UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu ưu tiên tiêm cho 100% người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ", nhóm ngành nghề sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu, tuyến đầu phát triển kinh tế.
UBND tỉnh lưu ý Sở Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, Sở LĐTB-XH và UBND các huyện, thành phố tổng hợp, rà soát danh sách để phân bổ, sử dụng vaccine và tổ chức tiêm theo đúng quy định.
Hiện Đồng Nai có hơn 1.200 doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ" với khoảng 140.000 lao động. Thời gian qua, số lao động được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 đạt tỷ lệ chưa cao do đó, các doanh nghiệp đề xuất tỉnh ưu tiên vaccine tiêm cho 100% lao động đang lưu trú tại nhà máy và lao động đang nghỉ chờ việc để tới đây bổ sung lao động khôi phục lại sản xuất.
Còn Bình Thuận đang nhanh chóng đẩy mạnh xét nghiệm với người dân 10 xã, phường thành phố Phan Thiết. Đây là những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 từ ngày 4/10 do số ca mắc mới tăng nhanh.
Hiện địa phương đang dồn lực truy vết và ráo riết khoanh vùng, dập dịch trong khi nỗ lực làm sao ít ảnh hưởng đến đời sống người dân nhất. Một trong những điểm mới của đợt xét nghiệm lần này tại TP Phan Thiết là dù thực hiện xét nghiệm cộng đồng nhưng chỉ 30 - 45 phút là người dân có thể nhận được giấy kết quả ngay tại địa điểm xét nghiệm.
Việc cấp, phát kết quả xét nghiệm tại chỗ là cách để người dân có thể tự giác tham gia xét nghiệm cộng đồng đầy đủ hơn, từ đó, giúp phát hiện sớm F0. Đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao thì thực hiện xét nghiệm 3 lần trong 7 ngày. Với các địa bàn còn lại, sẽ xét nghiệm từ 5-7 ngày/lần.
Bên cạnh đó, việc tiêm vaccine cũng đang được ưu tiên tối đa cho TP Phan Thiết. Địa phương này vừa được tỉnh phân bổ 15.000 liều, ưu tiên tiêm cho người lao động biển, những người đang sinh sống, làm việc tại khu vực có dịch ở TP Phan Thiết.