Tết tháng tư rực nắng ở Siemriep

Tháng tư, cao điểm của mùa khô ở Siem Reap. Nhưng nắng nóng không ngăn được bước chân của du khách tìm đến với miền đất có hai cố đô Angkor Wat và Angkor Thom Tháng tư để chiêm ngưỡng kỳ quan của đá v
Tết tháng tư rực nắng ở Siemriep

Một lần khám phá, có thể hiểu vì sao Campuchia trở thành điểm đến hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau dăm bảy năm ngắn ngủi như thế. Tất cả bắt đầu từ “Nụ cười thần thánh”.

Hồn cốt xứ Angkor

Nhiều năm trở lại đây, Siem Reap trở thành điểm đến hấp dẫn không thể thiếu trong hành trình du lịch tour Đông Dương, với lượng khách quốc tế chiếm khoảng 85% lượt du khách đến với Campuchia. Nằm cách thủ đô Phnom Penh 314km, Siem Reap là một trong ba thành phố lớn nhất của quốc gia nhỏ bé này, với dân số xấp xỉ một triệu người. Đây cũng là nơi may mắn còn lưu giữ trong lòng gần như nguyên vẹn những phế tích của vương triều Khmer cổ đại với quần thể khu di tích Angkor huyền bí, ẩn chứa trong hàng trăm đền đài chùa tháp như những trang sử đá trường tồn với thời gian. Công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hoá tâm linh kỳ vĩ và đầy quyến rũ này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới năm 1992. Năm 2003, cũng chính tổ chức uy tín này đã đưa vũ điệu Apsara vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ngành dịch vụ nào chẳng phải gắn liền với nụ cười. Nhẹ nhàng thì cần đến nụ cười của đội ngũ nhân viên. Đẳng cấp hơn thì sử dụng nụ cười như một biểu tượng. Cách đây ít năm, Campuchia đã khôn ngoan chọn nụ cười làm biểu tượng cho ngành du lịch. Họ không chọn nét cười e ấp của những thiếu nữ xinh đẹp làm mục tiêu thu hút mà chọn nụ cười của… thần thánh!

Khám phá quần thể di tích Angkor, bạn không thể bỏ qua Angkor Wat và Angkor Thom. Ngôi đền Bayon là trung tâm của thành phố Angkor Thom với đỉnh tháp bốn mặt tạc vào chất liệu đá nụ cười huyền bí. Angkor Thom được hình thành sau Angkor Wat gần một thế kỷ. Lọt thỏm giữa đền đài Bayon, ngước mắt nhìn lên khắp nơi, mọi hướng, ta đều có thể chiêm ngưỡng muôn vàn sắc thái huyền bí trên những gương mặt bí ẩn đầy vẻ suy tư, chiêm nghiệm.

Có tổng cộng 216 gương mặt đá trên 54 đỉnh tháp nhưng chỉ duy nhất có một khuôn mặt sở hữu nụ cười thanh thoát, độ lượng. Ý nghĩa của nó, cho đến nay vẫn còn là điều bí ẩn. Có người cho rằng, nó mang dấu ấn thiền định của Phật giáo. Vị thần nào đã mang nụ cười siêu thoát đó cũng là điều bí ẩn. Những nhà nghiên cứu Khmer tin rằng đó là hình ảnh của vua Jayavanman VII, người đã cho xây dựng đền Bayon. Và cùng với biểu tượng Chùa Tháp, nụ cười của thần thánh ấy đã trở thành biểu tượng của cả một đất nước – với cái tên “xứ sở nụ cười”.

Bởi vậy, đặt chân tới Siem Reap, hiếm du khách nào bỏ qua cơ hội thưởng thức "Smile of Angkor" (Nụ cười Angkor), một show diễn tạp kỹ mang đậm chất sử thi, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các loại hình nghệ thuật, tái hiện sinh động chiều dài lịch sử - văn hóa của đất nước Campuchia khởi đầu từ đế chế Khmer.

Điểm đặc biệt là toàn bộ trang phục được trình diễn trên sân khấu được thiết kế dựa trên các phù điêu trong Angkor Wat. Với những hiệu ứng sân khấu hiện đại như đèn LED, ánh sáng laser, sương khói, nhạc nước…, ngoài tái hiện những tinh hoa của đế chế Khmer, show diễn còn mang tới cho khán giả những tinh hoa nghệ thuật truyền thống như: múa nến cung đình, múa Apsara, múa Shiva, múa anh hùng hồi sinh…

Được ê kíp của đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu dàn dựng, show diễn đã chứng tỏ khả năng nắm bắt tinh nhạy của ngành du lịch nước sở tại, khi học hỏi và vận dụng một cách có sáng tạo kinh nghiệm làm du lịch của các quốc gia láng giềng. Du lịch Thái Lan cũng có show diễn giới thiệu về lịch sử và văn hóa như thế tại nhà hát Alangkarm (Pattaya), với tên gọi "Thai Extravaganza Show", Hoành tráng hơn nhiều phải nói đến show "Tống Thành" ở Hàng Châu (Trung Quốc) với banner quảng cáo "Cho tôi một ngày, sống lại ngàn năm"… Giống như họ, người Campuchia đã biến đặc sản nụ cười của mình trở thành điểm nhấn không thể bỏ qua khi đến với Di sản văn hóa thế giới này. Để biến câu slogan quảng bá thành hiện thực: “Muốn hiểu về Campuchia hãy đến Siem Reap - nơi có cả dấu ấn quá khứ của vương triều Khmer, hình ảnh của Vương quốc Campuchia hiện tại và đất nước Campuchia trong tương lai”.

Angkor là kỳ quan của thế giới, làm sống lại với "Nụ cười Angkor" là niềm tự hào của người dân Siem Reap. Thế nhưng thông điệp quảng cáo gửi gắm tới du khách vô cùng khéo léo: "90% vũ công trong show diễn là người Campuchia, trong đó có nhiều em là trẻ mồ côi hay con cháu của nạn nhân bị bẫy mìn. "Nụ cười Angkor" đã tạo việc làm, đã huấn luyện các em thành vũ công. Đến với "Nụ cười Angkor", bạn không chỉ thưởng thức nên văn hóa đích thực của Campuchia mà còn giúp đỡ người dân chúng tôi nữa". Đọc những dòng quảng cáo thế này, ai mà ngó lơ cho nổi! Bởi thế, với giá vé không hề rẻ (từ 38USD cho ghế loại B đến 48USD cho ghế loại A), những hàng ghế trong Nhà hát Grand Theater (Angkor COEX) luôn hầu như kín chỗ.

Kéo dài 75 phút, “Smile of Angkor” được kết cấu thành sáu chương: Hỏi Thần – Vương quốc huy hoàng – Sự hồi sinh của những vị thần – Khuấy biển sữa – Lời nguyện cầu của cuộc sống – Nụ cười Angkor. Thưởng thức màn tạp kỹ này là tiền đề giúp du khách có được những hiểu biết mạch lạc về đế chế Khmer hùng mạnh xa xưa, về quá trình hình thành – phát triển cực thịnh rồi suy tàn của cả một quần thể đền đài, thành quách nguy nga, hùng vĩ cách đây nhiều thế kỷ. Phần phụ đề chạy phía trên sân khấu được thế hiện bằng bốn ngôn ngữ: Anh – Trung – Hàn – Việt. Nhân viên soát vé bên ngoài đã tiết lộ một chi tiết thú vị, ngoài tiếng Anh vốn thông dụng trên toàn thế giới, ba quốc gia còn lại sở hữu số lượng khách du lịch tới Campuchia lớn nhất nên được đặc biệt ưu tiên.

"Đến với "Nụ cười Angkor", bạn không chỉ thưởng thức nên văn hóa đích thực của Campuchia mà còn giúp đỡ người dân chúng tôi nữa". Đọc những dòng quảng cáo thế này, ai mà ngó lơ cho nổi! Bởi thế, với giá vé không hề rẻ (từ 38USD cho ghế loại B đến 48USD cho ghế loại A), những hàng ghế trong Nhà hát Grand Theater (Angkor COEX) luôn hầu như kín chỗ.

Nụ cười và lời cảm ơn

Bạn sẽ ngạc nhiên, giống tôi, khi được chiêm ngưỡng quần thể phế tích Angkor “ba không”: không rác – không ăn mày – không hàng rong đeo bám du khách. Những dãy lan can vòng vèo bao quanh toàn bộ Angkor Wat mang biểu tượng rắn thần Naga được du khách tôn trọng tuyệt đối. Không hề xuất hiện cảnh khách du lịch biến dãy lan can này thành nơi nghỉ chân, không ai ăn uống và vô tư xả rác trong khuôn viên di tích. Dọc đường vào các đền tháp có khá nhiều những nhóm nhạc nghiệp dư. “Nhạc công” đa phần trước đây là ăn xin. Giờ họ “trông mặt mà bắt hình dong”, nhìn khách mà đọc quốc tịch và lập tức trình diễn ngay những bài hát tiêu biểu của quốc gia đó để kiếm tiền một cách xứng đáng. Họ làm nên ấn tượng khó phai với mỗi du khách.

Ở cả Angkor Wat lẫn Angkor Thom, hàng quán luôn được phân khu ngăn nắp trật tự, trẻ em bán hàng rong cũng chỉ hoạt động trong khu vực này. Tuy rất nhiệt tình mời chào du khách nhưng chỉ cần nhìn thấy cái lắc đầu từ chối, không người khách nào còn bị làm phiền. Xe tuk tuk, một loại xe gắn máy kéo theo thùng bốn chỗ vốn rất thịnh hành tại đây cũng đều tập trung trong một khu vực nhất định và hoàn toàn không có chuyện chèo kéo chạy theo khách du lịch gây náo loạn, giật đồ, đồ móc túi. Giá bán quà lưu niệm ở các khu du lịch không quá cao và có thể mặc cả thoải mái, nếu không mua cũng vẫn nhận được thái độ nhã nhặn, vui vẻ của người bán hàng. Một người bán nước mía dạo cũng biết đôi câu tiếng Việt giao tiếp với khách… Dường như, nụ cười luôn rộng mở trên những gương mặt người dân nơi đây.

Du Huar Sang, cô hướng dẫn viên mang hai dòng máu Việt và Cam khi chia tay chúng tôi đã nói rằng, xin cảm ơn các anh chị đã đến với Siem Riep. Xin cảm ơn các anh chị đã cho em công việc… Lời cảm ơn của cô khiến chúng tôi thêm bịn rịn khia chia tay Sang và Angkor. Vẫn còn những điểm chưa thể khám phá hết, vẫn còn muốn quay lại với những con người làm du lịch từ tâm chân thành ấy.

Khởi đầu là Nụ cười thần thánh để rồi những nụ cười trên môi của những người dân làm du lịch nơi này đã như một lời hẹn gặp lại!

"Khởi đầu là Nụ cười thần thánh để rồi những nụ cười trên môi của những người dân làm du lịch nơi này đã như một lời hẹn gặp lại!

Có thể bạn quan tâm

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Black Friday là gì và tại sao người tiêu dùng lại “mê” ngày lễ mua sắm này đến vậy?

Black Friday là gì và tại sao người tiêu dùng lại “mê” ngày lễ mua sắm này đến vậy?

Black Friday, thường diễn ra vào ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn tại Mỹ, là khởi đầu cho mùa mua sắm cuối năm ở nhiều quốc gia. Ngày này được biết đến với những đợt giảm giá lớn và ưu đãi hấp dẫn tại các cửa hàng và trang thương mại điện tử, thu hút hàng triệu người mua sắm trên toàn cầu…