Hiện, cổ đông ngoại lớn nhất của VCG là quỹ Pyn Elite Fund với hơn 31,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,1%). Do đó, nhiều khả năng quỹ đầu tư này đã hoàn tất thoái vốn khỏi Vinaconex trong phiên giao dịch 24/12.
Đây cũng không phải là điều bất ngờ khi Vinaconex cho biết phải khóa room ngoại về 0% khi thực hiện thoái vốn nhà nước. Trước đó, một quỹ ETF ngoại đang hoạt động trên TTCK Việt Nam là VNM ETF cũng đã bán toàn bộ cổ phiếu VCG trong danh mục.
Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là bên nào sẽ mua số cổ phiếu này từ Pyn Elite Fund?
Bởi, theo Điều lệ của Vinaconex, các quyết định của Đại hội đồng cổ đông liên quan đến việc sửa đổi và bổ sung Điều lệ, chào bán cổ phiếu, tổ chức lại doanh nghiệp, các giao dịch mua bán tài sản có giá trị lớn... chỉ được thông qua khi có từ 65% trở lên số phiếu bầu của các cổ đông có quyền biểu quyết.
Hiện, sau khi thắng trong cuộc đấu giá lô cổ phần của Vinaconex từ Ủy ban quản lý vốn nhà nước (SCIC), Công ty TNHH An Quý Hưng hiện là chủ mới của Vinaconex với tỷ lệ sở hữu 57,71%. Nếu An Quý Hưng mua trọn lô cổ phiếu này của Pyn Elite Fund thì Vinaconex sẽ chính thức thành "sân sau" của doanh nghiệp này.
Ở phía ngược lại, nhà đầu tư mua lại 21,3% cổ phần từ Viettel nếu tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 35% có thể phủ quyết được mọi quyết sách quan trọng do nhóm cổ đông đa số đưa ra.
Do đó danh tính nhà đầu tư mua thỏa thuận lượng cổ phiếu này cũng mang tính quan trọng trong các quyết sách của Vinaconex trong tương lai.
Sau khi thoái vốn thành công, cổ phiếu VCG diễn biến khá tích cực khi tăng từ vùng 18.000 đồng/cổ phiếu lên trên 26.000 đồng/cổ phiếu.