Sau khi tạm dừng 3 ngày, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục phát hành cổ phiếu để huy động gần 1.700 tỷ đồng

So với phương án chào bán đã tạm dừng trước đó, phương án chào bán vừa được Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (Mã chứng khoán: HAG) công bố không có nhiều thay đổi.
Sau khi tạm dừng 3 ngày, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục phát hành cổ phiếu để huy động gần 1.700 tỷ đồng

Cụ thể, ngày 23/9, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai thông báo tạm dừng hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ đã nộp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo HAG, việc tạm dừng là để điều chỉnh phương án sử dụng vốn chi tiết đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của công ty và mang lại hiệu quả đầu tư.

Tuy nhiên, ngày 26/9, nghĩa là chỉ 3 ngày sau khi thông báo tạm dừng, Hoàng Anh Gia Lai lại thông báo tiếp tục thực hiện kế hoạch chào bán gần 162 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Với giá chào bán là 10.500 đồng/cổ phiếu, dự kiến số tiền thu được là gần 1.700 tỷ đồng.

Thời gian chào bán sẽ được thực hiện trong năm 2022 và số lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Theo thông tin mới công bố, Hoàng Anh Gia Lai có điều chỉnh phương án sử dụng vốn. Cụ thể, rót gần 800 tỷ đồng vào Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai và 400 tỷ đồng vào Công ty CP Gia súc Lơ Pang thông qua hình thức cho vay. Số tiền 500 tỷ đồng còn lại sẽ được dùng để trả nợ gốc trái phiếu do HAG phát hành từ cuối năm 2016.

Hoàng Anh Gia Lai cũng công bố danh sách các nhà đầu tư dự kiến, gồm 2 tổ chức và 7 cá nhân. Tất cả đều là nhà đầu tư trong nước.

Trước đó, HAG cũng đã thông qua kế hoạch trả một phần nợ gốc trái phiếu phát hành cuối năm 2016, với giá trị 605 tỷ đồng. Thời gian chi trả dự kiến trong 10 ngày kể từ khi công bố. Nguồn chi trả sẽ lấy từ tiền thu nợ từ Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HNG) và nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Như vậy, ngoài việc huy động vốn để bổ sung cho hoạt động của các công ty con, Hoàng Anh Gia Lai đang cho thấy nỗ lực trả nợ vay, một vấn đề tồn đọng nhiều năm nay của ông chủ “Bầu Đức”.

Cụ thể, tính tới ngày 30/6/2022, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận tổng nợ ngắn hạn và dài hạn tăng thêm 734,7 tỷ đồng so với đầu năm, lên 9.021,2 tỷ đồng và chiếm 46,8% tổng nguồn vốn. Ngoài ra, tỷ lệ nợ vay ngắn hạn và dài hạn trên vốn chủ sở hữu tăng từ 1,77 lần lên 1,95 lần so với đầu năm.

Trong đó, Công ty vay ngắn hạn ngân hàng gồm vay 691 tỷ đồng tại Sacombank (Gia Lai), 500 tỷ đồng tại VPBank và 23,7 tỷ đồng tại Sacombank (Lào); vay dài hạn ngân hàng bao gồm 597,8 tỷ đồng tại Eximbank, 294 tỷ đồng tại TPBank, 254,1 tỷ đồng tại Ngân hàng Liên doanh Lào Việt và 100 tỷ đồng tại Sacombank.

Đối với trái phiếu, Hoàng Anh Gia Lai đang có dư nợ 5.876 tỷ đồng do BIDV và Công ty Chứng khoán BSC thu xếp phát hành, dư nợ 300 tỷ đồng do TPBank thu xếp và còn lại 300 tỷ đồng do Công ty Chứng khoán ACB thu xếp.

Trong 8 tháng đầu năm nay, HAG công bố doanh thu đạt 2.708 tỷ đồng, bao gồm 779 tỷ đồng từ chăn nuôi, 1.472 tỷ đồng từ cây ăn trái và 457 tỷ đồng từ ngành phụ trợ. Lợi nhuận sau thuế 8 tháng đầu năm là 781 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 69% kế hoạch cả năm 2022.

Có thể bạn quan tâm