Các startup xe điện Mỹ nỗ lực tiết kiệm tiền mặt, cắt giảm chi phí để “trấn an” Phố Wall

Rivian, Lucid và Nikola trong tuần qua đã vạch ra kế hoạch chi tiết để cắt giảm chi phí và tiết kiệm nguồn vốn, đồng thời vẫn đẩy mạnh hoạt động phát triển và sản xuất với kỳ vọng đạt được lợi nhuận lần đầu tiên vào năm nay…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Các startup xe điện Mỹ nỗ lực tiết kiệm tiền mặt, cắt giảm chi phí để “trấn an” Phố Wall

Các công ty khởi nghiệp xe điện từng “hot” một thời - được thúc đẩy bởi lãi suất thấp, nguồn đầu tư tiền mặt dồi dào và sự lạc quan của Phố Wall - ngày nay đang phải cố gắng chứng minh rằng họ có thể tồn tại trong điều kiện thị trường khắc nghiệt hơn.

Các giám đốc điều hành của Rivian Automotive, Lucid, Nikolai trong tuần qua đều đã nêu bật kế hoạch chi tiết trong chủ trương tiết kiệm, bao gồm những dự tính cắt giảm việc làm, thay đổi quy trình sản xuất, thoả thuận lại với các bên cung cấp và điều chỉnh lại ưu tiên.

Trên thực tế, Rivian đã thực hiện kế hoạch cắt giảm chi phí trong nhiều tháng. Họ đã buộc phải thu hẹp nhân sự, trang bị lại nhà máy ở Illinois (Mỹ) để tăng hiệu quả và tạm dừng việc xây dựng một nhà máy mới trị giá hàng tỷ USD ở Georgia. Biện pháp cuối cùng đó dự kiến ​​sẽ tiết kiệm hơn 2,25 tỷ USD chi tiêu vốn, giúp công ty có thể tập trung hơn vào việc sản xuất dòng xe R2 thế hệ tiếp theo tại nhà máy hiện tại ở Illinois. Tính đến cuối tháng 3/2024, Rivian đã báo cáo 7,86 tỷ USD tiền mặt, các khoản tương đương tiền và đầu tư ngắn hạn, với tổng thanh khoản là hơn 9 tỷ USD.

Về phần mình, Lucid đã kết thúc quý đầu tiên với khoảng 4,6 tỷ USD tiền mặt, các khoản tương đương tiền và khoản đầu tư, với tổng thanh khoản khoảng 5,03 tỷ USD. Giám đốc điều hành của Lucid Peter Rawlinson cho biết ông chưa bao giờ lạc quan hơn về tương lai của công ty, bất chấp các vấn đề đáng chú ý về nhu cầu, tổn thất trong kinh doanh và nhu cầu vốn. Công ty đã huy động được 1 tỷ USD từ một chi nhánh của Quỹ đầu tư công của Arab Saudi, cổ đông lớn nhất sở hữu 60% cổ phần công ty.

Rivian và Lucid đều báo cáo khoản lỗ quý 1/2024 lớn hơn mức Phố Wall dự kiến, theo ước tính do LSEG tổng hợp.

Trong khi đó, Nikola mới chỉ ghi nhận mức lỗ 9 cent trên mỗi cổ phiếu trong ba tháng đầu năm, nhưng doanh thu 7,5 triệu USD vẫn chưa được bằng một nửa so với những gì nhà phân tích kỳ vọng. Không giống như Rivian và Lucid, Nikola chỉ tập trung vào xe thương mại hơn là xe dành cho khách hàng bán lẻ. Nikola CFO Thomas Okray lưu ý rằng công ty cần giảm chi phí, đồng thời tiếp tục mở rộng doanh số bán hàng, bao gồm cả khả năng giảm giá cho các khách hàng lớn để xây dựng thị phần.

Dự trữ tiền mặt của Nikola hiện thấp hơn nhiều so với Lucid và Rivian. Tài sản của công ty hiện bao gồm 469,3 triệu USD tính đến cuối quý đầu tiên, chủ yếu là 345,6 triệu USD tiền mặt và các khoản tương đương, bên cạnh 61,3 triệu USD hàng tồn kho xe tải.

Trong 5 năm qua, hầu hết các công ty startup EV (trừ Rivian) đều đã IPO thông qua các công ty SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt).

Cổ phiếu của Rivian, Lucid và Nikola đều giao dịch gần mức thấp nhất trong 52 tuần, với cổ phiếu của Nikola – từng có giá trị cao hơn Ford Motor – giao dịch với giá dưới 1 USD một cổ phiếu. Điều đó khiến công ty có nguy cơ bị hủy niêm yết khỏi Nasdaq, điều mà các giám đốc điều hành đang cố gắng tránh thông qua việc chia tách cổ phiếu ngược cần được các cổ đông chấp thuận.

Cổ phiếu của Rivian đã giảm khoảng 56% trong năm nay nhưng vẫn là công ty khởi nghiệp xe điện nổi tiếng nhất.

Cổ phiếu của Lucid đã giao dịch dưới 8 USD trong hầu hết năm qua. Cổ phiếu đóng cửa hôm 10/5 ở mức 2,62 USD, giảm hơn 60% trong 12 tháng qua.

Các công ty khởi nghiệp xe điện khác như Lordstown Motors và Electric Last Mile Solutions đều phá sản, trong khi Fisker đang trên bờ vực nộp đơn xin phá sản và đã tạm dừng sản xuất xe.

Các nhà phân tích Phố Wall đã gọi tình trạng hiện tại của thị trường xe điện là “mùa đông EV”, sự kết thúc của cái gọi là cơn sốt EV hay một đợt thoái lui tạm thời mà các nhà sản xuất ô tô sẽ cần phải vượt qua để đạt được lợi ích lâu dài.

Việc áp dụng xe điện trên toàn cầu đang diễn ra chậm hơn nhiều so với dự kiến, cũng như sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ nước ngoài và tình hình kinh tế đầy biến động đã khiến thị trường xe điện lao đao. Ngay cả Tesla, công ty dẫn đầu về xe điện của Mỹ, cũng đang vật lộn trong quá trình tái cơ cấu toàn cầu, bao gồm việc sa thải khoảng 10% lực lượng lao động của mình.

Có thể bạn quan tâm