Phó Giám đốc CRIPS: “Sẽ hỗ trợ DN BĐS tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các tỉnh trọng điểm phía Nam”

Ngày 21/1 tới đây, Trung tâm Xúc tiến & Tư vấn Đầu tư BĐS khu vực phía Nam (CRIPS) sẽ chính thức ra mắt. Trước sự kiện này, Thương Gia đã trao đổi với ông Nguyễn Đình Ninh, Phó GĐ CRIPS về một số định hướng chiến lược của trung tâm trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đình Ninh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Tư vấn Đầu tư BĐS khu vực phía Nam (CRIPS)
Ông Nguyễn Đình Ninh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Tư vấn Đầu tư BĐS khu vực phía Nam (CRIPS)

- Thưa ông, vì sao CRIPS lại được thành lập và ra mắt vào thời điểm này? Chức năng, nhiệm vụ và những mục tiêu chính của CRIPS là gì?

- Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp BĐS vừa và nhỏ trong nước và quốc tế, thiếu sân chơi và thiếu thông tin kết nối và đặc biệt là tại TP.HCM vẫn thiếu nơi để các DNNVV hội tụ, xem đó là nơi cung cấp thông tin, hỗ trợ phát triển kinh doanh...

Có thể nói rằng, BĐS thực sự đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Chính sách về đất đai trong những năm qua cũng đã có những bước phát triển, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm về BĐS còn ít và vẫn chưa đáp ứng đúng nhu cầu của đại bộ phận người dân; tính kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan, ban ngành chức năng còn nhiều bất cập…

Nhìn thấy được những khó khăn trên Trung tâm Xúc tiến & Tư vấn Đầu tư BĐS khu vực phía Nam (CRIPS) trực thuộc Hiệp hội DNNVV phía Nam ra đời với sứ mệnh: Làm cầu nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan ban ngành, góp phần gia tăng giá trị, hiểu thêm về các chính sách, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho các đối tác CRIPS và cộng đồng các doanh nghiệp BĐS trong và ngoài nước.

CRIPS cũng cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như phát triển dự án, dịch vụ BĐS, thi công xây dựng và ngành liên quan.

Chúng tôi xác định sẽ đưa CRIPS trở thành một tổ chức xúc tiến đầu tư về BĐS có uy tín, mang lại lợi ích cao nhất cho cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS trong và ngoài nước và cho tất cả các doanh nghiệp, cá nhân đối tác của CRIPS.

Là đơn vị sự nghiệp, có tư cách pháp nhân, được Hiệp hội DNNVV phía Nam ký quyết định tlhành lập số 35/2020/QĐ-HH ngày 02/12/2020, chúng tôi tin tưởng CRIPS sẽ là địa chỉ đáng tin cậy, đồng hành cùng doanh nghiệp BĐS Việt Nam phát triển lành mạnh và bền vững.

Phó Giám đốc CRIPS: “Sẽ hỗ trợ DN BĐS tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các tỉnh trọng điểm phía Nam” ảnh 2

- Hiện nay tại TP.HCM có nhiều tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS kết nối, xúc tiến đầu tư… như Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM (HREC), vậy CRIPS có những điểm gì khác biệt?

- Tôi cho rằng mỗi hiệp hội, câu lạc bộ như HoREA, HREC… ra đời đều có giá trị và chức năng riêng. Điểm khác biệt của CRIPS chính là được hình thành dựa trên phương châm “Nhà đồng hành bền vững”, có nhiệm vụ kết nối, xúc tiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh và nâng tầm giá trị.

Bên cạnh đó, CRIPS luôn quan tâm đến chất lượng các dịch vụ mà mình cung cấp. Ngoài ra, CRIPS cũng sẽ liên tục tổ chức những hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin những vấn đề mà các doanh nghiệp BĐS quan tâm như: Pháp lý, định hướng phát triển của các địa phương, phân tích thị trường… thông qua các buổi hội thảo chuyên đề, cà phê doanh nhân BĐS…

- Ông có thể cho biết những “điểm nhấn” trong chương trình hoạt động của CRIPS trong năm 2021?

- Trong năm 2021, CRIPS sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp BĐS tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh tại 08 địa phương trọng điểm khu vực phía Nam như: TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Bến Tre.

Bên cạnh đó, CRIPS sẽ kết nối các doanh nghiệp đối tác và cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các doanh nghiệp như: Phát triển dự án, dịch vụ BĐS (pháp lý, quy hoạch…), thi công và vật liệu xây dựng.

Ngoài ra, CRIPS sẽ tổ chức những hoạt động kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, định hướng phát triển thị trường, pháp lý BĐS thông qua những sự kiện như: Hội thảo, hội nghị, các bài phân tích thị trường BĐS, cà phê doanh nhân BĐS…

Phó Giám đốc CRIPS: “Sẽ hỗ trợ DN BĐS tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các tỉnh trọng điểm phía Nam” ảnh 3

- Ông đánh giá như thế nào về hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp BĐS thời gian qua, nhất là xu hướng đầu tư ra các vùng trọng điểm như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận…

- Nếu đánh giá một cánh khách quan thì quỹ đất sạch tại TP.HCM hiện nay ngày càng khan hiếm, đồng nghĩa với cơ hội đầu tư sẽ giảm. Vì vậy, các doanh nghiệp BĐS phải nỗ lực nhiều hơn trong việc phát triển những thị trường mới có tiềm năng như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vùng Tàu, Bình Thuận…. Tôi cho rằng, đó là xu hướng và là bước đi đúng đắn của các doanh nghiệp BĐS hiện nay.

Tuy nhiên, TP.HCM vẫn là thị trường lớn nhất của các doanh nghiệp BĐS nhưng đang bị “tắc” vì vấn đề pháp lý. Vì vậy, ngoài việc kết nối, xúc tiến đầu tư cho các doanh nghiệp tại các tỉnh trọng điểm phía Nam, chúng tôi sẽ kết nối với các sở ngành TP.HCM để thúc đẩy, tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

- Trước những khó khăn, thách thức của thị trường, CRIPS có những đề xuất, kiến nghị về chính sách gì để “khơi thông” thị trường BĐS?

- Như tôi vừa chia sẻ, một trong những vấn đề mà doanh nghiệp BĐS nhắc đến là “tái mặt”, đó chính là vấn đề pháp lý và thủ tục hành chính liên quan đến đất công, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng, thủ tục giải phóng mặt bằng…

Vì vậy, chúng tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần rà soát lại những bất cập trong những văn bản và thủ tục liên quan đến những vướng mắc trong thời gian qua để xác định cách thức giải quyết vấn đề. Đồng thời, tổ chức những buổi hội thảo, kết nối, nói chuyện chuyên đề… lấy ý kiến từ các doanh nghiệp BĐS để có cái nhìn chính xác hơn về những khó khăn mà doanh nghiệp thường gặp trong kinh doanh.

Bên cạnh đó cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục cần thiết để doanh nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư. Các thông tin về pháp lý, quy hoạch, chế tài, dự án… cần công khai, minh bạch, tạo sân chơi lành mạnh hơn cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh hỗ trợ các cơ quan có chức năng kết nối nhằm thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát triển kinh tế - xã hội tại những địa bàn khó khăn.

- Xin cám ơn ông!

Có thể bạn quan tâm