ĐHCĐ Gỗ Trường Thành: Đến tháng 10 hết nợ ngân hàng nhờ bán khoản đầu tư và phát hành

Sáng nay 26/6, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên để thông qua kết quả 2016, chiến lược kinh doanh 2017, phát hành riêng lẻ, bầu HĐQT nhiệm kỳ mới...
ĐHCĐ Gỗ Trường Thành: Đến tháng 10 hết nợ ngân hàng nhờ bán khoản đầu tư và phát hành

Năm 2017 Gỗ Trường Thành sẽ có lãi song đến năm 2018 sẽ lại lỗ vài trăm tỷ đồng 

Tại Đại hội, HĐQT đưa ra một số mục tiêu chính trong năm 2017 là cắt giảm 300 lao động để giảm chi phí; thu hồi các khoản đầu tư ngoài ngành, trước hết là toàn bộ rừng và dự án BĐS Công ty Phú Hữu Gia; từ nguồn tiền bán khoản đầu tư ngoài ngành và phát hành thêm vốn mà TTF dự kiến sẽ không còn nợ ngân hàng kể từ 1/10/2017.

Cụ thể, để tái cơ cấu lại tài chính, HĐQT trình cổ đông phương án phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/CP. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Thời điểm thực hiện là quý III/2017.

Cùng với đó, công ty cũng thực hiện thanh lý toàn bộ gỗ tồn đã để tại TTF nhiều năm.

Ông Hồ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT cho hay, năm qua TTF đã gặp nhiều biến cố và hiện có rất nhiều việc cần làm để đưa công ty trở lại vị thế cũ. Một trong những việc cần làm đầu tiên chính là khiến TTF trở nên “sạch” hơn.

“Sạch ở đây là sạch nợ và hàng tồn kho gỗ lâu năm. Công ty sẽ tự chủ hoàn toàn về nguồn tài chính và cũng thanh lý hàng tồn kho gỗ đã nhiều năm không còn phù hợp để sản xuất kinh doanh nữa. Việc thanh lý hàng tồn kho có thể sẽ khiến công ty bị lỗ nhưng từ đó loại bỏ toàn bộ các khó khăn mà TTF đã và đang có. Tạo tiền đề cho việc đưa toàn bộ tài sản của TTF vào sử dụng hiệu quả”, ông Dũng cho biết.

Về định hướng đầu tư, HĐQT cho biết sẽ thiết kế lại toàn bộ dây chuyền sản xuất bằng chuẩn khu vực Đông Nam Á với mục tiêu giảm 30% chi phí nhân công; áp dụng công nghệ quản trị, sử dụng ERP chuyên cho sản xuất đồ gỗ để tăng năng suất hiện tại lên gấp đôi…

Kế hoạch kinh doanh năm 2017 là doanh thu thuần là 1.254 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 35,4 tỷ đồng.

Đồng thời, HĐQT cũng đưa ra định hướng chiến lược 5 năm giai đoạn 2017 – 2021 với mục tiêu doanh thu thuần cán mốc 2.622 tỷ và lợi nhuận ròng 319 tỷ đồng vào năm 2021. Biên lãi gộp cải thiện từ mức 21% lên 24% giai đoạn 2017 – 2021.

Năm 2017 cố gắng lãi để không bị hủy niêm yết

Ông Mai Hữu Tín, Tổng giám đốc TTF trình bày năm qua với nhiều biến cố, công ty đã bị thua lỗ nặng nề với con số 1.295 tỷ đồng. Hiện nay, HĐQT và Ban điều hành cùng những con người còn lại của TTF đang cố gắng để vực dậy với mục tiêu trở thành đơn vị hàng đầu. Theo đó, công ty sẽ có những tái cấu trúc mạnh mẽ.

Về khách hàng, ngoài ký hợp đồng Tập đoàn Vingroup (VIC) 16.000 tỷ đồng trong 5 năm thì công ty hướng đến nhóm khách hàng là các tập đoàn BĐS lớn trong nước với các mặt hàng chính truyền thống là cửa, tủ và ván sàn. Một tin vui ông Tín chia sẻ là gần đây TTF đã ký hợp đồng hợp tác với Tập đoàn Đất Xanh (DXG). Công ty cũng sẽ thanh lọc lại nhóm khách hàng cũ. Về xuất khẩu thì sẽ duy trì khách hàng cũ.

Ngoài ra, khả năng sản xuất hiện nay của TTF chỉ tạo ra 1.200 tỷ đồng doanh thu một năm và muốn làm hơn nữa thì phải đầu tư thêm. Hơn nữa, việc hàng tồn kho ở khắp mọi nơi là không thể chấp nhận đối với một công ty sản xuất gỗ.

“Lượng tồn kho này đã ở TTF 10 năm nay, đây là cái khó gây cản trở sự phát triển của công ty và Ban điều hành muốn giải quyết triệt để một lần cho xong. Tuy nhiên, nếu giải quyết ngay trong năm 2017 thì không được do công ty đã lỗ liên tiếp 2 năm nếu năm nay lỗ sẽ phải hủy niêm yết ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông. Do vậy, sang năm 2018, ngay đầu năm HĐQT và Ban điều hành muốn giải quyết ngay để chấm dứt “nỗi đau” triệt để. Còn trong năm 2017, công ty cố gắng có lãi để không bị hủy niêm yết”, ông Tín nói.

Về nợ ngân hàng, công ty sẽ giải quyết triệt để các khoản nợ hiện tại và sau đó vay mới tại các ngân hàng lớn để giảm chi phí lãi vay.

Nói về quá khứ, ông Tín cho rằng việc VIC vào và qua đơn vị kiểm toán mới để tiết lộ những tồn đọng, sai sót tại công ty là một điều may mắn. Qua đó, công ty nhìn nhận được những điểm sai và từ đó mà khắc phục. Tình hình năm 2016 phải nói là rất tệ và chỉ có thể chấp nhận để sửa đổi tiến đến phía trước.

Đại hội thảo thuận:

Phát hành 100 triệu CP, không ai mua thì ông Tín và ông Dũng sẽ mua

Định giá về rừng trồng của Công ty?

Ông Dũng: Trong tờ trình, HĐQT có xin cơ cấu khoản đầu tư, riêng phần rừng thì 33.000 ha và số rừng đã trồng thực là khoảng 9.500 ha. Nếu thoái thì không lỗ tại đây.

Vốn góp của TTF là 41.49% vào khu đất 52 ha tại Nhơn Trạch, trong đó 18 ha là đất trong dự án.

Việc thanh lý gỗ năm 2018 dự kiến sẽ lỗ bao nhiêu nữa?

Ông Tín: Giá thị trường hiện tại so với giá sổ sách lại chênh lệch một khoản lớn nữa nên khi thanh lý thì sẽ lỗ một khoản lớn (có thể lên đến vài trăm tỷ), hàng tồn lưu kho này đã lâu năm và chất lượng đã xuống nhiều.

Tính khả thi phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ?

Ông Tín: Dù khó nhưng công ty vẫn sẽ phát hành để trả những khoản nợ cao trên 11%, mục tiêu là làm việc với các ngân hàng lớn để kéo xuống lãi suất vay về 5 – 6%. Nếu cổ đông bên ngoài không mua thì bản thân ông Tín và ông Dũng sẽ mua.

Nhà đầu tư lớn VIC đã rút hoàn toàn khỏi TTF.

Nguyên nhân nào 4,5 triệu cổ phiếu TTF (phát hành để hoán đổi cổ phiếu Bình Dương 2) chưa được niêm yết?

Ông Dũng: Phải có báo cáo tài chính và đặc biệt là ý kiến tổ chức định giá về giá trị chuyển đổi theo yêu cầu của HOSE. Nhưng sau yêu cầu này thì gặp biến cố nên phải xin hỏi ý kiến UBCK NN thì cho biết phải đợi báo cáo soát xét bán niên 2017 thì mới cho niêm yết lượng cổ phiếu này.

Khi nào lãnh đạo cũ sử dụng tài sản để đền bù thiệt hại? Đối với cổ phiếu lãnh đạo cũ thì công ty dự kiến làm gì?

Ông Tín: Hiện vẫn đang chờ cơ quan điều tra đưa ra kết luận cuối cùng. Dù Ban lãnh đạo đã cố gắng để lãnh đạo cũ sử dụng tài sản đền bù nhưng vẫn phải chờ.

Tại sao lãnh đạo mới lại đầu tư vào TTF?

Ông Tín: Trường Thành vẫn có giá trị. Một doanh nghiệp mới phải mất bao nhiêu năm mới tạo nên một tên tuổi như Trường Thành, có được một hợp đồng trị giá 16.000 tỷ đồng với VIC?

Qúy II, TTF có lãi rồi và khả năng được niêm yết toàn bộ cổ phiếu Bình Dương 2 là gần như chắc chắn.

Ngoài VIC, DXG thì Công ty đang làm việc với tất cả các nhà phát triển BĐS ở Việt Nam, bộ phận kinh doanh của TTF đang cải tiến trở lại để làm được điều này.

Chia sẻ rõ hơn về kế hoạch 5 năm 2017 – 2021?

Ông Tín: Về mặt quản trị, cá nhân ông cho rằng đi chậm mà chắc quan trọng hơn, việc đi hết công suất khi thị trường tốt tạo nên áp lực rất lớn cho Ban điều hành khi thị trường xuống. Do vậy, mục tiêu là tăng trưởng đều đều khoảng 20% mỗi năm.

Con số doanh thu 20% mỗi năm là con số cao nhất và bản thân chỉ kỳ vọng đội ngũ kinh doanh mới làm được khoảng 18% - 19%.

Tại sao lại chuyển hướng nội địa trong khi trước đây chủ yếu là xuất khẩu?

Ông Tín: Trường Thành là nhà xuất khẩu đồ gỗ ngoài trời. Xu hướng thế giới hiện nay là chuyển sang đồ gỗ trong nhà nên Trường Thành phải thay đổi theo. Mặt khác, các nhà phát triển bất động sản trong nước đang sử dụng rất nhiều đồ gỗ Trung Quốc nên Công ty đặt mục tiêu là phải chinh phục được thị trường này.

Về xuất khẩu, Công ty vẫn duy trì chứ không bỏ, vẫn phục vụ những khách hàng có khả năng mang lại lợi nhuận.

Định hướng của TTF là đi đều cả hai chân để không phụ thuộc thị trường nào. Hiện nội địa đang chiếm 80% doanh thu nhưng mục tiêu hướng đến nên là 50:50.

Nguồn nguyên liệu sắp tới từ đâu? Chia sẻ thêm về kế hoạch trồng rừng?

Ông Tín: Khách hàng cần nguyên liệu gì thì công ty sẽ thực hiện theo, nên vấn đề nguyên vật liệu là chắc chắn không thể thiếu và nguồn cũng có rất nhiều.

Vốn để trồng rừng là vốn trung và dài hạn. Trường Thành đang đói vốn nên hiện tại không có kế hoạch này.

Tại sao ký hợp đồng VIC giá trị 16.000 tỷ trong 5 năm mà kế hoạch cụ thể TTF từ 2017-2022 mỗi năm chỉ hơn 1.200 tỷ đồng doanh thu?

Ông Tín: VIC muốn TTF cung cấp càng nhiều càng tốt cho VIC, nhưng TTF phải tăng năng lực sản xuất lên để đáp ứng. VIC luôn đấu giá cho những đơn hàng này, TTF không phải là nhà cung cấp duy nhất nên công ty phải sửa lại mình.

Con số 16.000 tỷ đồng là con số cam kết nhưng với nội tại hiện nay TTF chỉ cung cấp được cao lắm là 1.000 tỷ mỗi năm.

Tăng vốn để giải quyết nợ ngân hàng là một vấn đề và vấn đề còn lại là nợ VIC, đơn hàng này chính là để giải quyết vấn đề đó.

Khi nào TTF ra khỏi diện kiểm soát?

Ông Tín: Khi TTF có lãi quý II. Ban lãnh đạo cam kết là quý II, III, IV có lãi và năm 2017 chắc chắn có lãi nhưng năm 2018 sẽ lỗ. Và đây cũng là khoản lỗ cuối cùng từ đây trở về sau của công ty.

Bầu HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2021

HĐQT trình việc giảm số lượng Thành viên HĐQT từ 7 xuống 5 người. 5 ứng viên gồm: ông Hồ Anh Dũng, ông Mai Hữu Tín, ông Vũ Xuân Dương, ông Hà Hoàng Thế Quang, ông Vũ Tuấn Hoàng.

Sau khi HĐQT họp riêng thì bầu ông Hồ Anh Dũng làm Chủ tịch HĐQT và ông Mai Hữu Tín làm Phó Chủ tịch HĐQT.

ĐHCĐ Gỗ Trường Thành: Đến tháng 10 hết nợ ngân hàng nhờ bán khoản đầu tư và phát hành ảnh 1

Vét hết nguồn chia thưởng tỷ lệ 19:1

Tại Đại hội, HĐQT trình việc vét hết nguồn tiền từ thặng dư vốn, quỹ đầu tư phát triển để chia thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 19:1, ứng với tỷ lệ 5,26%.

Theo đó, Công ty sẽ phát hành 7,6 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ tăng lên 1.522 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2017.

Tính đến cuối năm 2016, công ty có thặng dư vốn là 63,75 tỷ đồng và quỹ đầu tư phát triển 17,17%.

Đại hội kết thúc với việc cổ đông thông qua tất cả nội dung được HĐQT trình lên.

Theo NDH

>> Bất chấp thua lỗ nặng, Gỗ Trường Thành vẫn phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ

Có thể bạn quan tâm