Theo SSI Research, cổ phiếu ngành tiêu dùng sẽ hưởng lợi nhất trong điều kiện kinh tế hiện nay, trong đó đáng chú ý nhất hiện nay có 5 cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng là VNM, PNJ, DBC, MSN và KDC và 1 cổ phiếu ngành dược là DHG.
Theo SSI Research, cổ phiếu ngành tiêu dùng sẽ hưởng lợi nhất trong điều kiện kinh tế hiện nay, trong đó đáng chú ý nhất hiện nay có 6 cổ phiếu là VNM, DHG, PNJ, DBC, MSN và KDC.
VNM: Thị trường sữa Việt Nam phát triển dưới mức tiềm năng so với các nước xung quanh nếu tính theo tiêu thụ trên đầu người (19 lít/năm trong năm 2015 so với Thái Lan 34 lít, Philipines 22 lít, Trung Quốc 26 lít và Malaysia 51 lít). SSI Research cho rằng đây là một trong những yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng cho VNM.
DHG: Theo BMI, ngành dược Việt Nam dự kiến tăng trưởng CAGR vào khoảng 13,4% trong 4 năm tới. Với sản phẩm tốt và hệ thống phân phối rộng lớn, SSI Research tin rằng DHG có thể tăng trưởng doanh thu mảng sản xuất cao hơn trung bình ngành. Doanh thu mảng thương mại cũng sẽ tăng nhờ phân phối thuốc của Taiso và xuất khẩu. Khi DHG gia tăng sản xuất ở nhà máy mới, thuế suất giảm sẽ hỗ trợ lợi nhuận tăng trưởng trong 2-3 năm tới (giai đoạn ưu đãi thuế bắt đầu từ năm 2015 và kết vào cuối năm 2019)
PNJ: Theo Hội đồng vàng thế giới, trong năm 2015, giá trị trang sức trên đầu người của Việt Nam là 6,2USD bằng 60% của Malaysia và 7% của Singapore. Thêm vào đó, tỷ trọng vàng trang sức trên tổng tiêu dùng vàng chỉ chiếm 25% so với 50% của các nước đó. Điều này có nghĩa thị trường vàng trang sức còn nhiều dư địa tăng trưởng. Với PNJ, khi tỷ trọng doanh số mảng bán lẻ tăng, lợi nhuận gộp sẽ được mở rộng và thúc đẩy lợi nhuận ròng.
DBC: SSI Research dự phóng lợi nhuận ròng của DBC sẽ tăng 15,6% trong năm 2017 chủ yếu nhờ doanh số mảng thức ăn chăn nuôi tăng 31,3%. Nhà máy thức ăn chăn nuôi mới ở Hà Nam với công suất 200.000 tấn/năm dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm 2016. Sản lượng thức ăn chăn nuôi có thể sẽ tăng 25% và giá bán sẽ tăng 5% so với năm trước do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Theo kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh được công bố trong ĐHCĐ thường niên năm 2016, DBC đặt mục tiêu tăng tổng công suất mảng thức ăn chăn nuôi lên 1 triệu tấn/năm trước năm 2019 hoặc gấp 2 lần so với công suất thực hiện năm 2015.
Đóng góp của thức ăn chăn nuôi công nghiệp trên tổng cầu thức ăn chăn nuôi so với thức ăn chăn nuôi tự chế biến thì rất thấp trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang mở rộng ở Việt Nam. Theo Cục chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2014 thức ăn chăn nuôi công nghiệp chiếm 65%, dự kiến tăng lên 69% trong năm 2016 và 72% trong 2020. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt kế hoạch sản lượng thức ăn công nghiệp đạt 16,5 triệu tấn (tăng 4,4%) trong năm 2016 và 19,2 triệu tấn trong năm 2020, tương ứng tăng trưởng CARG 4% hàng năm. Thêm vào đó, người nông dân ngày càng ý thức hiệu quả của thức ăn công nghiệp nên mảng thức ăn gia súc và chăn nuôi của DBC sẽ hưởng lợi trong 2-3 năm tới.
MSN: Cho năm 2017, SSI Research dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng sẽ tăng trưởng tương ứng 6,8% và 15,9% do tăng trưởng khiêm tốn của cả 3 mảng kinh doanh: thức ăn gia súc, thực phẩm đồ uống và khai thác mỏ
Với một nước đang phát triển có dân số trẻ và trong quá trình đô thị hoá, SSI Research tin rằng nhu cầu sản phẩm tiêu dùng bao gồm thức ăn gia súc, thực phẩm đồ uống sẽ liên tục tăng trưởng trong dài hạn
KDC: Cho năm 2017, SSI Research kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng cổ đông công ty mẹ sẽ tương ứng tăng trưởng 161% và giảm 78% so với năm 2016. Doanh thu tăng dựa trên giả định KDC sẽ hợp nhất Vocarimex từ quý 4/2016. Loại trừ LN bất thường từ thương vụ bán 20% cổ phần mảng bánh kẹo trong năm 2016, lợi nhuận trước thuế cốt lõi của KDC dự báo tăng 3% do chi phí tăng trong quá trình tái cấu trúc và tung ra thị trường sản phẩm mới.
Như MSN, KDC sẽ hưởng lợi do Việt Nam đang phát triển, có dân số trẻ và đang trong quá trình đô thị hoá, nhu cầu các sản phẩm như kem, yogurt và dầu ăn sẽ tăng trưởng liên tục trong dài hạn.