“Sao đổi ngôi” trong danh sách tỷ phú Trung Quốc: PDD thăng hạng, Country Garden tụt dốc

Danh sách tỷ phú Trung Quốc đã chứng kiến một số thay đổi bất ngờ trong năm nay. Bên cạnh đó, tổng giá trị tài sản của các tỷ phú vẫn tiếp tục giảm qua từng năm kể từ mức đỉnh 2021…

screenshot-2023-12-28-at-102250-7303.png
Từ trái sang: Tỷ phú Zhong Shanshan, Li Shufu, Zhang Yiming và Colin Zheng Huang

Theo Forbes, tổng tài sản của Top 10 tỷ phú Trung Quốc trong năm nay chỉ còn 311 tỷ USD - giảm từ mức 322 tỷ USD của năm 2022 và 447 tỷ USD của năm 2021. Tuy vậy, nền kinh tế tỷ dân vẫn có nhiều tỷ phú thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau mỗi siêu cường Hoa Kỳ.

TỶ PHÚ BẤT ĐỘNG SẢN ĐIÊU ĐỨNG

Số lượng tỷ phú Trung Quốc đại lục trong danh sách Tỷ phú thế giới thường niên lần thứ 37 của Forbes đã giảm năm thứ hai liên tiếp. Tổng cộng có 495 tỷ phú lọt vào bảng xếp hạng, giảm hẳn so với con số 539 của một năm trước và kỷ lục 626 vào năm 2021, do hậu quả từ đại dịch và căng thẳng địa chính trị đã khiến giá cổ phiếu giảm và ảnh hưởng đến tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tổng tài sản của các tỷ phú Trung Quốc đã giảm từ mức 1,96 nghìn tỷ USD năm 2022 và 2,5 nghìn tỷ USD trong danh sách năm 2021 xuống còn 1,67 nghìn tỷ USD trong năm 2023.

Trong khi 76 người góp mặt trong danh sách năm ngoái đã “rớt đài”, thì cũng có 16 người mới và 14 người trở lại.

Tổng tài sản của 10 tỷ phú giàu có nhất Trung Quốc là 311 tỷ USD, giảm từ mức 322 tỷ USD vào năm 2022 và 447 tỷ USD vào năm 2021. Các tỷ phú Trung Quốc đại lục hiện chiếm 13,6% tổng tài sản của hàng ngũ tỷ phú thế giới, chỉ xếp sau Mỹ - quốc gia có 735 tỷ phú trong năm nay.

Số liệu của Trung Quốc đại lục không bao gồm những người mang hộ chiếu Hồng Kông và Ma Cao, những người mà Forbes liệt kê riêng. Nếu tính cả những tỷ phú đó, Trung Quốc đại lục có 562 thành viên trong danh sách năm 2023, giảm từ 607 vào năm 2022 và 698 vào năm 2021.

Ngoài Forbes, danh sách Hurun’s Rich List 2023 cũng chỉ ra rằng số lượng tỷ phú ở Trung Quốc tiếp tục đi xuống khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân bổ của cải theo khẩu hiệu “thịnh vượng chung”.

Cách đây không lâu, lĩnh vực bất động sản đã sản sinh ra nhiều tỷ phú hàng đầu Trung Quốc. Nhưng khối tài sản của họ ngày nay lại chới với cùng với sự đi xuống của thị trường địa phương. Hui Ka-yan, hay còn được gọi là Xu Jiayin, nhà sáng lập Tập đoàn Evergrande Trung Quốc, đã tụt từ vị trí thứ ba trong danh sách tỷ phú năm 2019 xuống vị trí thứ 268 trong vào năm 2023 trong bảng xếp hạng mới nhất của Viện nghiên cứu Hurun có trụ sở tại Thượng Hải. Ông Xu đã chứng kiến tài sản của mình giảm xuống còn 20 tỷ nhân dân tệ (2,8 tỷ USD) từ mức 210 tỷ nhân dân tệ khổng lồ vào 4 năm về trước.

Yang Huiyan, con gái của người sáng lập Country Garden Holdings, đã trượt từ vị trí thứ 5 năm 2019 xuống vị trí thứ 86. Hiện nắm trong tay khối tài 48 tỷ nhân dân tệ, giảm gần 4 lần so với mức 175 tỷ nhân dân tệ.

Vì khối tài sản của hầu hết các tỷ phú chủ yếu bao gồm cổ phiếu nên chúng có xu hướng tăng hoặc giảm theo giá. Tuy nhiên, bảng xếp hạng năm nay cho thấy nền kinh tế Trung Quốc cũng đang dần thay đổi.

a2b6dde8-a657-4b86-a811-1b114cb9f28c-51c5d0b5-6566.jpg

DOANH NGHIỆP “HƯỚNG NGOẠI” HƯỞNG LỢI

Những người hưởng lợi lớn nhất trong số các tỷ phú Trung Quốc bao gồm các doanh nhân thúc đẩy làn sóng tăng trưởng quốc tế.

Đứng số 1 trong danh sách của Trung Quốc ở năm thứ ba liên tiếp là “ông trùm” trà và nước đóng chai Zhong Shanshan, người sáng lập công ty Nongfu Spring. Ông Zhong, người đã bỏ học tiểu học trong thời kỳ hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, có tài sản ước tính khoảng 68 tỷ USD, tăng so với con số 65,7 tỷ USD năm ngoái do nhu cầu tiêu dùng đối với nước đóng chai ổn định. Ông được xếp hạng là người giàu thứ 15 trên thế giới.

Xếp thứ hai là nhà sáng lập ByteDance Zhang Yiming với khối tài sản 45 tỷ USD. Mặc dù đã từ chức chủ tịch và CEO tại công ty vào năm 2021, nhưng ông Zhang vẫn nắm trong tay 20% cổ phần của ByteDance. Theo ước tính của Forbes, trước các áp lực từ cả chính phủ Trung Quốc và Mỹ, định giá của ByteDance đã giảm xuống còn 225 tỷ USD từ mức 250 tỷ USD của một năm trước.

Pony Ma - giám đốc điều hành của “gã khổng lồ” truyền thông Tencent - đứng thứ 3 trong danh sách Forbes với 35,2 tỷ USD tài sản. Cổ phiếu giao dịch tại Hồng Kông của công ty đã giảm gần 10% trong năm qua trong bối cảnh tăng trưởng chậm hơn và các quy định thắt chặt đối với các doanh nghiệp Internet. Tuy nhiên, một trong những khoản đầu tư thành công nhất của Tencent là vào công ty Epic Games của Mỹ, nhà sản xuất trò chơi cực kỳ nổi tiếng Fortnite. Tencent đã mua lại 40% cổ phần của công ty vào năm 2013 với giá 300 triệu USD và giá trị của số cổ phần đó nay đã lên tới 6,8 tỷ USD.

chinese-shopping-app-temu-wows-us-amid-tiktok-fears-20230410142041-7727.jpg

Colin Huang - người sáng lập PDD Holdings, công ty đứng sau nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo - leo lên vị trí thứ ba khi tài sản của ông tăng từ mức 11,3 tỷ USD năm 2022 lên 30,2 tỷ USD trong năm nay, mức tăng lớn nhất trong danh sách năm nay. Cổ phiếu của PDD đã tăng hơn gấp đôi trong năm nhờ vào sự mở rộng thành công của ứng dụng mua sắm đình đám Temu đến với các thị trường quốc tế mới ngay cả khi lĩnh vực công nghệ phải đối mặt với những trở ngại về quy định ở Trung Quốc.

Trong khi đó, Jack Ma - nhà sáng lập Alibaba từng đứng đầu danh sách Hurun - tiếp tục tụt dốc xuống vị trí thứ 10.

Cũng lọt vào danh sách này còn có cặp đôi quyền lực Ye Guofu và Yang Yunyun - hai nhà sáng lập hãng bán lẻ đồ gia dụng Miniso. Bộ đôi đã leo vọt lên vị trí thứ 118 từ vị trí thứ 703 vào năm ngoái với việc mở cửa hàng rầm rộ tại Trung Quốc và thị trường quốc tế.

“Vươn ra toàn cầu là một trong những nguồn tăng trưởng chính trong năm nay”, Rupert Hoogewerf, chủ tịch của Hurun Research nhận định.

Tổng cộng, có 1.241 người Trung Quốc sở hữu khối tài sản vượt trên 5 tỷ nhân dân tệ trong bảng xếp hạng 2023, tiếp tục sụt giảm ở năm thứ hai. Đây là lần đầu tiên kể từ khi danh sách Hurun’s Rich List bắt đầu vào năm 1999 mà số lượng tỷ phú Trung Quốc giảm trong hai năm liên tiếp.

Danh sách của Hurun được đánh giá dựa trên giá trị cổ phần được tính toán thông qua dữ liệu công khai, cũng như thông tin thu được từ chính quyền địa phương và các tổ chức tài chính cung cấp.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Doanh nhân Võ Thành Đàng: Đường Quảng Ngãi tăng sức cạnh tranh nhờ chuyển đổi số

Doanh nhân Võ Thành Đàng: Đường Quảng Ngãi tăng sức cạnh tranh nhờ chuyển đổi số

Là một trong những nhà máy sản xuất đường lớn nhất Việt Nam, trong những năm qua, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) đã tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản trị điều hành cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp tăng hiệu quả, giảm kinh phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm...

Kamala Harris: Người phụ nữ da màu quyền lực nhất nước Mỹ

Kamala Harris: Người phụ nữ da màu quyền lực nhất nước Mỹ

Bà Kamala Harris, Phó Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, đã trở thành biểu tượng của sự bình đẳng, công lý và tiến bộ. Trong bối cảnh chính trị hiện nay, bà Harris không chỉ là người kế thừa vị trí của Tổng thống Joe Biden mà còn là niềm hy vọng mới cho tương lai của nước Mỹ…

Soi lương các CFO hàng đầu thế giới

Soi lương các CFO hàng đầu thế giới

Lương trung bình của các Giám đốc Tài chính (CFO) đã tăng gần 8,5% vào 2023 khi các ưu đãi dựa trên cổ phiếu được các tập đoàn sử dụng nhiều hơn để giữ người thay vì một mức lương cứng cụ thể...

Sếp Amazon: Để Việt Nam bước ra toàn cầu cần có kiềng 3 chân

Sếp Amazon: Để Việt Nam bước ra toàn cầu cần có kiềng 3 chân

Để Việt Nam bước ra toàn cầu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới cần kiềng 3 chân: Năng lực sản xuất, dựa trên lợi thế các sản vật, nguyên vật liệu địa phương; kết hợp và thấm nhuần các kỹ năng online để vận hành doanh nghiệp trên môi trường TMĐT và làm thương hiệu...