Rớt khỏi Top 10 vốn hoá lớn nhất, Hòa Phát vẫn mạnh tay chi hơn trăm tỷ thù lao cho lãnh đạo

Nửa đầu năm nay, Hòa Phát đã chi tổng cộng 112 tỷ đồng cho các lãnh đạo và cán bộ chủ chốt, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tổng số tiền chi cho Hội đồng quản trị trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 106 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2023...

tieu-thu-thep-cua-hoa-phat-len-cao-nhat-16-thang-dinh-gia-co-phieu-hpg-lieu-da-hap-dan-65497d901ff14-5146

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024. Ngoài những chỉ tiêu chính về tình hình kinh doanh, mức thù lao chi trả cho ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng là điểm khiến nhiều người bất ngờ.

THÙ LAO LÃNH ĐẠO HÒA PHÁT TĂNG ĐỘT BIẾN

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm nay, Hòa Phát đã chi tổng cộng 112 tỷ đồng cho các sếp và cán bộ chủ chốt, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, gần như toàn bộ số tiền này tập trung chi trả thù lao cho các thành viên Hội đồng quản trị. Cụ thể, tổng số tiền chi cho Hội đồng quản trị trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 106 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Hiện Hội đồng quản trị của Hoà Phát gồm ông Trần Đình Long là Chủ tịch, ba Phó Chủ tịch là ông Trần Tuấn Dương, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, ông Doãn Gia Cường cùng 5 thành viên Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Ngọc Quang, ông Hoàng Quang Việt, ông Nguyễn Việt Thắng (kiêm Tổng Giám đốc), ông Chu Quang Vũ, ông Đặng Ngọc Khánh.

Trong đó, ông Vũ và ông Khánh mới gia nhập Hội đồng quản trị kể từ ngày 11/4/2024.

Trong khi các thành viên Hội đồng quản trị nhận được khoản thù lao lớn, lương thưởng của Ban Giám đốc lại khá khiêm tốn. Hiện ban giám đốc của Hoà Phát gồm có Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Thắng cùng hai Phó Tổng là bà Nguyễn Thị Thảo Nguyên và bà Trần Thị Thu Hiền. 6 tháng đầu năm, tổng lương và thưởng của các thành viên ban giám đốc là gần 2,8 tỷ, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, thù lao, lương và thưởng của 4 thành viên Ban kiểm soát cũng tăng khoảng 44% so với cùng kỳ lên gần 2 tỷ đồng.

Đối với nhân viên, tính đến hết quý 2/2024, Hòa Phát có 31.643 nhân viên, tăng 2.692 người so với đầu năm. Trong nửa đầu năm 2024, tập đoàn đã chi gần 97 tỷ đồng cho nhân viên bán hàng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng chi phí cho nhân viên quản lý doanh nghiệp đạt hơn 207 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngoài việc nhận được thù lao, lương, thưởng từ tập đoàn thì các lãnh đạo một doanh nghiệp có thể được mua ESOP với giá ưu đãi hoặc nhận cổ tức tiền mặt nếu nắm giữ cổ phiếu. Lần chào bán ESOP gần nhất của Hoà Phát là năm 2015.

Với Chủ tịch Trần Đình Long, ông đang là cổ đông lớn nhất của tập đoàn khi nắm giữ 1,65 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương 25,8% vốn.

Năm 2022 và 2023, tập đoàn không có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt nhằm dồn lực cho dự án Dung Quất 2. Những năm trước với tỷ lệ cổ tức tiền mặt khoảng 5% hoặc 10% thì riêng người đứng đầu tập đoàn có thể nhận về trên dưới nghìn tỷ đồng mỗi năm từ cổ tức.

Các thành viên khác trong Hội đồng quản trị có thể nhận về vài chục tỷ tới trên trăm tỷ đồng tiền cổ tức từ Hoà Phát. Mức tiền này còn lớn hơn rất nhiều so với khoản thù lao mà các thành viên nhận được.

Tại buổi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Hoà Phát, giải đáp thắc mắc của cổ đông về vấn đề phân phối lợi nhuận, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết: "Cổ đông góp vốn cũng cần phải thu lợi nhuận. Trong một quá trình xuyên suốt, Hoà Phát là một trong số ít các công ty mà luôn cân đối hài hoà nguồn tiền. Mấy năm vừa qua, tập đoàn đầu tư rất nhiều, rất khó khăn. Bản thân tôi là Chủ tịch và cũng là cổ đông lớn nhất, xin chia sẻ đường lối tập đoàn không có gì thay đổi. Có thể từ 2025 sẽ chia cổ tức tiền mặt lại cho cổ đông, còn một phần để đầu tư".

Về tình hình kinh doanh, lũy kế nửa năm, Hoà Phát ghi nhận doanh thu thuần xấp xỉ 70.408 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp hơn 9.401 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 13,3%. Lãi trước thuế giai đoạn này đạt 6.994 tỷ đồng, lãi sau thuế khoảng 6.189 tỷ đồng, cùng gấp hơn 3 lần so với 6 tháng đầu năm 2023.

Ban lãnh đạo Hòa Phát nhận định, nền kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn còn nhiều ẩn số, tín hiệu phục hồi chưa rõ nét, biến động về tỷ giá, lãi suất cùng các yếu tố khác trên thị trường thế giới. Công ty đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 10.000 tỷ, lần lượt tăng 16% và 47% so với thực hiện năm 2023. Sau nửa năm, công ty đã hoàn thành 50,3% kế hoạch kinh doanh và 62% mục tiêu lợi nhuận.

RỜI KHỎI TOP 10 DOANH NGHIỆP CÓ VỐN HÓA LỚN NHẤT SÀN CHỨNG KHOÁN

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 5/9, cổ phiếu HPG tiếp tục giảm gần 1% về mức 25.050 đồng/cổ phiếu. Đây đã là phiên giảm thứ 7 liên tiếp của cổ phiếu này. Trong vòng 3 tháng qua, kể từ khi đạt đỉnh 2 năm vào hồi giữa tháng 6, thị giá của HPG đã giảm gần 15%.

Ở mức giá hiện tại, vốn hóa của Hòa Phát đạt mức 160.226 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD). Như vậy, Hòa Phát đã chính thức bị đẩy ra khỏi top 10 công ty giá trị nhất trên thị trường chứng khoán.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cổ phiếu HPG giảm trong thời gian gần đây. Đầu tiên có thể kể đến việc cổ phiếu HPG đã bị khối ngoại bán ròng 22 phiên liên tiếp với tổng giá trị gần 2.600 tỷ đồng tính đến hết phiên 5/9. Đây là con số kỷ lục với HPG.

Bên cạnh đó, giá thép thế giới cũng đang giảm mạnh, ảnh hưởng đến nhà sản sản xuất thép lớn như Hòa Phát. Cụ thể, theo số liệu từ trading economics , giá thép thanh tương lai giảm về mức dưới 3.000 CNY/tấn, vùng giá thấp nhất trong vòng 8 năm qua. Tương tự, giá HRC cũng rơi xuống vùng đáy 4 năm, dưới 700 USD/tấn.

Nguyên nhân khiến giá thép thế giới lao dốc là do nhu cầu yếu trong khi nguồn cung từ thị trường Trung Quốc ngày càng dồi dào. Tình trạng dư cung nhà ở trên diện rộng đã khiến chính phủ Trung Quốc phải kiềm chế hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản lớn, ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng tiêu thụ thép.

Các nhà máy tại Trung Quốc đã chuyển sang khách hàng nước ngoài để bù đắp nhu cầu trong nước. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành các tiêu chuẩn chất lượng mới cho thép thanh vào tháng 9 năm ngoái, khiến các nhà máy và thương nhân tràn ngập thị trường bằng các kho dự trữ cũ. Điều này làm tăng thêm áp lực giảm giá đối với mặt hàng này.

Bên cạnh hai yếu tố trên, Hòa Phát cũng bị ảnh hưởng khi ngành thép Việt Nam vừa nhận một tin không vui. Theo đó, Ủy ban châu Âu (EC) và Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cuộn cán nóng có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam.

Tại báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng thị trường thép nội địa sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi và hỗ trợ cho sản lượng bán hàng của doanh nghiệp trong nửa cuối 2024. Đặc biệt là khi hoạt động xây dựng được đẩy mạnh, thị trường bất động sản phục hồi rõ nét hơn cùng với mùa cao điểm xây dựng trong quý 4.

Với thị trường xuất khẩu (chủ yếu cho sản phẩm HRC), mặc dù thị trường lớn là Châu Âu tiến hành điều tra chống bán phá giá HRC có nguồn gốc từ thị trường Việt Nam, VDSC cho rằng Hòa Phát sẽ chủ động chuyển đơn hàng sang các phục vụ nhu cầu của công ty tôn mạ nội địa. Qua đó sản lượng bán hàng của Hòa Phát trong nửa cuối năm 2024 có thể đạt 4,5 triệu tấn (tăng 7% so với cùng kỳ). Con số này đóng góp phần lớn bởi 2,4 triệu tấn thép xây dựng (tăng 13% so với cùng kỳ năm trước) và 1,5 triệu tấn HRC (tương đương cùng kỳ năm 2023).

Thêm vào đó, dù giá bán trung bình dự kiến giảm 10% so với nửa đầu năm do ảnh hưởng từ Trung Quốc, giá nguyên liệu chính có mức giảm tương ứng. Nhờ đó, Hòa Phát có thể duy trì biên GPM (biên lợi nhuận gộp) ở mức 13%, tương đương 6 tháng đầu năm 2024.

VDSC dự báo doanh thu và lợi nhuận gộp của Hòa Phát trong 6 tháng cuối năm 2024 có thể lần lượt đạt 67.800 tỷ đồng và 8.800 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 8% và 10% so với cùng kỳ. Về mặt lợi nhuận, nhóm phân tích kỳ vọng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng cuối năm có thể đạt 5.800 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ).

Cho cả năm 2024, VDSC dự phóng lợi nhuận sau thuế của HPG có thể đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ năm trước. EPS tương ứng là 1.775 đồng.

Về tiến độ khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, ông Mai Văn Hà, Giám đốc Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, hiện tại dự án đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% phân kỳ 2.

Dự kiến, phân kỳ 1 sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị dây chuyền sản xuất thép cuộn cán nóng vào giữa tháng 9/2024, sau đó công ty sẽ tiến hành chạy thử nguội, căn chỉnh thiết bị. Theo tiến độ hiện nay, phân kỳ 1 dự kiến sẽ có sản phẩm chạy thử nóng đầu tiên vào cuối năm 2024.

VDSC nhận định tiến độ xây dựng của dự án đang phù hợp kỳ vọng và Dung Quất 2 có thể bắt đầu đưa ra sản phẩm thương mại để ghi nhận doanh thu trong quý 1/2025. Nhà máy được kỳ vọng có thể vận hành với hiệu suất tương đối cao trong năm 2025 (80% cho giai đoạn 1, tương đương 2,2 triệu tấn), tương ứng với sản lượng HRC trong năm 2025 của HPG có thể đạt 5 triệu tấn, tăng 67% so với cùng kỳ và đáp ứng khoảng 40% nhu cầu HRC của Việt Nam

Xem thêm

Agriseco gọi tên 7 cổ phiếu hứa hẹn sinh lời cao trong tháng 9

Agriseco gọi tên 7 cổ phiếu hứa hẹn sinh lời cao trong tháng 9

Agriseco Research khuyến nghị danh mục đầu tư tiềm năng trong tháng 9 với các doanh nghiệp có cơ cấu tài chính lành mạnh, đang có mức định giá phù hợp hoặc có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3 và các tháng cuối năm 2024 tăng trưởng tốt, bao gồm: ACB, HPG, POW, PVS, VHM, VNM, VSC…

Choáng với thu nhập "khủng" của dàn lãnh đạo doanh nghiệp đại chúng

Choáng với thu nhập "khủng" của dàn lãnh đạo doanh nghiệp đại chúng

Những phân tích trong báo cáo dựa trên số liệu công khai của công ty đại chúng như: cơ sở hạch toán và thuyết minh thu nhập, số liệu không bao gồm các phúc lợi từ cổ phiếu thưởng hay chương trình ESOP, các vị trí lãnh đạo có thu nhập tượng trưng sẽ không được đưa vào dữ liệu phân tích...

Lợi nhuận ngành chứng khoán có thể sẽ đi ngang trong 2 quý cuối năm 2024

Lợi nhuận ngành chứng khoán có thể sẽ đi ngang trong 2 quý cuối năm 2024

Sự sôi động của thị trường đang dần hạ nhiệt so với đầu năm, cũng như việc chỉ số vẫn chưa thực sự bứt phá, Kirin Capital cho rằng khả năng cao lợi nhuận ngành chứng khoán trong 2 quý sắp tới sẽ đi ngang và khó giữ vững được đà tăng trưởng mạnh mẽ như giai đoạn hồi phục vừa qua...

Những cổ phiếu “im hơi lặng tiếng”

Những cổ phiếu “im hơi lặng tiếng”

Trên thị trường chứng khoán có không ít cổ phiếu luôn trong tình trạng vắng bóng thanh khoản, tuy nhiên những mã cổ phiếu này không chỉ khiến nhà đầu tư bất ngờ với tiềm năng ẩn giấu mà còn mang đến những cơ hội lớn khi sở hữu…

Có thể bạn quan tâm

Phát Đạt báo lãi quý 3/2024 giảm một nửa so với cùng kỳ

Phát Đạt báo lãi quý 3/2024 giảm một nửa so với cùng kỳ

Phát Đạt cho biết, lợi nhuận quý 3 giảm mạnh do tình hình kinh tế nhìn chung vẫn còn khó khăn trong đó có ngành bất động sản, vì vậy việc đầu tư và phát triển các dự án bất động sản của công ty chưa được thuận lợi...

Dow Jones và S&P 500 thiết lập kỷ lục mới

Dow Jones và S&P 500 thiết lập kỷ lục mới

Hai trong số ba chỉ số chính của Phố Wall đã ghi nhận mức kỷ lục mới, được hỗ trợ bởi ngành tài chính sau khi các ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý 3 ấn tượng. Trong khi đó, dữ liệu PPI mới một lần nữa củng cố cho kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 11…

Những “ông lớn” dẫn đầu vốn hóa trên sàn chứng khoán Việt Nam

Những “ông lớn” dẫn đầu vốn hóa trên sàn chứng khoán Việt Nam

6 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt bao gồm những cái tên đình đám: Vietcombank, BIDV, ACV, FPT, VietinBank và Vinhomes. Những "ông lớn" này không chỉ chiếm lĩnh thị trường bằng quy mô vốn hóa khổng lồ mà còn vượt trội trong kết quả kinh doanh và tiềm năng phát triển dài hạn...

HOSE và HNX cắt margin 170 mã chứng khoán trong quý 4/2024

HOSE và HNX cắt margin 170 mã chứng khoán trong quý 4/2024

Các nguyên nhân bị cắt margin gồm chứng khoán thuộc diện cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch; lợi nhuận sau thuế là số âm, báo cáo kiểm toán có ý kiến của đơn vị kiểm toán; thời gian niêm yết dưới 6 tháng…

VN-Index kỳ vọng sẽ công phá mốc 1.300 điểm trong tháng 10

VN-Index kỳ vọng sẽ công phá mốc 1.300 điểm trong tháng 10

Tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo tiếp tục đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Mặc dù có thể cần một giai đoạn tích lũy ngắn hạn, nhưng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vào cuối năm 2024 và 2025 sẽ hỗ trợ thị trường quay lại đà tăng trưởng...

Doanh nghiệp đồng hành cùng Gala Doanh nhân Thăng Long 2024

VNPTEVNHanelDaewooDu lịch Hà NộiEurowindowGeleximcoHandicoHà Nội groupHaproMay 10May Hồ GươmQuân Đức Thảo dượcROXSâm Ngọc LinhThi SơnThuỷ TạUDICViệt Mỹ