Thanh tra KĐT Trung Hòa - Nhân Chính: Vinaconex, Handico6 vi phạm gì?

Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt vấn đề trong việc quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch
Thanh tra KĐT Trung Hòa - Nhân Chính: Vinaconex, Handico6 vi phạm gì?

Lập dự án sai quy hoạch

Thanh tra Bộ Xây dựng mới đây ban hành Kết luận số 39 thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội; Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội; loạt các chủ đầu tư dự án có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và quản lý xây dựng khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội).

Cơ quan thanh tra đã chỉ ra hàng loạt vấn đề trong việc quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính thuộc địa giới hành chính quận Cầu Giấy và quận Thanh Xuân, có 2 khu chính: Khu 12,8 ha do Handico6 là chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và khu 34 ha do Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - thời điểm đó là doanh nghiệp Nhà nước) làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Trong đó, ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính do Vinaconex làm chủ đầu tư, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tiến hành kiểm tra 7 dự án, công trình.

Qua kiểm tra, cơ quan thanh tra phát hiện vi phạm nghiêm trọng ở Khu công viên giải trí số 1 - lô đất CX2 (dự án này đã được Vinaconex chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Bể bơi thông minh với giá gần 12 tỷ đồng).

duong-le-van-luong-9-1591787609946.jpg

Cơ quan thanh tra đã chỉ ra hàng loạt vấn đề trong việc quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Ảnh: Đỗ Quân).

Cụ thể, tại dự án này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc 2 lần điều chỉnh, UBND TP Hà Nội 6 lần điều chỉnh quy hoạch sai quy định của pháp luật, tính mật độ xây dựng sai QCXDVN, đã điều chỉnh ô đất CX2 từ trồng cây xanh, sân bãi thể thao, cho phép kết hợp các dịch vụ nhỏ phục vụ nhu cầu thể thao, sách báo, bưu điện… thành xây dựng kết hợp công trình có diện tích xây dựng 139 m2, diện tích sàn 285 m2, rồi bổ sung bãi đỗ xe ngầm phía dưới vườn hoa cây cảnh, điều chỉnh từ bể bơi ngoài trời thành bể bơi có vách và mái che di động, điều chỉnh từ 2 tầng hầm thành 4 tầng hầm, thành nhà điều hành 2 tầng, bể bơi bốn mùa có mái che, 2 tầng hầm dịch vụ và đỗ xe, rồi điều chỉnh không xây dựng tầng hầm đỗ xe dưới diện tích công viên cây xanh, bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng tại diện tích 2.682 m2 ô CX2-A dẫn đến giảm diện tích cây xanh, vi phạm quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

Cũng theo kết luận, Vinaconex lập dự án Khu công viên giải trí số 1 sai quy hoạch, UBND TP Hà Nội cho phép Vinaconex chuyển nhượng dự án cho Công ty cổ phần bể bơi thông minh khi Vinaconex lập, phê duyệt sai quy hoạch.

"Chủ đầu tư xây dựng công trình, hạng mục công trình sai quy hoạch, UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Trung Hòa, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận không xử lý triệt để các vi phạm", kết luận thanh tra nêu rõ. Do chủ đầu tư xây dựng công trình sai quy hoạch, cũng chưa đủ cơ sở để được miễn giảm tiền sử dụng đất.

Tại dự án này, Thanh tra Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc theo thẩm quyền tổ chức, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm nghiêm trọng, đồng thời nghiên cứu việc dừng xây dựng nhà cộng đồng dân cư, có biện pháp khắc phục đảm bảo chỉ tiêu cây xanh hiện đang thiếu rất nghiêm trọng tại khu đô thị.

Điều chỉnh thêm tầng cao, không đáp ứng hạ tầng

Tại dự án Trung tâm dịch vụ thời trang cao cấp và hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống tại ô đất CN do Vinaconex làm chủ đầu tư, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng phát hiện một số vi phạm.

Cụ thể, công trình đã hoàn thành và đưa sử dụng năm 2016, nhưng ngày 12/6/2018, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có văn bản đề nghị UBND Thành phố Hà Nội xem xét điều chỉnh. Ngày 24/7/2018, Văn phòng UBND TP Hà Nội có văn bản số 186 thông báo kết luận của UBND TP Hà Nội thống nhất về nguyên tắc điều chỉnh, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục điều chỉnh.

Ngày 15/11/2018, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có văn bản số 7028 hướng dẫn thủ tục điều chỉnh quy hoạch, đã điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên đường Lê Văn Lương phê duyệt năm 2016 ô đất có chức năng dịch vụ thành gara, văn phòng, thương mại, dịch vụ; diện tích đất từ 3.611 m2 thành 3.465 m2, diện tích xây dựng từ 1.774,2 m2 thành 1.686 m2; mật độ xây dựng từ 40,75% thành 49%, tầng cao từ 3 tầng thành 24 tầng.

Do việc điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán sự đáp ứng hạ tầng, Thanh tra Bộ Xây dựng đã kết luận việc này vi phạm Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Cũng tại dự án này, cơ quan thanh tra phát hiện chủ đầu tư xây dựng sai tổng mặt bằng, phương án kiến trúc được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận.

Tương tự, tại dự án Trung tâm dịch vụ số 2 tại ô đất TN2 do Vinaconex làm chủ đầu tư, qua kiểm tra cũng phát hiện vi phạm. Cụ thể, chủ đầu tư xây dựng công trình sai tổng mặt bằng, phương án kiến trúc được chấp thuận.

Theo quy hoạch, công trình 3 tầng nhưng thực tế công trình có 3 tầng nổi và một tầng hầm. Quy hoạch là khu vực lối vào và sân vườn, hiện trạng là công trình một tầng, diện tích khoảng 135 m2.

Vinaconex cũng có trách nhiệm khi không quản lý, Công ty Cổ phần Hợp tác đầu tư Phúc Thanh xây dựng, cải tạo, sử dụng công trình sai tổng mặt bằng, phương án kiến trúc được chấp thuận.

Cơ quan thanh tra đã đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy theo thẩm quyền tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm.

Tại dự án cải tạo, mở rộng quy mô đào tạo Trường mầm non Lý Thái Tổ tại ô đất NT2, chủ đầu tư cũng bị chỉ ra việc xây dựng cải tạo 2 hạng mục công trình sau quy hoạch được duyệt. Dự án cải tạo Trường tiểu học Lý Thái Tổ, chủ đầu tư cũng xây dựng sai quy hoạch được duyệt.

Điều chỉnh "chóng mặt", từ 6 tầng thành 39 tầng

Kiểm tra tại 5 dự án, công trình Handico6 làm chủ đầu tư, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ nhiều vi phạm.

Trong đó, tại dự án Trung tâm thương mại - dịch vụ công cộng và nhà ở tại lô đất C1 (tên thương mại là Diamond Flower Tower), UBND TP Hà Nội một lần điều chỉnh quy hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc điều chỉnh 3 lần tổng mặt bằng, phương án kiến trúc sai quy định.

Đã điều chỉnh chỉ tiêu cụ thể như sau: Hệ số sử dụng đất từ 1,24 lần thành 4,3 lần, thành 1,92 lần, thành 6 lần, rồi thành 13,4 lần. Mật độ xây dựng từ 31% thành 39,2%, thành 31%, thành 40%, rồi thành 40,05%. Tầng cao tối đa từ 6 tầng thành 21, 30, 36 rồi thành 39 tầng. Chức năng từ thương mại - dịch vụ công cộng điều chỉnh thành công cộng thành phố, thành trung tâm thương mại - dịch vụ cao cấp - nhà ở cho thuê rồi thành trung tâm thương mại - dịch vụ cao cấp - nhà ở, dân số tăng thêm 912 người (tạm tính 228 căn X 4 người/căn).

Bản vẽ cấp phép thể hiện từ tầng 2 đến tầng 5 văn phòng cho thuê là sai với phương án kiến trúc được chấp thuận tại văn bản số 2966 ngày 26/8/2011.

Về quản lý xây dựng theo quy hoạch xây dựng được duyệt, theo giấy phép xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, các hành vi vi phạm của chủ đầu tư đã được Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, quyết định xử phạt, báo cáo UBND TP Hà Nội nhưng đến thời điểm thanh tra (tháng 9/2020) chưa xử lý triệt để.

Còn tại ô đất C2 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Handico6 bị nêu tên khi lập dự án chậm 16 năm. Các sở ngành có liên quan đã thiếu kiểm tra, giám sát, không báo cáo đầy đủ với UBND TP Hà Nội để có biện pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án để đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu của dân cư trong khu đô thị.

Cũng theo kết luận thanh tra, Handico6 đã xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại Văn bản số 141 năm 2014 theo hướng tăng các chỉ tiêu quy hoạch, thêm chức năng văn phòng làm việc và nhà ở, là không thực hiện đầy đủ việc xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội, không triển khai thực hiện dự án dẫn đến thiếu công trình phục vụ cư dân.

Xem thêm

Handico 6 bị phạt vì chậm lên sàn

Handico 6 bị phạt vì chậm lên sàn

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định về việc xử phạt CTCP Đầu tư và Phát triển nhà Số 6 Hà Nội (Handico 6) do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…