Tháng 6, tháng 7 “săn hàng” trả cổ tức cao mùa chốt quyền

Trong bối cảnh thị trường đang ở vũng trũng thông tin, nhiều cổ phiếu đã tăng vọt từ đầu năm, việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư giai đoạn này khá khó khăn.

Chiến lược đầu tư giai đoạn này là chọn lựa các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng vượt trội trong ngành hoặc các doanh nghiệp trả cổ tức lớn.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chiến lược đầu tư kiểu “DOW 10 strategy” đã được chứng minh là một trong những chiến lược đầu tư hiệu quả nhất mọi thời đại, theo chiến lược này khi nhà đầu tư mua 10 cổ phiếu trả cổ tức cao nhất ở chỉ số trung bình DOW JONES đạt hiệu suất sinh lời không chỉ vượt trội chỉ số này, mà vượt cả chỉ số S&P 500.

Chiến lược đầu tư vào các cổ phiếu trả cổ tức cao có khả năng mang lại lợi suất sinh lời vượt trội so với trung bình của thị trường. Trong bối cảnh thị trường đang ở vùng trũng thông tin, các nhà đầu tư có thể quay lại áp dụng trường phái đầu tư giá trị, với chiến lược đầu tư tăng trưởng, nắm giữ cổ phiếu với tầm nhìn trung hạn hơn là việc đầu cơ cổ phiếu.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, qua thống kê số liệu trên sàn giao dịch 2 năm gần đây (2015, 2016) thì các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành dược phẩm, tiêu dùng, phân phối, thực phẩm, thép, bảo hiểm, hàng không… có xu hướng trả cổ tức cao hơn cả.

Có những cổ phiếu tăng trưởng đều qua các năm cả về tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận mà vẫn duy trì cổ tức cao như: VNM, BMP, HPG, FPT... Đây đều là những doanh nghiệp đầu ngành, với tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm.

Xu hướng hiện nay các doanh nghiệp muốn tăng vốn điều lệ bằng cách trả cổ tức bằng cổ phiếu như Hòa Phát (HPG), Cảng Hải An (HAH) trả cổ tức 50% bằng cổ phiếu, Tàu cao tốc Superdong Kiên Giang (SKG) trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 40%, hay thưởng cổ phiếu như BMP tỷ lệ 80%, HAX tỷ lệ 60%...

Tùy từng thời điểm và từng doanh nghiệp mà nhà đầu tư “ngại” nhận cổ tức bằng cổ phiếu bởi sợ pha loãng EPS, nhưng với những doanh nghiệp cô đặc, tỷ lệ free-float thấp hay giá quá cao, nhà đầu tư lại chờ đợi các đợt chia thưởng khi kỳ vọng vào các dự án công ty cần sử dụng vốn sắp tới. Tất nhiên, việc thưởng hay trả cổ tức bằng cổ phiếu phải dựa trên việc doanh nghiệp có thặng dư vốn lớn mới thực hiện được.

Một số doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt cao thuộc về nhóm các cổ phiếu trong ngành hàng không. Tại CTCP dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng (MAS), mức chia cổ tức 2016 là 116%. Công ty CP dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCT) có mức chia cổ tức 100% cho năm 2016. Cổ tức của Công ty CP dịch vụ sân bay quốc tế Cam Ranh (CIAS) năm 2016 là 59%.

CTCP Hàng không Vietjet (VJC) dù mới lên sàn nhưng đã có mức cổ tức tới 119% cho năm 2016 bao gồm 87% cổ phiếu và 32% tiền mặt. Năm 2015 hãng hàng không này có mức chia cổ tức 65%, trong đó cổ phiếu 20%, tiền mặt 45%.

Vietjet đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu 53%, với trên 40.000 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 36%, lên tới gần 3.400 tỷ đồng so với năm 2016, tốc độ tăng trưởng cao và đều đặn và thị phần mở rộng trong ngành hàng không.

Với lượng tiền mặt dồi dào lên đến gần 2.800 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính quý 1/2017, ban lãnh đạo Vietjet mới đây thông báo tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2017 cho cổ đông với tỷ lệ 20% bằng tiền. Trong các doanh nghiệp hàng không trên sàn HOSE, Vietjet là doanh nghiệp dẫn đầu.

Nhà đầu tư đánh giá cao các doanh nghiệp có khả năng trả cổ tức lớn cho cổ đông cả bằng tiền và bằng cổ phiếu. Điều này cho thấy doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính và nguồn tiền để trả cổ tức bằng tiền mặt, nhưng cũng có các cơ hội đầu tư mới để mở rộng quy mô của doanh nghiệp.

Theo Hải Thanh/ Trí thức trẻ

>> VNM ETF bất ngờ loại PVD và PVS, thêm mới cổ phiếu ROS

Có thể bạn quan tâm