Phiên 7/3, nhóm cổ phiếu ngân hàng đỏ sàn giảm giá
Trong bối cảnh đa phần các mã vốn hóa lớn và bluechips chịu sức ép, thì nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn duy trì đà tăng vững, điển hình là FLC, ROS, DRH, NBB…, góp phần giúp VN-Index giữ được mức tăng nhẹ.
Thực tế, không chỉ trong phiên chiều, sự ổn định của nhóm cổ phiếu bất động sản đã là lực đỡ chính cho VN-Index trong cả phiên giao dịch hôm nay.
Nhìn lại phiên giao dịch sáng, có thể thấy, nhóm bất đống sản là động lực chính tạo nên nhịp hồi cuối phiên của VN-Index, khi mà trước đó chỉ số đã lùi qua mức hỗ trợ 715 điểm trước sức ép của các mã trụ.
Ngoài điểm số, dòng tiền dồn mạnh vào nhóm bất động sản cũng giúp thanh khoản thị trường tăng mạnh trở lại.
Đóng cửa phiên giao dịch 7/3, với 131 mã tăng và 112 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 0,25 điểm (+0,03%) lên 716,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 195,68 triệu đơn vị, giá trị 3.821,5 tỷ đồng.
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá đáng kể với 19,27 triệu đơn vị, giá trị hơn 556 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 5 triệu cổ phiếu SBT, giá trị 112,5 tỷ đồng và 3,2 triệu cổ phiếu NLG, giá trị 73,6 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 7/3
Trong nhóm bất động sản, nổi bật nhất vẫn là FLC. Khác với diễn biến có phần giằng co ở phiên sáng, sức cầu tại FLC tỏ ra vượt trội ở phiên chiều, giúp cổ phiếu này treo cứng ở mức trần 7.890 đồng/CP, thanh khoản cũng vọt tăng so với phiên hôm qua, đạt 42,44 triệu đơn vị khớp lệnh và vẫn còn dư mua trần hơn 7 triệu đơn vị.
Tương tự, CII cũng tăng kịch trần lên 35.850 đồng/CP, khớp lệnh 1,98 triệu đơn vị mà vẫn còn dư mua trần tới gần 5 triệu đơn vị. Đáng chú ý, phiên này CII còn được thỏa thuận 1 triệu đơn vị, nhưng ở mức giá sàn 32.250 đồng/CP.
Ngoài ra, hàng loạt mã bất động sản lớn nhỏ khác như VIC, ROS, HBC, HQC, DLG, TDH… cũng đều tích cực về cả thanh khoản lẫn điểm số.
Sau phiên tăng trần hôm qua nhờ hiệu ứng ETF, ROS trở lại với đà tăng nhẹ nhàng như 52 phiên trước đó. Chốt phiên hôm nay, ROS tăng 2,9% lên 168.000 đồng/CP và khớp 4,15 triệu đơn vị; HBC tăng 1,4% lên 51.400 đồng/CP và khớp 2,07 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, DXG giảm 2,2% về 18.000 đồng/CP và khớp 3,28 triệu đơn vị. Còn ITA kể từ khi bị loại khỏi danh mục của ETF tiếp tục iảm mạnh 5,1% về 4.100 đồng/CP và khớp 8,97 triệu đơn vị. Đây là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của ITA. KBC đứng giá tham chiếu và khớp được 5,11 triệu đơn vị.
Mã HQC và FIT bên cạnh việc duy trì sắc xanh, thanh khoản cũng thuộc top đầu sàn HOSE, lần lượt là 10,2 triệu và 8,68 triệu đơn vị.
Ở nhóm các mã vốn hóa lớn, VJC sau 4 phiên tăng trần liên tiếp, đưa cổ phiếu này lọt top 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, thì phiên này điều chỉnh giảm 3,6% về 132.500 đồng/CP và khớp lệnh mạnh tương đương phiên trước, đạt hơn 0,9 triệu đơn vị.
Cùng chung sắc đỏ còn có VNM, SAB, BID, CTG, NVL… GAS, MSN, HPG đứng giá tham chiếu. Trong khi VCB quay đầu tăng điểm nhẹ và là ngân hàng duy nhất tăng điểm.
Cũng tích cực hơn trong thời điểm cuối phiên, HNX-Index rốt cuộc đã giữ được sắc xanh nhạt trước khi đóng cửa. Với 74 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index tăng 0,15 điểm (+0,17%) lên 86,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,8 triệu đơn vị, giá trị 451,9 tỷ đồng.
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,68 triệu đơn vị, giá trị hơn gần 44 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 6,45 triệu cổ phiếu SHB ở mức giá sàn, giá trị 29,7 tỷ đồng.
Sự ổn định của các mã trụ như VCS, HUT, PVC, VCG, DBC… góp phần giúp HNX-Index duy trì sắc xanh. Trong khi đó, việc dòng tiền vào các mã nhỏ giúp thanh khoản sàn này cũng giữ được sự tích cực.
HKB khớp 6,66 triệu đơn vị. dẫn đầu sàn. HUT và KLF cùng khớp trên 4,2 triệu đơn vị. VCG và SHB cùng khớp trên 3,3 triệu đơn vị. Khớp trên 1 triệu đơn vị có PVS, SHN, SVN. Tất cả các mã này đều không giảm điểm, trong đó SVN và HKB tăng trần.
Tương tự như 2 sàn chính, sàn UPCoM cũng hồi phục tốt về cuối phiên, đóng cửa tăng 0,17 điểm (+0,31%) lên 57,01 điểm với 57 mã tăng, 36 mã giảm và 34 mã đứng giá. Tổng giá trị giao dịch đạt 6,8 triệu đơn vị, giá trị 88,3 tỷ đồng.
Nhiều mã lớn như QNS, GEX, MSR, MCH, SEA, SDI… đều tăng điểm. Nhóm cổ phiếu hàng không có sự phân hóa mạnh khi NAS, NSC tăng điểm, còn HVN giảm điểm, ACV đứng giá tham chiếu.
HVN, TOP và PFL là 3 thanh khoản tốt nhất sàn, lần lượt là 1,6 triệu, 1,5 triệu và 1,06 triệu đơn vị.