Sửa đổi Luật Đất đai (Bài 4): Thủ tục hành chính có đang sử dụng "bình mới, rượu cũ"?

Chương XIV của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định thủ tục hành chính về đất đai. Nhưng các nhà làm luật có vẻ đang sử dụng một chiếc "bình mới" để chứa đựng những "rượu cũ"?

Về cơ bản nội dung tại chương này của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi không có nhiều thay đổi so với quy định Luật Đất đai hiện hành. Điều này là nguyên nhân cốt yếu sẽ có khả năng gây ra nhiều khúc mắc, bất cập và mâu thuẫn giữa quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng trong thời tới nếu như dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được thông qua vào năm 2023.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp lần này (tháng 10/2022), kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Trên tinh thần góp ý những ý kiến thiết thực nhất vào công tác xây dựng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Thương gia đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội để làm rõ một số vấn đề trong thủ tục hành chính về đất đai.

"Rượu cũ chứa trong bình mới"?

Về cơ bản, Chương XIV - Thủ tục hành chính về đất đai của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chỉ có 4 điều (từ Điều 117 đến 220) và hầu hết các nội dung trong chương này được giữ nguyên như quy định của Luật Đất đai hiện hành.

Các nhà làm luật đã rà soát, bổ sung các nội dung như: Các thủ tục hành chính về đất đai (thủ tục gia hạn sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, thủ tục cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai); Việc công khai thủ tục hành chính về đất đai (nội dung công khai, hình thức công khai) và việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử (khoản 2 Điều 220).

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Anh, bản chất những quy định về thủ tục hành chính nói trên trong dự thảo lần này vẫn còn đang rất chung chung. Các quy định chỉ mang tính liệt kê các thủ tục và các nguyên tắc thực hiện thủ tục đó, ngoài ra không có thêm nhiều nội dung mới.

Do đó, những quy định trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa giải quyết được triệt để mong muốn bức thiết của người dân, doanh nghiệp đối với vấn đề cải cách thủ tục hành chính về đất đai.

dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
Theo luật sư Nguyễn Anh, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này cần quy định rõ hơn, chi tiết hơn về các thủ tục hành chính đối với đất đai. Nhưng bên cạnh đó phải làm rõ cách thức, biện pháp và trách nhiệm trong việc bảo đảm thực hiện các thủ tục đó.

Vị luật sư này cũng minh chứng thêm, trong chính những chương đầu của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi hay quy định tại luật hiện hành, đặc biệt là trong quá trình quản lý hành chính Nhà nước về đất đai đã có những nguyên tắc chung này.

Ví dụ, tại dự thảo, Điều 7 - Nguyên tắc sử dụng đất; Điều 22 - Bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; Mục 2, Chương II - Quản lý Nhà nước về đất đai và từ Điều 26 tới Điều 28 đã có quy định những nguyên tắc cơ bản về nội dung quản lý đất đai, (bao gồm: thủ tục hành chính),...

Thực tiễn lập pháp, thủ tục hành chính về đất đai được quy định chi tiết tại các Nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ và cơ quan ngang Bộ,... Tức là, nhà làm luật "điều tiết" sang cho Chính phủ quy định chi tiết các thủ tục hành chính theo định hướng của Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Chính vì vậy, vị luật sư này cho rằng việc liệt kê như trong dự thảo là không quá cần thiết, vì nó chỉ là hình thức "định danh" các thủ tục hành chính, mà không giải quyết được triệt để vấn đề,...

"Như vậy, theo tiền lệ các quy định này sẽ phải trải qua một bước nữa đó là Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hoặc văn bản dưới luật, thì lúc đó các quy định về thủ tục hành chính mới được thi hành trên thực tế. Còn luật được thông qua nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thì những quy định thủ tục hành chính về đất đai vẫn chỉ là trên giấy", luật sư Nguyễn Anh nói.

Trong khi, Nghị định hay văn bản hướng dẫn để quy định cụ thể về vấn đề này có hay không thì chúng ta lại phải chờ khi dự thảo Luật đất đai sửa đổi được thông qua và có hiệu lực thì mới biết.

Điều này thực sự đang tạo ra một khoảng cách quá lớn trong việc ban hành luật và áp dụng thực tiễn. Vì nếu luật có hiệu lực nhưng phải mất thêm một thời gian để văn bản hướng dẫn luật mới ra đời và lại phải mất thêm một khoảng thời gian để những văn bản này có hiệu lực.

Tình trạng này sẽ tiếp tục làm giảm tác dụng, thời gian thực hiện luật và các thủ tục hành chính vẫn sẽ phải áp theo quy định cũ, lỗi thời.

Thực tế thủ tục hành chính trong thời gian vừa qua ra sao?

Theo Tờ trình dự thảo Luật Đất đai sửa đổi của Chính phủ, Luật Đất đai hiện hành đã giảm 30 thủ tục đối với nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp; giảm 9 thủ tục đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp.

Thời gian thực hiện các thủ tục cơ bản được bảo đảm đúng quy định và giảm so với trước đây, đạt 90 - 95% so với quy định; tình trạng tồn đọng hồ sơ quá hạn đã cơ bản chấm dứt,...

Nhưng với kinh nghiệm của một luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý bất động sản, ông Nguyễn Anh cho rằng, những kết quả về thủ tục hành chính nêu trên chưa phản ánh chính xác với thực tế. Đây là những kết quả “trong mơ” theo báo cáo của các cơ quan nhà nước, của UBND các tỉnh, thành phố rất mang tính “phiến diện”.

dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Nói thêm về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Anh cho rằng, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính và tinh giản thủ tục hành chính chỉ là những “quy định” còn việc thực thi thì vẫn rườm rà, phức tạp và các thủ tục luôn bị tồn đọng, kéo dài.

Các thủ tục hành chính công trực tuyến thì luôn trong tình trạng “quá tải” khiến người dân lại phải đi thực hiện trực tiếp. Nhiều trường hợp, thời gian đợi kết quả gấp 2, 3 lần so với quy định và nhiều kết quả lại là “bổ sung thêm giấy tờ, thủ tục”...

“Nhiều địa phương vẫn xảy ra tình trạng hiện tượng “lobby”, tiêu cực để làm nhanh hoặc ra đúng hạn, đi “cửa sau” về “cửa trước”. Người dân, doanh nghiệp muốn được việc đối với các hồ sơ liên quan đến đất đai buộc phải “bấm bụng” gửi các “chi phí ngoài” cho người thụ lý hồ sơ.

Nếu không như vậy, nhiều trường hợp sẽ bị các cơ quan thụ lý yêu cầu, gây khó dễ hay tự đặt ra những “hồ sơ, giấy tờ, thủ tục” mới để người dân phải bổ sung hồ sơ, làm rõ một số nội dung trong hồ sơ. Đợi chờ dai dẳng, sau đó lại bị trả hồ sơ, hồ sơ quá thời hạn rồi lại lặp lại quy trình như từ đầu. Nhiều người dân rất bức xúc dẫn đến khiếu nại, tố cáo “từ năm này qua năm nọ”, luật sư nói.

Ngoài ra, theo báo cáo tổng kết thi hành Luật đất đai 2013 “tình trạng tồn đọng hồ sơ quá hạn đã cơ bản chấm dứt" là vẫn chưa sát với thực tế. Rất nhiều hồ sơ về khiếu nại trong việc giải quyết thủ tục hành chính hoặc những đơn từ tố cáo liên quan đến vi phạm trong việc thực hiện thủ tục hành chính và các hồ sơ về cấp sổ vẫn còn nhiều tồn đọng, chưa được giải quyết triệt để.

"Việc nhũng nhiễu, hạch sách, quan liêu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn còn tồn tại ở nhiều cơ quan, nhiều địa phương. Mặc dù, thủ tục hành chính về đất đai đã được tinh giảm và đơn giản hoá theo quy định của luật, nhưng trên thực tế áp dụng vẫn còn những cán bộ công chức, viên chức chưa chấp hành theo đúng quy định. Nhưng việc xử lý vi phạm của họ đang rất hạn chế và là vấn đề “nhạy cảm”’, luật sư Nguyễn Anh nhận xét.

Giải pháp nào để thủ tục hành chính được thực hiện thông suốt?

Theo luật sư Nguyễn Anh, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này cần quy định rõ hơn, chi tiết hơn về các thủ tục hành chính đối với đất đai. Nhưng bên cạnh đó phải làm rõ cách thức, biện pháp và trách nhiệm trong việc bảo đảm thực hiện các thủ tục đó. Và nếu, làm sai thì trách nhiệm như nào, có phải chỉ là xử lý hành chính nhẹ nhàng hay không, hay nên chăng phải buộc thôi việc, xử lý mạnh tay, thậm chí là hình sự các cán bộ, công viên chức làm sai.

Luật sư Nguyễn Anh rất băn khoăn câu chuyện “Liệu rằng, khi các quy định về thủ tục hành chính đất đai được thông qua thì các quy định này có được thực hiện một cách đầy đủ, bài bản, thông suốt trên thực tế hay không? Hay vẫn sẽ chỉ là những quy định “trên giấy”.

Trong khi, người có thẩm quyền giải quyết các thủ tục lại làm theo “cảm hứng”, “ý thích” hoặc thậm chí cứ phải có “phong bì” thì mới giải quyết. Nếu như vậy, việc cải cách thủ tục hành chính đất đai sẽ lại gặp rào cản vô cùng lớn”.

Nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai chính là phải đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, chính xác giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

“Vậy có hay chăng cần có thêm quy định về trách nhiệm triệt để của người có thẩm quyền trong việc đảm bảo thời hạn, kết quả của việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Nếu quá hạn hoặc cố tình ra kết quả yêu cầu người dân, doanh nghiệp bổ sung những hồ sơ không đúng quy định thì sẽ phải chịu kỷ luật, thậm chí là buộc thôi việc. Như vậy, họ mới không dám vi phạm trong việc thực hiện chức năng “phục vụ người dân” luật sư Nguyễn Anh gợi ý.

Nói thêm về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh cho rằng, hiện nay, chúng ta cũng chưa có sự liên thông triệt để theo hình thức phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý hành chính về đất đai với nhau.

Doanh nghiệp và người dân phải làm rất nhiều “thủ tục hành chính mẹ”, “thủ tục hành chính con” hoặc phải làm nhiều “thủ tục hành chính con” thì mới làm được “thủ tục hành chính mẹ”. Điều này gây thiệt hại nhiều cho doanh nghiệp, người dân và hậu quả lớn hơn là giảm sự phát triển của nền kinh tế.

Câu hỏi rất lớn đặt ra để suy ngẫm đó là, muốn thủ tục hành chính về đất đai được thực hiện một cách thông suốt thì có cần giải quyết cái gốc của vấn đề. Đó là bảo đảm sự liên thông mạch lạc về thủ tục giữa Luật Đất đai với các luật khác và “liên thông” cả trách nhiệm của những người có thẩm quyền ở các cơ quan khác nhau trong việc giải quyết thủ tục?

Mục tiêu phải xác định rõ trong Dự thảo luật đó là thủ tục hành chính phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, thời gian có kết quả ngắn nhất, nhanh nhất và loại bỏ mọi “phiền hà” cho người dân.

Ngoài ra, cần công khai mọi thứ liên quan đến thủ tục hành chính. Thậm chí công khai cả hình thức xử phạt cán bộ làm sai, vi phạm để người dân dễ nhìn thấy, thuận tiện biết được và có thể khiếu nại, tố cáo những vi phạm đó ngay lập tức, được giải quyết ngay tức thì.

Ngày 23/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 766/QĐ-TTg phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.

Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp gồm 5 nhóm chỉ số thành phần gồm: Công khai, minh bạch; Tiến độ, kết quả giải quyết; Số hóa hồ sơ; Cung cấp dịch vụ trực tuyến; Mức độ hài lòng.

Có thể bạn quan tâm