Tái định vị doanh nghiệp để phát triển: Thay đổi trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất định, kinh tế trong nước đang có nhiều ảnh hưởng tiêu cực, doanh nghiệp cần tái định vị để linh hoạt thích ứng với những biến động sắp tới...

Đó là nội dung được nêu tại diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững”. Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp phát triển hàng tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Thu Thủy và Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội bà Bùi Thị Hải Yến tham dự.

Tái định vị doanh nghiệp để phát triển: Thay đổi trong bối cảnh mới

Nhận diện khó khăn

Theo số liệu tại diễn đàn, từ cuối năm 2022, dù Việt Nam đã chứng kiến những khó khăn không nhỏ, đặc biệt trong quý IV/2022. Xuất, nhập khẩu cũng có xu hướng chững lại. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cả năm 2022 lên tới 143.200, tăng 19,5% so với năm 2021 và gấp 1,6 lần mức bình quân các năm 2017-2021 . Việc các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng 30% thực hiện thắt chặt chi tiêu, hoàn toàn ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Tác động đó vẫn kéo dài cho đến năm 2023, Việt Nam ghi nhận xuất khẩu trong hai tháng đầu năm nay giảm 10,3% so với cùng kì năm trước. Lạm phát năng lượng vẫn tăng cao

Nhìn nhận những thách thức này, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho rằng, bối cảnh mới đã tạo ra những thách thức rất lớn với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp và với cả cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi sự tồn tại của doanh nghiệp gắn liền với sức mạnh kinh tế quốc gia, gắn liền với nguồn thu ngân sách Nhà nước.

doanh nghiệp
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp Hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC)

Nói về khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp Hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết  giữa năm 2022 bất động sản đóng băng và tiếp tục khủng hoảng sang năm 2023 vì nhiều lý do (lạm phát, lãi suất tăng, khủng hoảng thị trường trái phiếu…), các chủ đầu tư bất động sản không bán được hàng, không có tiền để thanh toán khiến cho các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức…

Trước thực trạng đó, Hiệp hội nhà thầu xây dựng cho rằng để tái định vị giúp doanh  nghiệp phát triển bền vững - khâu đầu tiên cũng là khâu then chốt là xây dựng hệ thống khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho các nhà thầu xây dựng trong quan hệ kinh tế với các chủ đầu tư trong lĩnh vực hợp đồng.

Định vị rõ hơn những khó khăn của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, khó khăn của doanh nghiệp đặt trong sự khó khăn của nền kinh tế, và đang bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế thế giới.

Theo TS Trần Thị Hồng Minh, Việt Nam đang đối diện với 4 khó khăn chính, bao gồm tăng trưởng chậm lại ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tình trạng dự kiến và đã nhìn thấy trước là việc suy giảm các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt trong các ngành may mặc, da giầy…vốn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Điều này tạo áp lực cho doanh nghiệp phải tìm kiếm đơn hàng để duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm và thu nhập để giữ chân người lao động…

doanh nghiệp
TS Trần Thị Hồng Minh

Thứ hai, một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững một cách chặt chẽ hơn như nền kinh tế xanh, đây là một khó khăn không nhỏ để Việt Nam duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Thứ ba, vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. “Chúng ta đều biết, khoảng 97-98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Các doanh nghiệp này gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận tài chính chính thức”, TS Nguyễn Hồng Minh cho biết.

Thứ tư là việc bảo đảm chất lượng lao động góp phần tăng năng suất lao động và thích ứng với yêu cầu làm việc trong bối cảnh mới (gắn với chuyển đổi số, phục hồi xanh,…).

Bổ sung những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối diện, bà Lâm Thúy Nga - Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn, HSBC Việt Nam còn cho rằng, doanh nghiệp còn đối diện với những thay đổi nhanh chóng của thế giới, đặc biệt những tiến bộ công nghệ, mục tiêu phát triển bền vững và các chiến lược ứng phó với rủi ro được đặt lên hàng đầu và trở nên rõ rang.

Lấy ví dụ về sự xuất hiện của ChatGPT - một chatbot trí tuệ nhân tạo có khả năng xử lý ngôn ngữ một cách tự nhiên, bà Nga đã đặt ra câu hỏi về cách AI có thể thay thế con người trong tương lai. Thực tế, AI đã được nghiên cứu để thực hiện một số nhiệm vụ trong y tế, nhận dạng hình ảnh, eKYC, thanh toán mua sắm, dự đoán tiềm năng khách hàng…

Hiện nay, những tiến bộ nổi bật của công nghệ dường như diễn ra hàng ngày. Chưa bao giờ thế giới thay đổi và tái định nghĩa lại cách chúng ta học tập, làm việc và sinh hoạt nhanh chóng như vậy…”, bà Nga nói.

Chuyện không của riêng ai

Trước thực tế đã nêu, theo bà Nga, chúng ta cần xây dựng một môi trường mà trong đó: Chính phủ có những hướng dẫn, định hướng cụ thể, giúp doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tái định vị hoạt động kinh doanh của họ thông qua đổi mới sáng tạo, để nắm bắt kịp thời những cơ hội mới; kịp thời cập nhật những điều chỉnh trong quy định và những thay đổi của toàn cầu đến doanh nghiệp địa phương;

Các tổ chức, các hiệp hội chung tay hỗ trợ Chính phủ trong việc cung cấp kiến thức đổi mới từng ngày cho cộng đồng doanh nghiệp Việt, giúp kết nối, chia sẻ kinh nghiệm cùng những trường hợp đổi mới sáng tạo thành công trong nước và quốc tế;

Doanh nghiệp
Bà Lâm Thúy Nga - Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn, HSBC Việt Nam

Doanh nghiệp chủ động học hỏi, tìm tòi từ các hoạt động chia sẻ trong cộng đồng doanh nghiệp, từ các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, những xu hướng kinh doanh, đầu tư của thế giới, những yêu cầu mới của người tiêu dùng, các công nghệ tiên tiến… để linh hoạt ứng dụng cho hoạt động của doanh nghiệp nhằm mục đích nâng cao năng suất lao động, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, dich vụ...;

Đầu tư vào các hoạt động R&D đã được chứng minh ở nhiều quốc gia là chất xúc tác giúp đổi mới sáng tạo thành công. Vậy nên, với những doanh nghiệp có tiềm lực, đây nên là hoạt động cần chú trọng. Chính phủ cũng cần có những đầu tư tương xứng cho lĩnh vực này trong toàn bộ nền kinh tế. Bởi hiện nay, Việt Nam là một quốc gia dẫn đầu thế giới về nhập khẩu công nghệ cao, với chính sách khuyến khích FDI chất lượng và giá trị cao của Chính phủ thời gian qua, việc đầu tư cho R&D là hoàn toàn có thể;

Hoạt động đổi mới sáng tạo cần có lực lượng nhân sự nòng cốt với kiến thức và chuyên môn phù hợp. Do đó, doanh nghiệp cần tuyển lựa, tạo điều kiện và đào tạo để những nhân sự tiềm năng có thể được trau dồi và phát huy hết năng lực trong quá trình này.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp cho rằng, tái định vị doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững, cần phải dự báo tình hình kinh tế thế giới, đánh giá kinh tế trong nước và sức khoẻ thực tế của  doanh nghiệp.

doanh nghiệp
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp

Bên cạnh đó, việc tái định vị và phát triển bền vững doanh nghiệp không phải là vấn đề của riêng Nhà nước hay doanh nghiệp mà phải có sự kết hợp, hợp tác tích cực giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước với cốt lõi là 19 tập đoàn, tổng công ty phải thể hiện được vai trò dẫn dắt, thực hiện các phần việc các thành phần kinh tế khác không làm.

Thực tế, trong một chỉ đạo mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực kinh tế công và kinh tế tư nhân. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp nhưng việc thực thi chưa đạt kết quả như mong muốn. Một số địa phương thiếu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc bảo lãnh tín dụng chưa thực hiện được, thậm chí điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận còn khó hơn vay ngân hàng. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách tháo gỡ để doanh nghiệp phát triển.

Ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, trong điều kiện hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề đang gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay chưa có báo cáo đầy đủ, đánh giá cụ thể và tổng thể về những khó khăn, thách thức của tất cả các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế. Từ đó, đề xuất kiến nghị Chính phủ có chính sách, cơ chế tháo gỡ khó khăn.

Xem thêm

MB tiên phong đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi số

MB tiên phong đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi số

Sự ra đời của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đi kèm với xu hướng chuyển đổi số không ngừng đã và đang tạo nên những biến chuyển trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, buộc các ngân hàng phải trở thành “ngân hàng mở”, xây dựng các sản phẩm theo hình thức cung ứng dịch vụ - Banking as a Service (BaaS).

Có thể bạn quan tâm