Ngày 16/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1538/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040 với mục tiêu xây dựng TP.Thủ Đức trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính quan trọng của TP.HCM và quốc gia.
Theo Quyết định, phạm vi nghiên cứu trực tiếp gồm toàn bộ địa giới hành chính TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM với tổng diện tích khoảng 211 km2. Phạm vi nghiên cứu gián tiếp gồm các quận huyện thuộc TP.HCM và 2 tỉnh giáp ranh là Đồng Nai và Bình Dương.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm đề xuất định hướng phát triển phù hợp với cấu trúc, định hướng phát triển không gian của TP.HCM và vùng TP.HCM; đáp ứng mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính quan trọng của TP.HCM và quốc gia.
Theo nhiệm vụ quy hoạch chung thì TP.Thủ Đức là đô thị loại I trực thuộc TP.HCM, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao; trung tâm phía đông của TP.HCM về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo.
TP.Thủ Đức sẽ là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển. Phát triển đô thị tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, tài chính và thương mại - dịch vụ; có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số của thành phố và vùng TP.HCM.
Thủ Đức cũng sẽ là đầu mối kết nối khu trung tâm hiện hữu TP.HCM với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các đô thị, khu chức năng trọng điểm phía Đông của vùng TP.HCM.
Quy hoạch hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; có văn hóa đặc trưng trên cơ sở bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước; phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Bên cạnh đó, quy hoạch chung TP.Thủ Đức còn đặt mục tiêu tạo điều kiện để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở chuyển đổi và phát triển hạ tầng số.
Dự kiến đến năm 2030 dân số toàn TP.Thủ Đức đạt khoảng 1,5 triệu người; năm 2040 đạt khoảng 2,2 triệu người, hướng đến 3 triệu người sau năm 2040.
Từ mục tiêu trên, yêu cầu trọng tâm đối với công tác lập quy hoạch TP.Thủ Đức là rà soát quy hoạch chung TP.HCM và các quy hoạch chuyên ngành đã được triển khai thực hiện trên địa bàn TP.Thủ Đức. Trên cơ sở phân tích, đánh giá việc triển khai thực hiện quy hoạch chung TP.HCM năm 2010 trên địa bàn, tập trung vào việc thực hiện các định hướng phát triển tại khu đô thị hướng Đông TP.HCM với vai trò là trung tâm mới mở rộng của thành phố (Khu đô thị mới Thủ Thiêm) và là Khu đô thị khoa học công nghệ, hạt nhân là Khu Công nghệ cao và Khu Đại học quốc gia.
Đồng thời, dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, trong bối cảnh phát triển của TP.HCM và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển, bám sát các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển không gian TP.HCM, chủ trương phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao, đô thị thông minh, đô thị phát triển bền vững.