Phố Wall quay đầu giảm mạnh, kết thúc chuỗi tăng điểm lịch sử

Chứng khoán Mỹ đóng cửa trong sắc đỏ vào 20/12 sau khi diễn biến giảm đột ngột vào giữa buổi chiều đã chấm dứt đợt phục hồi ấn tượng của Phố Wall…

Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

Kết thúc phiên 20/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 475,92 điểm (-1,27%) xuống 37.082 điểm, S&P 500 mất 70,02 điểm (-1,47%) còn 4.698,35 điểm và Nasdaq Composite trượt 225,28 điểm (-1,5%) thành 14.777,94 điểm.

Tất cả 11 lĩnh vực chính trong S&P 500 đều mất điểm, trong đó hàng tiêu dùng thiết yếu chịu mức giảm phần trăm lớn nhất sau khi công ty thực phẩm đóng gói General Mills cắt giảm dự báo doanh thu.

Công ty tư vấn quản lý Aon giảm 6,0% do thông báo mua lại công ty môi giới bảo hiểm tư nhân NFP trong một thương vụ trị giá 13,4 tỷ USD.

Gây áp lực lớn nhất lên S&P 500, cổ phiếu FedEx lao dốc 12,1% khi công ty không đạt được ước tính lợi nhuận hàng quý và cắt giảm dự báo doanh thu cả năm khi phải cạnh tranh với United Parcel Service trong một mùa mua sắm cuối năm ảm đạm. UPS giảm 2,9%.

Ngược lại, Alphabet lại là một trong số ít cổ phiếu mang lại mức tăng cho S&P 500, tăng 1,2% sau khi công ty thông báo tái cơ cấu bộ phận bán quảng cáo của Google.

Trong giao dịch mở rộng, Micron Technology leo 4,4% nhờ dự báo doanh thu hàng quý cao hơn ước tính.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán của Mỹ là 12,84 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 12,15 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

“Chứng khoán Mỹ đã tiến gần tới mức cao nhất mọi thời đại và chạm ngưỡng kháng cự. Thật ngạc nhiên khi thấy mức độ bán tháo lớn đến vậy, nhưng điều đó hợp lý khi xem xét lại việc chúng ta đã đi được bao xa”, Jay Hatfield, nhà quản lý danh mục đầu tư tại InfraCap cho biết.

Thomas Martin, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại GLOBALT nhận xét: “Chúng ta đã có đợt phục hồi mạnh mẽ này vào tháng 12 và tâm lý nhà đầu tư đang ở mức cao. Việc đảo chiều của phiên hôm nay có lẽ là điều tự nhiên vì thị trường đang tự hỏi “giờ thì sao nữa?”.

Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu rằng họ đã kết thúc chu kỳ thắt chặt và mở ra cơ hội cắt giảm lãi suất vào năm 2024.

Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee vào cuối ngày thứ Ba một lần nữa nhắc lại rằng tốc độ lạm phát giảm xuống mức mục tiêu sẽ là yếu tố chính thúc đẩy việc cắt giảm lãi suất.

Theo công cụ FedWatch của CME, các thị trường tài chính đang đặt cược 71,1% khả năng cho đợt cắt giảm đầu tiên diễn ra ngay sau tháng 3/2024.

Về mặt kinh tế, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến và doanh số bán nhà hiện tại cũng ở mức cao bất ngờ.

Bộ Thương mại Mỹ dự kiến ​​sẽ kết thúc tuần với báo cáo thứ ba và cũng là cuối cùng về GDP quý 3 vào 21/12, tiếp theo vào 22/12 là báo cáo Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) trên phạm vi rộng, sẽ bao gồm tăng trưởng thu nhập, chi tiêu của người tiêu dùng và quan trọng nhất là lạm phát.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu nhích nhẹ sau phiên giao dịch biến động hôm 20/12 do các nhà đầu tư lo lắng về sự gián đoạn thương mại toàn cầu và căng thẳng ở Trung Đông sau các cuộc tấn công ở Biển Đỏ.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 47 cent, tương đương 0,6%, ở mức 79,70 USD/thùng, trong khi WTI tăng 28 cent, tương đương 0,4%, lên 74,22 USD/thùng.

Đầu phiên, giá chuẩn tăng hơn 1 USD khi các hãng vận tải hàng hải lớn chọn tránh tuyến đường Biển Đỏ, làm gia tăng thời gian, chi phí vận chuyển và bảo hiểm.

Tuy nhiên, nguyên nhân hạn chế đà lên giá là bởi Mỹ, khi mức tăng dự trữ nhiên liệu lớn hơn dự kiến và sản lượng dầu trong nước đạt kỷ lục.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm