Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Cần tạo hành lang pháp lý phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Phát triển nguồn năng lượng sạch luôn là định hướng của các quốc gia phát triển, hứa hẹn nhiều tiềm năng trong tương lai. Nguồn năng lượng tái tạo là cơ hội đổi mới phương thức vận hành cuộc sống…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp bàn về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp bàn về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

Tại cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) diễn ra sáng 15/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đề cập đến vấn đề phát triển không gian pháp lý cho ngành năng lượng tái tạo.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh một trong ba nhóm vấn đề lớn mà dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cần hướng đến là giải pháp đối với năng lượng tái tạo.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phải có định hướng tạo lập hành lang pháp lý cho vấn đề năng lượng sạch và hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới về năng lượng; phát triển và xuất khẩu điện gió ngoài khơi, sản xuất nhiên liệu xanh như hydro xanh, amoniac xanh… Theo Phó Thủ tướng, việc phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo sẽ góp phần giảm bớt tác động tiêu cực trong quá trình chuyển đổi năng lượng đối với doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tập trung nguồn lực phát triển nhóm chính sách lớn nhất, quan trọng nhất, khó khăn nhất là phát triển thị trường điện theo thể chế kinh tế thị trường, cạnh tranh, minh bạch từ lựa chọn các nhà đầu tư dự án điện, đến phương án tính giá điện bán cho người dùng.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc khai thác nhóm chính sách liên quan đến hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đối với ngành công nghiệp điện lực; hình thành các trung tâm công nghiệp điện năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi.

Cũng trong khuôn khổ cuộc họp thảo luận về dự thảo Luật, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương quan tâm đến các chính sách sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; chiến lược phát triển Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng của khu vực và thế giới; vai trò của Nhà nước trong bảo đảm an toàn hệ thống, khuyến khích phát triển điện nền (pin lưu trữ điện, thuỷ điện tích năng, điện hạt nhân an toàn) để tăng tỉ lệ huy động điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới…

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế, chính sách nhằm xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường với mọi loại hình năng lượng; thúc đẩy đầu tư, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; luật hoá việc điều hành giá điện; thu hút đầu tư nước ngoài cho phát triển xanh, chuyển dịch năng lượng…

Dự thảo luật sửa đổi gồm 9 chương, 119 điều, được xây dựng theo hướng phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong xây dựng chính sách, quản lý ngành điện; cũng như quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Một trong những nội dung mới được Bộ Công thương đưa vào dự thảo luật sửa đổi là những quy định nhằm phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là điện tự sản, tự tiêu, điện gió ngoài khơi.

Đây cũng là một trong những nội dung được các đại biểu trao đổi và phân tích nhiều tại cuộc họp. Theo các đại biểu, trước hết là vướng mắc trong thẩm quyền quản lý giữa Trung ương, địa phương và chưa có quy trình thực hiện rõ ràng khi thực hiện đầu tư các dự án điện (nguồn điện, hạ tầng truyền tải) với sự tham gia của cả doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân.

Cơ chế, chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nhất là điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện rác… còn thiếu.

Thị trường điện chưa đáp ứng yêu cầu triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Các nội dung về an toàn công trình nguồn điện (thuỷ điện, điện năng lượng tái tạo), sử dụng điện chưa được quy định đầy đủ.

Phát biểu về vấn đề này, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị thống nhất quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án phát triển nguồn điện theo nguyên tắc, tiêu chí về giá bán điện; chính sách chuyển đổi nguồn điện năng lượng hoá thạch sang các nguồn nhiên liệu phát thải thấp hoặc năng lượng tái tạo; áp dụng cơ chế tính giá điện theo thời điểm huy động hoặc bậc thang để điều chỉnh hành vi sử dụng điện của hộ tiêu dùng.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương rà soát các nghị quyết, văn bản, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp lại thành các nhóm chính sách liên quan đến phát triển điện lực.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Công Thương tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, chỉ rõ những tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực điện lực đối với doanh nghiệp, người dân, cơ quan quản lý Nhà nước, quy định pháp luật,… trước nhu cầu bảo đảm an ninh năng lượng cho nền kinh tế, đồng thời thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Xem thêm

Trợ lực “thắp sáng” cổ phiếu ngành điện

Trợ lực “thắp sáng” cổ phiếu ngành điện

VDSC cho rằng kết quả kinh doanh nhóm nhiệt điện sẽ đến từ sản lượng thực phát trong nửa đầu năm và nửa cuối năm sẽ ghi nhận thêm từ phần doanh thu CFD, kết quả kinh doanh nhóm thủy điện sẽ có tăng trưởng so với cùng kỳ trong nửa cuối 2024 khi sản lượng phục hồi...

Có thể bạn quan tâm