Tập đoàn Thành Nam sản xuất các sản phẩm Inox
Trước đó, ngày 29/5, 21 triệu cổ phiếu TNI đã chính thức niêm yết 21 triệu cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), với giá tham chiếu 10.900 đồng/CP. Buổi ra mắt TNI gây ấn tượng khi tăng trần gần 10% và ở mức giá 11.950 đồng/CP, khối lượng giao dịch cả phiên lên tới 5,1 triệu đơn vị. Hai phiên giao dịch tiếp đó, TNI tiếp tục tăng mạnh lên 13.950 đồng/CP, tổng khối lượng giao dịch đạt gần 6 triệu đơn vị.
Chỉ sau 3 phiên ra mắt, cổ phiếu TNI đã giao dịch khối lượng khủng tới hơn 11,1 triệu đơn vị, chiếm tới 52,8% tổng khối lượng niêm yết của doanh nghiệp này.
Thế nhưng, tân binh TNI lập tức gây thất vọng khi phiên sáng nay 1/6 đã giảm sàn về 12.000 đồng/CP, giảm hơn 6,6% so với giá tham chiếu. Dư bán sàn hơn 438.000 cổ phiếu và khối lượng khớp lệnh vỏn vẹn… 737.000 cổ phiếu.
Cổ phiếu TNI chào sàn HoSE ngày 29/5 với phiên tăng trần mạnh
Được biết, Tập đoàn Thành Nam thành lập vào tháng 7/2004, là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thép, thép không gỉ và các dịch vụ gia công cắt tấm, xẻ băng kim loại.
Ngành nghề chính của TNI là sản xuất inox các dạng tấm, cuộn, ống. Năm 2016, TNI đạt 709 tỷ đồng doanh thu, giảm mạnh gần 45% so với năm 2015, lợi nhuận đạt 12,7 tỷ đồng, tăng trưởng 15,4%. Tỷ lệ cổ tức hai năm 2015-2016 ở mức 5%.
Trong quý 1/2017, TNI ghi nhận doanh thu 180,9 tỷ đồng, lãi gộp 8,9 tỷ đồng và lãi ròng hơn 2 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 2,75 tỷ đồng). Lợi nhuận chưa phân phối luỹ kế hồi đầu năm còn hơn 30,5 tỷ đồng…
Tính đến 31/3/2017, tổng tài sản TNI đạt 545,9 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 236,6 tỷ đồng, vốn điều lệ 210 tỷ đồng. Quy mô nợ phải trả hiện là 309 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 236,4 tỷ đồng. Năm 2017, Thành Nam đặt mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế rất thấp chỉ 20 tỷ đồng.
Mặc dù là tân binh mới trên sàn chứng khoán, song TNI không hề lạ với giới đầu tư chứng khoán vì Tập đoàn Thành Nam là một trong những đối tác kinh doanh, có giao dịch tài chính với Tập đoàn FLC. Thành Nam hiện đặt trụ sở tại cùng địa chỉ trụ sở với FLC (tại toà nhà FLC Landmark Tower, đường Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) và nhóm công ty thân thiết như Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS), Công ty TNHH Thương mại và Nhân lực Quốc tế FLC, Công ty TNHH MTV FLC Land, Công ty chứng khoán Artex…
Trong cơ cấu cổ đông của TNI, có 4 cổ đông lớn gồm ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch HĐQT sở hữu 1,39 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6,6% vốn điều lệ công ty), bà Vũ Thị Thu Hương, Thành viên HĐQT sở hữu 1,23 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,86%) và Thành viên HĐQT Đỗ Thị Thanh Hương sở hữu 1,09 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,19%), CTCP Chứng khoán MB (MBS) sở hữu 1,05 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5%).
Hai thành viên HĐQT khác cũng không hề xa lạ là ông Trịnh Văn Đại, Nguyễn Văn Mạnh, là cổ đông lớn và giữa các vị trí lãnh đạo chủ chốt của nhiều công ty liên quan tới FLC.
Hiện, sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại TNI hiện không đáng kể chiếm khoảng 0,09% vốn điều lệ.
Ban giám đốc gồm có 3 người, trong đó Tổng giám đốc là bà Đỗ Thị Thanh Hương, vốn là kế toán trưởng của Thành Nam trước đây.