Tháo gỡ nút thắt nhà ở xã hội Thủ đô

Dù được chính quyền thành phố quan tâm, nhưng việc phát triển nhà ở xã hội tại thành phố Hà Nội còn hạn chế, lượng cung không đủ cầu...

can-canh-du-an-nha-o-xa-hoi-az-thang-long-ban-26-lan-chua-het-7-13194649.jpg
Một dự án nhà ở xã hội

Hà Nội như miền đất hứa của người lao động, mỗi năm, thành phố đón hàng nghìn người dân tới để học tập, làm việc. Nên nhu cầu mua nhà ở xã hội tại đây rất lớn, tuy nhiên, nguồn cung lại chưa đáp ứng đủ.

KHỔ SỞ VỚI GIẤC MƠ CÓ NHÀ

Gia đình anh Quân (32 tuổi, Thanh Xuân) đang chật vật trong việc mua nhà ở xã hội. Năm ngoái anh có nộp hồ sơ đăng ký mua dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn, nhưng không mua được do tỷ lệ cạnh tranh rất lớn.

“Hai vợ chồng đi làm 1 tháng được xấp xỉ được 20 triệu, vẫn cố gắng bám trụ ở Thủ đô. Dù vậy tôi vẫn đau đáu trong lòng về việc nhà cửa, có an cư mới lạc nghiệp được. Mà hiện nay, nhà ở giá cao, thu nhập vợ chồng tôi lại thấp, còn mua nhà ở xã hội lại rất khó khăn”, anh Quân tâm sự.

Không chỉ gia đình anh Quân, hiện nay, nhiều người lao động vẫn đang trầy trật với giấc mơ có căn nhà để ở. Chia sẻ với phóng viên, chị Thu Hiền (35 tuổi, Hoàng Mai) rất mong thành phố sớm triển khai các dự án nhà ở xã hội, tạo ra nhiều nguồn cung cho những người dân có thu nhập thấp như chị có 1 căn hộ nhỏ để xây dựng kinh tế.

Theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, hiện Hà Nội có 40 dự án được triển khai, trong đó 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025 với khoảng 870.000m2 sàn, dự kiến hơn 12.000 căn hộ. Còn 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 22.400 căn hộ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, Hà Nội chỉ có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với khoảng 5.300 căn hộ.

Trong khi đó, nhà ở xã hội hiện là loại hình chiếm đến 80% nhu cầu của người dân, tuy nhiên trong thời gian qua, nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, để bổ sung thêm quỹ nhà ở xã hội, phục vụ cho những người dân có thu nhập thấp, thành phố Hà Nội đang tiếp tục rà soát những quỹ đất, đề xuất phương án xây nhà ở xã hội mới.

Đồng thời, rà soát điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất đồng bộ với các thiết chế công đoàn phục vụ cho nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp, công nhân và người lao động.

nha-o-xa-ho-i-9408-1657262282-4873-8720-1693382057.jpg
Còn nhiều khó khăn trong việc xây dựng nhà ở xã hội

Thực tế, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, định hướng chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp…

Cụ thể, Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đã xác định mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư 1 - 2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2 - 3 khu.

Đặc biệt, trong Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, thành phố Hà Nội sẽ dành hơn 220 tỷ đồng để hoàn thiện và điều chỉnh các tòa nhà đang bỏ hoang hơn chục năm tại dự án ký túc xá cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội.

Tại hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hiện các dự án xây dựng, phát triển nhà ở xã hội.

Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cho rằng, cần có quy định rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ở nói chung, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng. Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu thì cần có quy trình đấu thầu riêng, đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện với nhà ở xã hội.

Đối với khó khăn, vướng mắc về việc sử dụng nguồn tiền thu được từ tiền đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành hướng dẫn việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định.

ĐA DẠNG NGUỒN VỐN ĐỂ XÂY DỰNG NHÀ Ở XÃ HỘI

Chia sẻ tại hội thảo khoa học “Xây dựng trong thời đại công nghệ số”, Ths. Nguyễn Hữu Nhã, Khoa Quản lý đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã chỉ ra những hạn chế khiến nhà ở xã hội tại Hà Nội chưa phát triển đúng mực.

Thứ nhất, thành phố chưa quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển nhà xã hội, nhà công nhân. Thứ hai, chưa chủ động dành đất để phát triển nhà xã hội khi phê duyệt quy hoạch theo quy định của Luật Nhà ở.

“Nhiều nơi chỉ trông chờ vào đất 20 % và dành cho nhà ở xã hội trong các dự án thương mại, dự án phát triển đô thị. Nhưng quỹ đất dành cho nhà ở xã hội thông qua dự án phát triển thương mại, phát triển đô thị thường rất hạn chế”, ông Nhã phân tích.

459486851_946982624137157_4968034758487008853_n.jpg
Ths. Nguyễn Hữu Nhã, Khoa Quản lý đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội trình bày tại hội thảo

Có những chủ đầu tư dự án bố trí quỹ đất 20% ở vị trí không thuận lợi hoặc trì hoãn hoàn thành đầu tư hạ tầng. Thêm nữa, quy định của pháp luật về nhà ở xã hội, chủ đầu tư được phép nộp tiền thay cho việc trích 20% quỹ đất .

Liên quan đến quy định về phát triển nhà xã hội trong quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội nhiều chuyên gia và các nhà khoa học cũng cho rằng, quy định này thực tế không thực sự hiệu quả.

Bởi việc điều tiết nhà xã hội thông qua các chính sách hỗ trợ không đủ, hấp dẫn, khó thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà xã hội nên một số chủ đầu tư giữ đất nhiều năm, chưa triển khai đầu tư xây dựng.

Theo vị giảng viên, quỹ đất 20% gắn với các khu đô thị, khu dân cư mới cũng đang gây khó khăn trong công tác xây dựng nhà ở xã hội lẫn phát triển và thương mại. Vì nhiều chủ đầu tư e ngại xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời, nhà thương mại sẽ bị giảm giá trị dự án và giá bán căn hộ thương mại không đạt hiệu quả.

Để phân khúc nhà ở xã hội phát triển mạnh mẽ, giúp người dân lao động sớm có nhà, Ths. Nguyễn Hữu Nhã đề xuất thành phố cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở thành phố và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch theo quy định, đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội thành phố.

Trong quá trình thực hiện các dự án, các đơn vị liên quan nên nghiên cứu xây dựng quy định chế tài xử lý nghiêm đối với các nhà đầu tư năng lực kém, cố tình chây ì việc chậm đầu tư xây dựng dự án; vi phạm nghiêm trọng hoặc đang vi phạm mà chưa xử lý triệt để trong quản lý, vận hành, sử dụng chung cư và được tham gia các dự án nhà mới ở trên địa bàn

“Không những vậy, trong quá trình thành phố quy hoạch các công ty, xây dựng điểm dân, khu nông thôn, khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở đảm tạo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt”, giảng viên Khoa Quản lý đô thị đưa ra kiến nghị.

Về đất đai cần rà soát, tổng hợp với đất trên địa bàn thành phố đề xuất thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà tái định cư và đấu giá quyền sử dụng đất, tạo vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Thành phố cũng nên tiếp tục đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất, công nghiệp, bệnh viện gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành mà không còn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch để tạo ra quỹ đất phát triển đô thị, nhà ở. Kiên quyết thu hồi, xử lý nghiêm các dự án chậm triển khai đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng hoặc vi phạm pháp luật về đất đai.

noxh171810359183101718103693-1-1462-5940-1721364683.jpg
Nên nghiên cứu xây dựng quy định chế tài xử lý nghiêm đối với các nhà đầu tư năng lực kém, cố tình chây ì việc chậm đầu tư xây dựng dự án

Đối với nguồn lực, bố trí hợp lý nguồn ngân sách thành phố, trong đó có việc sử dụng hiệu quả nguồn từ tiền thu được từ quỹ đất 20% đất xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà xã hội cho các đối tượng chính sách, công nhân, người lao động tại các khu, khu công nghiệp, nhà ở học sinh, sinh viên.

Ông Nhã còn chia sẻ thêm, nên huy động nguồn vốn xã hội hóa để phát triển nhà ở thông qua nhiều hình thức. Đồng thời, huy động tài chính quốc tế, tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài tham gia vào phát triển xã hội.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…