Thaco “chống lưng” HAGL: "Nhà đầu tư dũng cảm"?

Trong khi nợ vay chiếm hơn 55% tổng tài sản Thaco vẫn quyết làm “nhà đầu tư dũng cảm” gánh vác một doanh nghiệp có nợ vay vượt nhiều lần tài sản ngắn hạn là HAGL.

Mới đây, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – mã: HAG) và CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết rất đồng tình với cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối này. Trong đó Thaco theo Thủ tướng là “chú rể” đầy rẫy đam mê, còn HAGL là “cô dâu” có quyết tâm lớn, như vậy “cuộc hôn nhân” này kỳ vọng sẽ vực dậy Tập đoàn nông nghiệp cũng như nền nông nghiệp Việt Nam.

Chuyện nợ

Theo BCTC hợp nhất quý I/2017 của Thaco, trong kỳ, Thaco đạt 13.246,8 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng khoảng 3,6% so với cùng kỳ; trong đó doanh thu bán xe đạt 12.312 tỷ đồng, tăng 1.068,2 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong khi đó, nguồn thu từ mảng kinh doanh bất động sản lại thụt lùi, chỉ còn 783,6 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ.

Dù tổng doanh thu tăng, nhưng giá vốn hàng bán chiếm tới hơn 81% doanh thu và tốc độ tăng giá vốn nhanh hơn tốc độ tăng của doanh thu nên đã dẫn tới lợi nhuận gộp của Thaco chỉ còn 2.485,5 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1.052,2 tỷ đồng, giảm hơn 237 tỷ đồng. Như vậy, so với quý I/2017, kỳ vừa rồi, kết quả kinh doanh của Thaco sụt lãi tới 18,4%.

Đáng chú ý, tính tới ngày 31/3/2018, nợ phải trả của Thaco đạt 34.029 tỷ đồng, chiếm hơn 55% tổng tài sản. Trong đó, nợ ngắn hạn đạt 31.738 tỷ đồng, nợ dài hạn 2.290 tỷ đồng. Tổng tài sản Thaco tính tới ngày đạt 61.682 tỷ đồng, tăng 1,9% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 64% đạt 39.365 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở hàng tồn kho 27.251 tỷ đồng và phải thu ngắn hạn 9.949 tỷ đồng.

Tài sản dài hạn của công ty đạt hơn 22.316 tỷ đồng, chiếm 36% cơ cấu tổng tài sản, chủ yếu là tài sản cố định 8.944 tỷ đồng, và tài sản dở dang dài hạn đạt 6.984 tỷ đồng.

Theo báo cáo, chi phí xây dựng dở dang của Thaco nằm tại 14 dự án, gồm 3.507 tỷ đồng chi phi tại dự án BT 4 tuyền đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (tổng mức đầu tư khoảng 8.265 tỷ đồng); hơn 1.802 tỷ đồng chi phí tại dự án phức hợp thương mại và văn phòng; và 1.275 tỷ đồng tại dự án Nhà máy Thaco - Mazda và một số dự án khác.

Về HAGL, tính đến 30/6/2018, tổng nợ ghi nhận là 36.851 tỷ đồng, trong đó nợ vay cả ngắn và dài hạn chiếm hơn 23.161 tỷ đồng, gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu.

Kết thúc quý II/2018, tài sản ngắn hạn của HAGL đạt 8.002 tỷ đồng, giảm hơn 800 tỷ đồng so với đầu năm, trong khi nợ ngắn hạn là 13.673 tỷ đồng, vượt 5.671 tỷ đồng tài sản ngắn hạn. Điều này khiến kiểm toán mới đây đã lưu ý khả năng hoạt động liên tục của HAGL khi cuối năm 2017, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn.

Như vậy, thỏa thuận của Thaco – HAGL thực tế là sự kết hợp giữa hai doanh nghiệp có nợ rất lớn, đặc trưng nợ - vả cả đặc trưng hoạt động của mỗi doanh nghiệp – là rất khác nhau.

Đôi bạn cùng tiến

Trong thỏa thuận đầu tư với HAGL có một điểm quan trọng là cá nhân ông Dương sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc tái cấu trúc tập đoàn HAGL trong đó bao gồm cơ cấu nợ và thu xếp vốn để thực hiện chiến lược phát triển bền vững.

Theo thỏa thuận, CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh – đơn vị thành viên của Thaco – quyết định đầu tư để sở hữu 51% và sẽ tiếp tục nâng lên 65% HAGL Myamar, với số vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thaco và nhóm cổ đông của Thaco sẽ sở hữu 35% vốn điều lệ HAGL Agrico, với tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. 

Theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL, Thaco cam kết sẽ thu xếp để cơ cấu lại các khoản nợ vay khoảng 14.000 tỷ đồng và huy động vốn đầu tư vào việc chăm sóc diện tích trồng cây ăn trái đã có cũng như trồng mở rộng, tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 dự án Myanmar. Như vậy, tổng số tiền Thaco đầu tư vào các công ty Hoàng Anh Gia Lai khoảng 22.000 tỷ đồng, xấp xỉ một tỷ USD.

Cũng theo ông Đoàn Nguyên Đức, sau thời gian mạnh dạn chuyển hướng sang trồng cây ăn trái với diện tích lên đến 12.000 ha, công ty đã bắt đầu thu hoạch và xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD mỗi năm. Mặc dù có tín hiệu khả quan nhưng HAGL vẫn gặp khó khăn về thanh khoản, giá cổ phiếu giảm sâu, đối diện với nguy cơ bị bán giải chấp để trả nợ cho các khoản vay đến hạn.

 Dù đã lần lượt bán đi tài sản lớn như bất động sản, khoáng sản, thủy điện, mía đường…, nhưng cấu trúc tài chính, kết quả kinh doanh của HAG, HNG không được cải thiện nhiều.

Với thương vụ này, Bầu Đức cất được gánh nặng tài chính đeo đẳng nhiều năm qua. Nhưng Thaco được gì và vì sao họ mạnh dạn rót vốn khủng vào HAGL trở thành câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Theo một chuyên gia kinh tế nhận định, trong thương vụ này, nếu xét về tài chính thì HAGL có vẻ được lợi lớn hoặc tương quan đôi bên cùng thắng. Tuy nhiên, trên thực tế, cái Thaco nhận được thậm chí còn lớn hơn  ở góc độ thương hiệu, kinh nghiệm và quỹ đất để phát triển nông nghiệp.

Điểm đáng lưu ý nữa, với lợi thế là dòng tiền luân chuyển tốt do thống lĩnh thị trường ô tô, nhưng xét về “chuyện nợ nần” Thaco chưa chắc đã “kém” HAGL.

Việc hợp tác và có dòng “tiền tươi” và tư duy quản trị của Thaco, trong hiện tại HAGL có thể tự tin sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn một cách ngoạn mục, nhưng những bước đi tiếp theo của “ông lớn” một thời “sa cơ” vẫn còn phải chờ.

Về nguyên tắc, doanh thu của Đại Quang Minh và Thaco từ bất động sản chưa lớn, trong khi đầu tư thì đã rất lớn. Điều này phản ảnh một phần trong nợ phải trả của Thaco đạt 34.029 tỷ đồng, chiếm hơn 55% tổng tài sản.

Như vậy, không khó để hình dung Thaco sẽ chủ yếu tiếp tục đi vay, bảo lãnh…khi “gánh thêm” bài toán nợ của HAGL.

Trong khi đó, gần như toàn bộ doanh thu của Thaco phụ thuộc vào ôtô, xa hơn là những ưu đãi chính sách dành cho ôtô trong nước. Đó vừa là lợi thế, nhưng cũng là rủi ro tiềm tàng với hoạt động của doanh nghiệp này. 

>> Hành trình kêu gọi hợp tác từ Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương của bầu Đức

Có thể bạn quan tâm