Quy mô thị trường chứng khoán tăng 14%

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách, tính đến ngày 18/3 quy mô thị trường chứng khoán đã đạt trên 81% GDP, tăng 14% so với cuối năm 2018.

Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện bộ này đã trình thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến 2020, định hướng đến 2025.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) - ông Phạm Hồng Sơn, ngày 7/1, Thủ tướng đã phê duyệt đề án thành lập Sở. Bộ Tài chính đang soạn thảo các văn bản liên quan đến điều lệ và quy chế thành lập sở để trình phê duyệt.

Trong 3 tháng đầu năm, Bộ cũng tập trung phát triển sản phẩm phái sinh mới (chứng quyền có đảm bảo, hợp đồng tương lai). Theo ông Sơn, công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất, các sản phẩm có thể triển khai trong quý II. Bộ Tài chính sẽ tuyên truyền, truyền thông về các sản phẩm trước khi chính thức đưa ra thị trường.

Trong quý II, Bộ Tài chính sẽ tập trung hoàn thiện Dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) theo kế hoạch và hoàn thiện hồ sơ sửa Luật kinh doanh bảo hiểm 2020, theo dõi và hoàn thiện dự thảo nghị định về bảo hiểm vi mô tho ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Liên quan đến vấn đề các doanh nghiệp chậm lên sàn, theo ông Phạm Hồng Sơn, UBCKNN đã có nhiều văn bản để nhắc nhở các doanh nghiệp tuân thủ các quy định về niêm yết, đăng kí giao dịch trên thị trường. Đồng thời, cũng thực hiện công khai danh sách các công ty đại chúng xuất phát từ các doanh nghiệp nhà nước cũ hiện nay đã trở thành công ty đại chúng rồi nhưng chậm chễ lên sàn. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã thành lập các tổ công tác đến các doanh nghiệp để tìm hiểu lý do vì sao chậm lên sàn.

Về chế xử phạt, UBCKNN đã tiến hành xử phạt với mức cao nhất là 350 triệu đồng đối với việc không thực hiện lên sàn. Đại diện UBCKNN cho biết thêm, vừa qua có một vài trường hợp doanh nghiệp đã trở thành công ty đại chúng nhưng chưa lên sàn xin tăng vốn. Cơ quan quản lý đã có chế tài rất mạnh, không cho phép tăng vốn và chỉ được phép tăng vốn với điều kiện lên sàn.

Bộ Tài chính cũng có báo cáo Chính phủ với các trường hợp chậm lên sàn và yêu cầu các cơ quan chủ quản, các công ty đưa các doanh nghiệp lên sàn trong thời gian sớm nhất.

 >> Quý I/2019: Khối ngoại mua ròng gần 5.000 tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm