nhóm cổ phiếu penny đang thu hút dòng tiền lớn đổ vào như HAR, OGC, AMD, PVX, HAI… Bất chấp thị trường giảm sâu thì các mã này vẫn kiên trì lội ngược dòng tăng trần.
Trong đó, OGC đã ghi nhận 12 phiên tăng trần liên tiếp, dư mua trần đạt hơn 5-6 triệu đơn vị mỗi phiên. Sự tăng giá bất thường của OGC được đồn đoán là có “game” thâu tóm doanh nghiệp bởi công ty này sở hữu khối tài sản dự án rất lớn, tình hình công ty đang cải thiện sau 3 năm chống đỡ với khủng hoảng đại án Hà Văn Thắm.
Vụ án này đến nay tiếp tục gây chú ý khi Cơ quan điều tra công bố truy tố thêm 4 bị can và tăng thêm 2 tội danh cho bị can Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm. Những thông tin này được cho là đang giảm dần sự tác động tới doanh nghiệp Ocean Group và OceanBank, và càng có lợi cho thương vụ bán ngân hàng Oceanbank (nếu có) thời gian tới.
Cùng nhóm cổ phiếu “nóng”, cổ phiếu AMD lại khiến nhà đầu tư hoan hỉ vì tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp, khớp giá 10.650 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 1,2 triệu đơn vị. Dư mua đến cuối giờ sáng nay đã tăng lên 1,1 triệu đơn vị. Dù vậy, nhà đầu tư cũng cảnh giác với khả năng AMD có thể đổi chiều giảm sàn mạnh vào ngày mai như đã từng ghi nhận trong tháng 6 vừa qua, khiến không ít nhà đầu tư ngậm “quả đắng” mất tới 20% khoản đầu tư khi “lướt sóng” T3.
Đây được xem là thời điểm vô cùng nhạy cảm bởi tâm lý đám đông vẫn nửa chờ đợi, nửa muốn bán ngay trước thời điểm các doanh nghiệp sắp sửa công bố báo cáo tài chính Quý 2/2017. Những cổ phiếu của doanh nghiệp được hé lộ có kết quả kinh doanh tốt vẫn duy trì đà tăng giá song có phần chậm lại, khiến nhà đầu tư cũng thận trọng nghe ngóng tín hiệu lạc quan hơn.
Ngược lại, những doanh nghiệp được dự báo lợi nhuận quý 2 giảm mạnh, đạt dưới 50% kế hoạch cả năm đang có xu hướng lình xình đi ngang. Nhà đầu tư nắm giữ nhóm cổ phiếu này đang có tâm lý lo sợ đợt “sóng” mới đầy rủi ro phía trước.
Nhóm chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng, dược… cũng chịu áp lực bán khá mạnh, chỉ số ít cổ phiếu duy trì đi ngang tích luỹ chờ đợi kết quả kinh doanh quý 2.