Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng vừa ký chấp thuận chủ trương đầu tư 3 dự án điện gió với tổng vốn đầu tư lên đến gần 5.800 tỷ đồng.
Cụ thể, thứ nhất là dự án nhà máy điện gió Phong Nguyên có vốn đầu tư hơn 1.911 tỷ đồng, được xây dựng tại hai xã Tân Thành và xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Diện tích mặt đất dự kiến sử dụng đất chiếm dụng có thời hạn 16,46ha, đất chiếm tạm thời 9,2ha. Dự án này do Công ty Cổ phần điện gió Phong Nguyên làm chủ đầu tư.
Thứ hai là nhà máy điện gió Phong Huy với vốn đầu tư trên 1.913 tỷ đồng. Dự án được xây dựng tại hai xã Tân Thành và Hướng Tân, huyện Hướng Hóa do Công ty Cổ phần điện gió Phong Huy làm chủ đầu tư.
Cuối cùng là nhà máy điện gió Liên Lập có vốn đầu tư hơn 1.973 tỷ đồng, địa điểm xây dựng tại các xã: Tân Liên, Tân Lập, Hướng Tân và thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa. Dự án này do Công ty Cổ phần điện gió Liên Lập làm chủ đầu tư. Diện tích đất sử dụng 48ha và dự kiến hoàn thành phát điện vào quý III/2021.
Được biết, cả 3 nhà máy điện gió đều có 12 tuabin gió với công suất thiết kế 48MW và có thời hạn hoạt động là 50 năm. Đáng chú ý, cả 3 nhà đầu tư này đều do ông Vũ Ánh Dương (sinh năm 1979) làm tổng giám đốc.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có 2 dự điện gió là Hướng Linh 1 và 2 đã đi vào hoạt động.
Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt quy hoạch 31 dự án điện gió ở tỉnh này với tổng công suất trên 1.177MW; trong đó, có 22 dự án điện gió dự kiến phát điện thương mại trong năm 2021; 7 dự án còn lại đang trong quá trình triển khai xây dựng.
Ngoài các dự án điện gió đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch, tỉnh Quảng Trị còn có hàng chục dự án điện gió khác đang trong quá trình nghiên cứu và khảo sát với tổng công suất khoảng trên 3.600 MW.
Ngoài các dự án điện gió đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch, tỉnh Quảng Trị còn có hàng chục dự án điện gió khác đang trong quá trình nghiên cứu và khảo sát với tổng công suất khoảng trên 3.600 MW.
Một trong những ưu tiên của tỉnh Quảng Trị là thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng nói chung, điện gió nói riêng. Theo đó, tỉnh này thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: cung cấp thông tin, triển khai xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chính thống, hỗ trợ và tư vấn trên các lĩnh vực như thuế, bảo hiểm, hợp đồng, đất đai, môi trường.
Tuy nhiên, tỉnh Quảng Trị cũng kiên quyết không thu hồi đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ nằm trong quy hoạch để làm điện gió.