Chứng khoán tăng nhẹ sau tin xấu từ Moody's

Chứng khoán Mỹ gần như đi ngang trong ngày giao dịch đầu tuần khi tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi việc Moody’s hạ bậc tín nhiệm quốc gia do gánh nặng nợ công khổng lồ…

Chứng khoán tăng nhẹ sau tin xấu từ Moody's

Kết thúc phiên 19/5, chỉ số Dow Jones tăng 137,33 điểm (+0,32%) lên 42.792,07 điểm, S&P 500 nhích 5,22 điểm (+0,09%) thành 5.963,60 điểm còn Nasdaq Composite thêm 4,36 điểm (+0,02%) đạt 19.215,46 điểm.

Dù khởi đầu phiên trong sắc đỏ, Phố Wall đã phục hồi nhẹ và đóng cửa gần như không thay đổi. Tuy vậy, chỉ số S&P 500 vẫn ghi nhận phiên tăng điểm thứ sáu liên tiếp.

Trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, có 7 lĩnh vực tăng điểm, dẫn đầu là y tế, hàng tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp, vật liệu cơ bản và tiện ích. Ngược lại, năng lượng và hàng tiêu dùng không thiết yếu là những ngành giảm sâu nhất.

Ở các diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu TXNM Energy tăng 7% sau thông tin công ty sẽ được tập đoàn đầu tư hạ tầng Blackstone mua lại trong thương vụ trị giá 11,5 tỷ USD.

Cổ phiếu Novavax cũng bật tăng 15% khi hãng giành được sự chấp thuận chính thức từ giới chức y tế Mỹ đối với vaccine COVID-19 của mình. Regeneron Pharmaceuticals nhích 0,4% nhờ công bố kế hoạch mua lại công ty công nghệ gen 23andMe với giá 256 triệu USD.

Vào cuối tuần trước, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ bậc xếp hạng tín dụng quốc gia của Mỹ từ mức cao nhất “Aaa” xuống “Aa1”, viện dẫn lý do nợ công hiện đã vượt 36.000 tỷ USD cùng chi phí lãi vay ngày càng tăng.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng 0,01 điểm phần trăm lên 4,449% trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại dự luật cải cách thuế mới có thể khiến nợ công tăng cao hơn dự kiến. Trước đó, Ủy ban Tài chính của Quốc hội Mỹ đã phê duyệt dự luật cắt giảm thuế quy mô lớn do Tổng thống Donald Trump đề xuất.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 19,41 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 17,34 tỷ cổ phiếu mỗi phiên trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

GIÁ DẦU TĂNG NHẸ

Trên thị trường năng lượng, giá dầu bắt đầu tăng lên khi xuất hiện những dấu hiệu tiêu cực trong các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran. Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 13 cent, chốt phiên ở mức 65,54 USD/thùng; trong khi dầu WTI của Mỹ tăng 20 cent lên 62,69 USD/thùng. Cả hai đều đã tăng hơn 1% trong tuần trước.

Phát biểu trên truyền hình nhà nước Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Majid Takht-Ravanchi đưa ra cảnh báo rằng thoả thuận hạt nhân sẽ khó thể thành công nếu Washington kiên quyết yêu cầu Tehran dừng hoạt động làm giàu uranium.

Tuyên bố này làm dấy lên nghi ngờ về khả năng đạt được thỏa thuận, vốn từng mang đến hy vọng sẽ mở đường cho việc Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt và cho phép Iran tăng xuất khẩu dầu thêm 300.000 - 400.000 thùng/ngày, theo phân tích của chuyên gia Alex Hodes từ công ty StoneX.

“Khả năng đó giờ đây gần như đã tan biến”, ông Hodes lưu ý.

Việc Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm cũng đặt ra những nghi vấn về sức khỏe tài chính của nền kinh tế tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

Đồng thời, báo cáo mới đây cho thấy sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng cũng gây áp lực lên giá dầu.

Một yếu tố khác gây sức ép lên thị trường là phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent về việc Tổng thống Donald Trump sẽ áp thuế theo đúng kế hoạch đã công bố hồi tháng trước nếu các đối tác thương mại không đàm phán một cách thiện chí.

Theo giới phân tích, giá dầu sẽ tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới, khi thị trường chú ý theo dõi sát sao các diễn biến liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ, đàm phán hạt nhân với Iran, cũng như nỗ lực chấm dứt xung đột tại Ukraine. “Thị trường đang trong thời điểm nhạy cảm và bất kỳ thông tin mới nào cũng có thể làm thay đổi xu hướng”, ông John Kilduff, đối tác tại công ty Again Capital nhận xét.

Xem thêm

Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), Mỹ

Phố Wall "nín thở" theo dõi cuộc đối thoại Mỹ-Trung

Chứng khoán Mỹ đóng cửa trong trạng thái ít biến động khi giới đầu tư dõi theo những phát biểu của Tổng thống Donald Trump về thuế quan với Trung Quốc ngay trước thềm cuộc đàm phán thương mại diễn ra vào cuối tuần này…

Có thể bạn quan tâm

Ai là "vua" tiền mặt trên sàn chứng khoán Việt?

Ai là "vua" tiền mặt trên sàn chứng khoán Việt?

Giữa lúc nhiều doanh nghiệp thiếu hụt thanh khoản, loạt ông lớn như Vingroup, Viettel Global, BSR hay GAS vẫn ghi dấu với hàng chục nghìn tỷ đồng tiền mặt, khẳng định sức mạnh tài chính và hiệu quả kinh doanh vượt trội...

Thị trường đang luân chuyển dòng tiền, sóng ngắn manh nha

Thị trường đang luân chuyển dòng tiền, sóng ngắn manh nha

Thị trường chứng khoán bật tăng trở lại với thanh khoản cải thiện, nhưng vẫn chưa vượt ngưỡng cản quan trọng quanh 1.325 điểm. VN-Index được dự báo sẽ tiếp tục dao động trong vùng giằng co, chờ xác lập vùng giá cân bằng mới...

Chứng khoán Mỹ “đỏ lửa”, giá dầu leo lên mức cao 2 tháng

Chứng khoán Mỹ “đỏ lửa”, giá dầu leo lên mức cao 2 tháng

Phố Wall khép phiên giao dịch trong sắc đỏ, khi giới đầu tư lo lắng trước tình hình căng thẳng gia tăng ở Trung Đông. Tuy nhiên, báo cáo lạm phát đã phần nào xoa dịu nỗi lo về áp lực giá cả do thuế quan, trong khi thị trường vẫn đang ngóng chờ thêm thông tin từ đàm phán thương mại Mỹ - Trung…

Vingroup bắt tay VinEnergo làm dự án điện LNG

Vingroup bắt tay VinEnergo làm dự án điện LNG

Vingroup chính thức bắt tay VinEnergo để triển khai dự án nhà máy điện khí LNG tại Hải Phòng. Động thái này đánh dấu bước đi đầu tiên của tập đoàn vào lĩnh vực năng lượng, trong bối cảnh cổ phiếu VIC giảm nhẹ trên sàn...