Kết thúc phiên 3/5, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 450,02 điểm (+1,18%) lên 38.675,68 điểm, S&P 500 thêm 63,59 điểm (+1,26%) thành 5.127,79 điểm và Nasdaq Composite leo 315,37 điểm (+1,99%) đóng cửa ở mức 16.156,33 điểm.
Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, tất cả ngoại trừ năng lượng đều kết thúc phiên trong vùng tích cực, trong đó công nghệ có đà tăng phần trăm lớn nhất ở mức 3,0%.
Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều có sức tăng mạnh. Nasdaq nặng về công nghệ dẫn đầu, tăng gần 2% với sự hỗ trợ từ Apple. Cụ thể, cổ phiếu Apple tăng 6,0% sau khi công ty công bố chương trình mua lại cổ phiếu kỷ lục trị giá 110 tỷ USD và kết quả thu nhập quý 1/2024 đã đánh bại ước tính của thị trường.
Cổ phiếu của công ty công nghệ sinh học Amgen “phi mã” 11,8% nhờ các dữ liệu đáng khích lệ về thuốc giảm cân thử nghiệm MariTide và thu nhập quý đầu tiên.
Trong khi đó, nền tảng du lịch Expedia đã phải cắt giảm dự báo tăng trưởng doanh thu cả năm, khiến cổ phiếu lao dốc 15,3%.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,72 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,07 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Mùa thu nhập quý đầu tiên đang tiến đến giai đoạn cuối cùng, với 397 công ty trong S&P 500 đã báo cáo tính đến sáng 3/5. Trong số đó, 77% đã có kết quả vượt qua kỳ vọng của giới phân tích, theo dữ liệu của LSEG.
Trong tuần, cả ba chỉ số chính đều ghi nhận các tín hiệu ổn định hơn khi thị trường được khuyến khích bởi những tuyên bố ôn hòa hơn mong đợi của chủ tịch Fed Jerome Powell sau quyết định lãi suất hôm 1/5.
Gần đây nhất, báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế tạo thêm ít việc làm hơn dự kiến, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và tăng trưởng tiền lương bất ngờ hạ nhiệt.
Báo cáo này có thể có tác động tích cực đến Fed, đưa ra những dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang dịu lại, điều mà chủ tịch Jerome Powell cho là cần thiết để đưa lạm phát vào con đường đi xuống bền vững. Báo cáo cũng đưa ra những đảm bảo về sức khỏe kinh tế Mỹ.
Thêm vào đó, báo cáo đã khiến các nhà đầu tư tăng đặt cược vào khả năng Fed sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9 tới.
“Câu chuyện mà các nhà đầu tư để tâm tới vẫn là Fed và lãi suất. Báo cáo việc làm hôm 3/5 khiến việc cắt giảm lãi suất chắc chắn nằm trong chương trình nghị sự năm 2024 của Fed. Và mặc dù quan điểm “cao hơn trong thời gian dài hơn” vẫn thuộc lộ trình, nhưng dữ liệu kinh tế này đang được các nhà đầu tư, Phố Wall, Phố Chính (Main Street) và tất cả các lĩnh vực đón nhận nồng nhiệt”, Greg Bassuk, Giám đốc điều hành của AXS Investments nhận định.
Chủ tịch Fed khu vực Chicago Austan Goolsbee đã đưa ra bình luận về báo cáo việc làm, cho biết dữ liệu mới này củng cố niềm tin rằng nền kinh tế đang không quá “nóng”. Tuy nhiên, thống đốc Fed Michelle Bowman lại đưa ra nhắc nhở rằng khả năng tăng lãi suất là có thể xảy ra nếu tiến độ lạm phát bị đảo ngược.
“Hãy nhớ rằng, hiện tại đang là đầu tháng 5; chúng ta không nên giả vờ rằng một năm sắp kết thúc hoặc bằng cách nào đó mọi quân bài đã được chơi. Dù vậy, tôi không nghĩ bất kỳ quan chức Fed nào thực sự tin rằng việc tăng lãi suất là phù hợp với điều kiện và dữ liệu hiện tại”, Oliver Pursche, phó chủ tịch cấp cao của Wealthspire Advisors chia sẻ.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục đi xuống vào phiên 3/5 và ghi nhận mức giảm hàng tuần lớn nhất trong ba tháng do các nhà đầu tư cân nhắc dữ liệu việc làm yếu kém của Mỹ và thời điểm có thể cắt giảm lãi suất.
Hợp đồng tương lai dầu Brent kỳ hạn tháng 7 giảm 71 cent, tương đương 0,85%, xuống 82,96 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ kỳ hạn tháng 6 giảm 84 cent, tương đương 1,06%, xuống 78,11 USD/thùng.
Trong tuần, dầu Brent đã giảm hơn 7%, trong khi WTI mất 6,8%.
Các nhà đầu tư lo ngại rằng chi phí vay cao hơn sẽ hạn chế tăng trưởng kinh tế ở Mỹ - nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới - sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất.
Sắp tới, cuộc họp tiếp theo của các nhà sản xuất dầu OPEC+, thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga, sẽ diễn ra vào ngày 1/6. Ba nguồn tin từ OPEC+ đã tiết lộ rằng tổ chức có thể gia hạn việc cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện sau tháng 6 nếu nhu cầu dầu không tăng.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin đã vượt trên ngưỡng 60.000 USD. Tính đến thời điểm viết bài, dựa trên dữ liệu mới nhất từ CoinMarketCap, Bitcoin hiện đang giao dịch ở mức 60.128 USD, đánh dấu đà tăng 2,29% trong 24 giờ qua. Sự phục hồi diễn ra sau khi đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới trải qua đợt điều chỉnh mạnh vào đầu tuần.
CryptoQuant, một nền tảng phân tích chuỗi hàng đầu, gần đây đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc cho thấy giá Bitcoin có thể phục hồi trong ngắn hạn. Theo phân tích của họ, động thái của các nhà đầu tư ngắn hạn có ảnh hưởng đáng kể đến biến động giá của Bitcoin. Hơn nữa, vẫn có sự lạc quan về triển vọng dài hạn của Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác. Việc áp dụng các quy định pháp lý, sự chấp nhận chính thống và hệ thống tích hợp ngày càng hiện đại của công nghệ blockchain trên các lĩnh vực khác nhau cho thấy sức mạnh cơ bản của hệ sinh thái.