Quản lý xăng dầu (Bài cuối): Cần “siết” các quy định để thị trường minh bạch hơn

Việc quản lý xăng dầu hiện đang bị "lỗi nhịp" so với sự phát triển thần tốc của thị trường, do đó các cơ quan quản lý cần nhanh chóng điều chỉnh các quy định.

Xăng dầu được cho là một trong những trụ cột của an ninh năng lượng, là “huyết mạch” lưu thông của nền kinh tế nhưng thời gian qua, việc quản lý xăng dầu liên tục bộc lộ những điều chưa ổn. Do đó, để chính sách quản lý linh hoạt hơn, nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Về hướng sửa đổi cụ thể, khi đối thoại với chúng tôi, Tiến sỹ kinh tế Giang Chấn Tây cho rằng, những quy định tại Điều 1 Nghị định 83 quy định về "Thương nhân kinh doanh xăng dầu" cho thấy, hiện có quá nhiều tầng nấc trung gian làm cho bộ máy phân phối xăng dầu quá cồng kềnh, nhưng không chặt chẽ trong khâu tổ chức điều hành, lợi nhuận bị chia nhỏ quá nhiều khâu nên không còn đủ lợi nhuận đảm bảo cho đơn vị bán lẻ hoạt động. Lợi dụng chính sách này các thương nhân toàn đi thuê tài sản để làm thương nhân. 

Vì thế, cần thiết phải giảm bớt khâu trung gian. Bởi vì, xăng dầu từ đầu mối khi đến các đại lý nếu qua nhiều khâu trung gian sẽ khiến chi phí vận hành tăng lên, hao hụt tăng lên đáng kể và lợi nhuận luôn bị chia nhỏ qua quá nhiều khâu. Đại lý là nơi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cho nên cần tăng thêm lợi nhuận cho đại lý bán lẻ góp phần ổn định thị trường.

Việc quản lý xăng dầu hiện đang bị "lỗi nhịp" so với sự phát triển thần tốc của thị trường
Việc quản lý xăng dầu hiện đang bị "lỗi nhịp" so với sự phát triển thần tốc của thị trường

Ông Tây phân tích thêm, hiện thương nhân phân phối lấy hàng ở tất cả các nơi đã vô tình làm cho chất lượng sản phẩm xăng dầu của Việt Nam bị cào bằng. Hiện nay không ai có thể phủ nhận chất lượng xăng dầu của Petrolimex là tốt nhất. Nhưng, cái cách thương nhân phân phối mua xăng của Petrolimex về đổ chung với xăng của các doanh nghiệp khác thì chẳng khác nào lấy nước tinh khiết đem pha với nước sông, nước biển và nước suối...

Vậy mà sau đó khi xăng dầu đến cửa hàng bán lẻ lại siết chất lượng, lấy mẫu, lưu mẫu, kiểm nghiệm làm đủ mọi thứ là xem như quá trình quản lý chất lượng chưa chặt chẽ, có nhiều bất cập và chưa hợp lý.

Theo quan điểm của ông Tây, nên quy định tổng đại lý chỉ lấy được hàng ở 2 công ty đầu mối, đồng thời đại lý cũng được lấy hàng ở 02 tổng đại lý hoặc 01 tổng đại lý 1 thương nhân phân phối để dễ định hình chất lượng, đồng thời cho mở từ từ đối với doanh nghiệp bán lẻ, vì hiện nay bị quá nhiều ràng buộc mà không xoay sở được bất kỳ tình huống nào. Chiết khấu cũng không được đòi hỏi thêm dù chỉ 1 đồng. Hết hàng bán cũng cố chịu chứ không được quyền lấy bất cứ nơi đâu về bán. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến hết hàng bán và rối loạn thị trường.

Từ những phân tích trên, ông Tây gợi ý nên ưu tiên phân phối theo dạng hệ thống của công ty đầu mối như Tập đoàn Petrolimex. Đồng thời đề nghị bỏ thương nhân phân phối bằng cách hạ bậc xuống còn tổng đại lý.

Về quy định Quyền và nghĩa vụ của đại lý bán lẻ xăng dầu, tại 2 Nghị định hiện có điểm chưa thống nhất. Nếu theo Khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 13 được Nghị định 95, thì có thể hiểu cửa hàng bán lẻ của thương nhân phân phối được lấy hàng ở nhiều nơi luôn và đa số đi thuê, trong khi doanh nghiệp bán lẻ có khi có đến gần cả chục cửa hàng nhưng bị bắt buộc lấy hàng có 1 nơi duy nhất. Vậy có bất công giữa 2 dạng cửa hàng này không, trong khi thực tế là họ hoạt động là y chang như nhau? Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến đứt nguồn mà doanh nghiệp là đại lý không biết xoay sở như thế nào và hoàn toàn không có tính cạnh tranh về chiết khấu, về nguồn hàng cũng như về chất lượng hay cung cách phục vụ...

Khi đặt bút vào ký hợp đồng làm đại lý cho một đơn vị cung cấp thì lúc đầu họ cho chiết khấu cao, nói nghe êm tai để ký được hợp đồng rồi thì họ hạ chiết khấu thấp dần xuống và sau đó muốn cho bao nhiêu thì cho, doanh nghiệp bán lẻ không có quyền đòi hỏi gì cả. Đại lý không thể cứ ký hợp đồng chuyển qua chuyển lại liên tục để lấy hàng ở nhiều nơi được vì liên quan thủ tục giấy tờ, logo, thương hiệu rất phức tạp và phiền phức.

Trước bất cập trên, ông Tây cho rằng đại lý bán lẻ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho 2 tổng đại lý hoặc 2 thương nhân đầu mối hay 1 tổng đại lý và 1 thương nhân đầu mối. Được hưởng thù lao chiết khấu bán lẻ không nhỏ hơn 7% trên giá bán lẻ.

Song song đó, ông Tây cũng kiến nghị bổ sung thuật ngữ chiết khấu bán lẻ xăng dầu vào Nghị định và được hiểu như là lợi nhuận định mức của doanh nghiệp bán lẻ để cơ quan chức năng quản lý được xuyên suốt tất cả các khâu trong quá trình quản lý và điều hành của mình một cách trực tiếp và kể cả gián tiếp.

Bởi, chiết khấu là hình thức giảm giá một phần trong giá bán lẻ xăng dầu ở một mức độ nhất định đảm bảo chi phí cho hoạt động của doanh nghiêp bán lẻ và có lợi nhuận để bảo toàn vốn và tái đầu tư. Đây được hiểu như lợi nhuận định mức của doanh nghiệp bán lẻ và không nhỏ hơn 7% giá bán lẻ tại thời điểm công bố.

Quy định như trên để tránh tình trạng hiện nay nhà cung cấp cho chiết khấu 0đ hoặc cho 30đ đến 70đ cho có lệ nên doanh nghiệp bán lẻ không thể hoạt động được.

Về thuật ngữ cần gọi là doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Tránh gọi đại lý vì làm cho một số người hiểu nhầm là doanh nghiệp nhỏ, bán hưởng hoa hồng như thuốc tây...

Bởi vì, trên thực tế doanh nghiệp bán lẻ hoạt động theo Luật doanh nghiệp và hạch toán độc lập, tài sản cũng tương đối lớn, đôi khi có hàng chục cửa hàng xăng dầu thuộc sở hữu của doanh nghiệp, số cửa hàng còn nhiều hơn cả một số tổng đại lý và thương nhân phân phối. Tổng đại lý đôi khi có rất ít cửa hàng, tài sản chủ yếu là đi thuê để đủ số lượng theo qui định, thậm chí là thương nhân phân phối hiện nay cũng nằm trong tình trạng này và văn phòng cũng đi thuê luôn nên hoạt động không ổn định.

Được bán lẻ xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình theo giá bán lẻ do thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định trên cơ sở giá trần công bố của Bộ Công thương.

Cần siết lại các quy định trong việc quản lý xăng dầu
Cần siết lại các quy định trong việc quản lý xăng dầu

Bên cạnh những vấn đề trên, theo chúng tôi để quản lý xăng dầu tốt hơn, các cơ quan cũng cần sửa đổi quy định về kỳ điều hành xăng dầu, cần rút ngắn chu kỳ điều hành giá xăng dầu hiện hành. Việc rút ngắn chu kỳ điều hành giá xăng dầu không quá phức tạp, vì đã có công thức tính sẵn, chỉ cần áp vào là ra giá, khá dễ dàng, nhanh chóng.

Sửa đổi bổ sung quy định “Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp” theo hướng định lượng một cách cụ thể biến động giá tăng hoặc giảm trên 7% hoặc trên 10% so với giá cơ sở kỳ liền kề trước đó, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

Điều này sẽ giúp việc điều chỉnh giá xăng dầu Việt Nam nhanh nhạy hơn so với sự biến giá xăng dầu thế giới, tránh có độ trễ trong việc điều chỉnh giá.

Sửa đổi quy định về dự trữ bắt buộc theo hướng tăng dự trữ bắt buộc tối thiểu đối với doanh nghiệp đầu mối, sản xuất và thương nhân phân phối xăng dầu. Đồng thời bổ sung quy định cụ thể về cơ chế kiểm tra, giám sát việc dự trữ bắt buộc đối với doanh nghiệp đầu mối, sản xuất và thương nhân phân phối xăng dầu tránh tình trạng bất ổn trong trường hợp đứt gãy nguồn cung cục bộ.

Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta gần như không có dự trữ chiến lược về xăng dầu mà chỉ là dự trữ lưu thông để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn trong vài ngày hoặc vài chục ngày khiến nguy cơ cao đứt gãy nguồn cung. Một số chuyên gia cho rằng, Nhà nước có thể điều tiết giá xăng dầu thông qua chính sách thuế, phí nhưng về dài hạn thì phải có cơ chế dự trữ quốc gia.

Việc can thiệp bằng thuế, phí được áp dụng linh hoạt nhưng chỉ có hiệu quả nhất định. Muốn thị trường xăng dầu phát triển bền vững, góp phần ngăn chặn đứt gãy nguồn cung xăng dầu thì không thể không có dự trữ quốc gia.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...