Kết thúc phiên 21/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 322,35 điểm (+0,87%) lên 37.404,35 điểm, S&P 500 thêm 48,4 điểm (+1,03%) ở mức 4.746,75 và Nasdaq Composite leo 185,92 điểm (+1,26%) thành 14.963,87 điểm.
Tất cả 11 lĩnh vực chính của S&P 500 đều kết thúc trong vùng tích cực và cổ phiếu tiêu dùng tùy ý có mức tăng phần trăm lớn nhất.
Chỉ số bán dẫn Philadelphia SE tăng 2,8%. Cổ phiếu ngành chip của Mỹ đều tăng mạnh, dẫn đầu là Micron Technology với 8,6% nhờ dự báo doanh thu hàng quý cao hơn ước tính sau các dấu hiệu phục hồi chip nhớ vào năm tới.
Các nhà sản xuất xe điện Mỹ như Tesla, Lucid Group và Rivian tăng từ 1,6% đến 3,0% sau khi có báo cáo cho biết Mỹ đang xem xét tăng thuế đối với các công ty xe điện Trung Quốc.
Triumph Group bật tăng 32,9% khi nhà cung cấp hàng thiết bị không vũ trụ cho biết họ sẽ bán mảng kinh doanh linh kiện hậu mãi cho AAR Corp với giá 725 triệu USD.
Trong khi đó, cổ phiếu Blackberry niêm yết tại Mỹ giảm 12,7% sau khi ước tính doanh thu quý 4 thấp hơn kỳ vọng.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán của Mỹ là 10,88 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,28 tỷ cổ phiếu trong cả phiên trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, dữ liệu hôm 21/12 cho thấy tăng trưởng kinh tế trong quý 3 của Mỹ không mạnh mẽ như tuyên bố ban đầu và các vết nứt dần xuất hiện trên thị trường lao động bị thắt chặt, cũng chính là điều mà Fed coi là trở ngại cho việc hạ nhiệt lạm phát.
“Số liệu GDP quý 3 không được điều chỉnh tăng lên mà thực tế lại còn cắt giảm khiến các nhà đầu tư chấp nhận rằng con đường mà Fed đang đi, như họ đã nói vào tuần trước, sẽ không sớm thay đổi”, ông Peter Tuz, chủ tịch của Chase Investment Counsel cho biết.
Mặc dù vậy, theo công cụ FedWatch của CME, các thị trường tài chính đang định giá 71,3% khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giảm lãi suất mục tiêu xuống 0,25 điểm phần trăm ngay sau tháng 3/2024.
Greg Bassuk, giám đốc điều hành của AXS Investments nhấn mạnh rằng ông tin chứng khoán Mỹ sẽ kết thúc năm 2023 một cách tích cực.
Thị trường đang chờ báo cáo chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Bộ Thương mại Mỹ vào 22/12, sẽ bao gồm tăng trưởng thu nhập, chi tiêu tiêu dùng và lạm phát.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu trượt dốc vào phiên 21/12 sau khi Angola cho biết họ sẽ rời Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đặt ra câu hỏi về nỗ lực của tổ chức trong việc hỗ trợ giá bằng cách hạn chế nguồn cung toàn cầu.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 31 cent xuống 79,39 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 33 cent xuống 73,89 USD/thùng.
Trước đó trong phiên, cả hai điểm chuẩn đều giảm hơn 1 USD sau khi Angola cho biết họ đang có ý định rời khỏi OPEC. Bộ trưởng dầu mỏ Angola Diamantino Azevedo lưu ý trong một bài phát biểu rằng tư cách thành viên của nước này trong OPEC không phục vụ cho lợi ích của đất nước.
Tổ chức các nhà sản xuất dầu mỏ do Saudi dẫn đầu trong những tháng gần đây đã tăng cường cắt giảm sản lượng để thúc đẩy giá dầu.
Matt Smith của công ty theo dõi vận chuyển Kpler nhận xét rằng: “Có vẻ như OPEC đang thua trong cuộc chiến giữ giá ở mức cao”. Ông Kpler cũng lưu ý thêm, các nhà sản xuất ngoài OPEC như Mỹ đã tăng cường lấp đầy khoảng trống nguồn cung.
Việc Angola rời đi đặt ra câu hỏi về sự gắn kết và định hướng của OPEC, mặc dù đây là một trong những nhà sản xuất nhỏ nhất và sự ra đi của nước này chỉ gây ra các tác động hạn chế đến nguồn cung toàn cầu. Angola sản xuất khoảng 1,1 triệu thùng/ngày, so với 28 triệu thùng/ngày của toàn OPEC.
Tại một cuộc họp vào tháng 11, Angola đã phản đối quyết định của OPEC cắt giảm hạn ngạch sản xuất vào năm 2024 để giúp hỗ trợ giá dầu.