Sự sợ hãi gia tăng, chứng khoán đồng loạt giảm

Sau khi thiết lập đỉnh lịch sử vào cuối tuần trước, phố Wall đã đồng loạt giảm mạnh trở lại trong phiên đầu tuần mới với thông tin bất lợi từ Apple và dữ liệu kinh tế.

Phố Wall đảo chiều giảm đồng loạt trong phiên đầu tuần mới sau khi lập đỉnh mới trong phiên cuối tuần trước. Trong đó, chỉ số Dow Jones và S&P có phiên giảm mạnh nhất 5 tháng do ảnh hưởng của cổ phiếu Apple khi cổ phiếu của đại gia này giảm 2,1% sau thông tin dự báo doanh số điện thoại iPhone X có thể bị giảm một nửa do với dự tính. Thứ Năm, Apple sẽ công bố kết quả kinh doanh quý IV/2017.

Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall tăng mạnh 2,76 điểm (+25%), lên 13,84 điểm - mức đóng cửa cao nhất kể từ 18/8/2017.

Một sức ép nữa với chứng khoán là lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ đạt mức cao nhất kể từ năm 2014 khi kinh tế tăng trưởng thấp hơn dự báo.

Kết thúc phiên 29/1, chỉ số Dow Jones giảm 118,60 điểm (-0,48%), xuống 26.498,11 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,85 điểm (-0,41%), xuống 2.861,02 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 24,88 điểm (-0,33%), xuống 7.480,89 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, kết quả kinh doanh tích cực của các nhà sản xuất chip và dược phẩm, cùng việc đồng euro giảm so với USD giúp thị trường khu vực có sắc xanh đầu phiên. Tuy nhiên, việc một quan chức ECB cho biết, chương trình mua tài sản sẽ dừng lại sau khi chương trình mua trái phiếu kết thúc vào tháng 9, đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Đức tăng lên mức cao nhất 2 năm, đã kéo chứng khoán Đức và Pháp quay đầu giảm điểm khi chốt phiên, còn chứng khoán Anh may mắn giữ được đà tăng khiêm tốn.

Kết thúc phiên 29/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 5,99 điểm (+0,08%), lên 7.671,53 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 15,69 điểm (-0,12%), xuống 13.324,48 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 7,56 điểm (-0,14%), xuống 5.521,59 điểm.

Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Á, áp lực chốt lời cũng khiến chứng khoán khu vực chìm trong sắc đỏ, trong đó chứng khoán Nhật Bản may mắn nhờ có sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu sản xuất chip nên đóng cửa gần như không đổi, còn chứng khoán Hồng Kông và đặc biệt là chứng khoán Trung Quốc đại lục giảm khá mạnh khi nhóm bluechip là nhóm bị chốt lời mạnh nhất.

Kết thúc phiên 29/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 2,54 điểm (-0,01%), xuống 23.629,34 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 187,23 điểm (-0,56%), xuống 32.966,89 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 35,13 điểm (-0,99%), xuống 3.523,00 điểm.

Sau khi hồi phục nhẹ trong phiên cuối tuần trước, giá vàng đã nhanh chóng giảm mạnh trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần này khi đồng USD hồi phục khá mạnh. Tuần này là một tuần khá bận rộn với thị trường khi tối thứ Ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có bài phát biểu, thứ Ba và thứ Tư là cuộc họp của Fed, cuộc họp cuối cùng của bà Janet Yellen trên cương vị Chủ tịch Fed và thứ Sáu là báo cáo việc làm tháng 1 của Mỹ.

Kết thúc phiên 29/1, giá vàng giao ngay giảm 9,4 USD/ounce (-0,7%), xuống 1.339,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2018 giảm 11,8 USD/ounce (-0,87%), xuống 1.340,3 USD/ounce.

Việc đồng USD tăng, cùng sản lượng dầu của Mỹ tăng đã khiến giá dầu thô giảm mạnh trong phiên đầu tuần mới, mất ngưỡng 70 USD/thùng.

Kết thúc phiên 29/1, giá dầu thô Mỹ giảm 0,58 USD (-0,88%), xuống 65,56 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,06 USD (-1,53%), xuống 69,46 USD/thùng.

Theo Đầu tư chứng khoán

Có thể bạn quan tâm