Kết thúc phiên 14/3, chỉ số Dow Jones giảm 89,37 điểm (-0,21%) xuống 42.051,06 điểm. S&P 500 nhích nhẹ 6,03 điểm (+0,10%) lên 5.892,58 điểm và Nasdaq Composite tăng 136,72 điểm (+0,72%) đạt 19.146,81 điểm.
Trong số 11 nhóm ngành chính của S&P 500, có tới 8 lĩnh vực đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó chăm sóc sức khỏe và vật liệu ghi nhận đà giảm sâu nhất, lần lượt là 2,31% và 0,96%. Ngược lại, dịch vụ truyền thông, tăng 1,6% và công nghệ, tăng 0,96% là những nhóm tăng mạnh nhất.
Phần lớn các cổ phiếu công nghệ đều tăng điểm, với Nvidia leo hơn 4% và là động lực lớn nhất cho S&P 500 trong phiên. Cổ phiếu của hãng thiết kế chip Advanced Micro Devices cũng thêm 4,7% sau khi công ty phê duyệt chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 6 tỷ USD.
Boeing nhích 0,6% nhờ thông tin hãng hàng không quốc gia Qatar Airways ký thỏa thuận mua máy bay từ nhà sản xuất Mỹ trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump đến Doha.
Trong khi đó, cổ phiếu American Eagle Outfitters giảm 6,4% do công ty rút lại dự báo lợi nhuận cả năm, viện dẫn sự bất ổn kinh tế do căng thẳng thương mại. Loạt cổ phiếu dược phẩm như Merck & Co và Amgen đều giảm từ 3 -4%.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 19,73 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 16,77 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên vừa qua.
Thị trường đang tiếp tục dõi theo các diễn biến thương mại khi Tổng thống Donald Trump thực hiện chuyến công du các quốc gia vùng Vịnh và đạt được cam kết đầu tư trị giá 600 tỷ USD từ Saudi Arabia.
“Giới đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng trước những phát biểu sắp tới của các lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Tổng thống Trump, liên quan đến thương mại. Mặc dù các chính sách thuế trước đó đang được tạm ngưng, nhưng chưa có thỏa thuận chính thức nào được ký kết”, ông Tim Ghriskey, chiến lược gia cấp cao tại công ty đầu tư Ingalls & Snyder lưu ý.
Về khía cạnh kinh tế, Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Philip Jefferson cho biết số liệu lạm phát gần đây cho thấy tiến triển trong mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%, nhưng triển vọng kinh tế vẫn còn nhiều bất định.
Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Austan Goolsbee lại cảnh báo rằng các số liệu hiện tại chưa phản ánh đầy đủ tác động của việc tăng thuế.
Vì thứ Tư khá yên ắng về dữ liệu kinh tế, ông Andrew Graham, nhà sáng lập và điều hành tại Jackson Square Capital, nhận định rằng thị trường đang chờ đợi các báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) và doanh số bán lẻ tháng 4 dự kiến công bố vào sáng 15/5 (giờ Mỹ).
GIÁ DẦU QUAY ĐẦU GIẢM NHẸ
Trên thị trường năng lượng, giá dầu có xu hướng đi xuống trong phiên sau khi dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng trong tuần trước và làm dấy lên lo ngại về cung.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 54 cent, tương đương 0,81%, xuống còn 66,09 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 52 cent, tương đương 0,82%, còn 63,15 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây đã báo cáo lượng tồn kho dầu thô tăng 3,5 triệu thùng lên mức 441,8 triệu thùng, trái ngược so với dự báo của giới phân tích là giảm 1,1 triệu thùng.
Dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cũng chỉ ra tồn kho dầu thô tăng mạnh 4,3 triệu thùng, theo các nguồn tin thị trường. Trong khi đó, nhập khẩu ròng của Mỹ trong tuần trước tăng thêm 422.000 thùng/ngày.
“Chắc chắn, việc tồn kho tăng mạnh không phải là điều tích cực”, chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận xét về đà giảm giá dầu.
Cùng lúc đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đồng minh (OPEC+) gần đây đã tăng sản lượng cung ứng cho thị trường. “OPEC không thay đổi dự báo nhu cầu, nhưng lại bơm thêm dầu. Đến một lúc nào đó, nguồn cung dư thừa sẽ lấn át nhu cầu và kéo thị trường đi xuống.”, ông Bob Yawger, Giám đốc hợp đồng năng lượng tại Mizuho bình luận.