Rót 12.000 tỷ đồng vào kinh tế ban đêm, Hậu Giang muốn tạo thêm 7% việc làm cho người dân

Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 331/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...
Hậu Giang phát triển kinh tế ban đêm
Hậu Giang phát triển kinh tế ban đêm. Ảnh minh họa

Theo quyết định, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế ban đêm là 12.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 4.100 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 7.900 tỷ đồng.

Mục tiêu tổng quát của đề án là phát triển tỉnh Hậu Giang trở thành một trong những trung tâm kinh tế ban đêm của vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng hiệu quả và bền vững dựa trên cơ sở kết hợp các hoạt động kinh tế ban đêm hiện đại với tận dụng và phát huy tối đa thuần phong mỹ tục, văn hóa đặc sắc của Hậu Giang.

Về mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2021 – 2025, hình thành 3-4 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm. Phát triển ít nhất 1 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương. Hình thành ít nhất 3 tuyến du lịch kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình từ 2-3 ngày. Như vậy, hoạt động kinh tế ban đêm tạo thêm việc làm cho người dân địa phương khoảng 5-7%. Tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9-10%/năm.

Đồng thời, kinh tế ban đêm góp phần thực hiện mục tiêu thu hút lượng khách du lịch đến Hậu Giang năm 2025 là 700 nghìn lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 300 tỷ đồng.

Đến năm 2030, sẽ hình thành 6-7 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm. Phát triển ít nhất 2 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương. Hình thành ít nhất 4 tuyến du lịch kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình từ 2-3 ngày. Năm 2030 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.

Khi hoạt động kinh tế đêm phát triển mạnh mẽ, địa phương và khu vực sẽ có được sức hút kinh tế du lịch lớn, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn hộ dân và thúc đẩy nền kinh tế chung toàn tỉnh. 

Tại diễn biến liên quan, khi bàn về thị trường lao động trong địa bàn, tại Hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực việc làm năm 2023 vừa diễn ra, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng bảo hiểm thất nghiệp, Cục việc làm tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện nay vẫn còn những vấn đề tồn tại.

Đó là chất lượng nguồn cung lao động còn chưa đáp ứng được nhu cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại. Số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động.

"Vì thế, trong thời gian tới Trung tâm tiếp tục phân công cán bộ nghiên cứu thực hiện, thường xuyên trao đổi chuyên môn nghiệp vụ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục việc làm, Trung tâm Quốc Gia về dịch vụ việc làm và Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh bạn để định hướng các giải pháp cho đơn vị thực hiện hiệu quả hơn trong năm tới", ông Tú nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm