Thay đổi hướng tuyến dự án đường sắt TP. HCM – Cần Thơ

Điều chỉnh hướng tuyến thay vì đi vào khu dân cư đông đúc, khu công nghiệp khó giải tỏa mặt bằng và giá đền bù lại cao, thì nay sẽ cặp theo hành lang bên phải đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận.
Thay đổi hướng tuyến dự án đường sắt TP. HCM – Cần Thơ

UBND TP. HCM vừa có văn bản khẩn gửi Bộ GTVT về tuyến đường sắt TP. HCM – Cần Thơ theo đề xuất của Viện khoa học và công nghệ Phương Nam.

Theo đó, UBND TP. HCM thống nhất thay đổi hướng tuyến dự án đường sắt TP. HCM - Cần Thơ theo đề xuất mới đây của Viện khoa học và công nghệ Phương Nam.

Trước đó, Viện khoa học và công nghệ Phương Nam đã hoàn tất báo cáo cuối cùng gửi UBND TP. HCM và Bộ GTVT về đề xuất điều chỉnh hướng tuyến dự án tuyến đường sắt tốc độ cao TP. HCM - Cần Thơ sau 7 năm nghiên cứu.

Cụ thể, theo quy hoạch chi tiết đường sắt TP. HCM - Cần Thơ trước đây, tuyến bắt đầu từ ga hàng hóa An Bình (Dĩ An, Bình Dương) đến Cần Thơ với chiều dài 173,677km gồm 14 ga.

Còn nay, Viện khoa học và công nghệ Phương Nam đã đề xuất điều chỉnh hướng tuyến thay vì đi vào khu dân cư đông đúc, khu công nghiệp khó giải tỏa mặt bằng và giá đền bù lại cao, thì nay sẽ cặp theo hành lang bên phải đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận.

Bổ sung đầu tư xây dựng 9 ga đô thị thành 9 thành phố vệ tinh của các tỉnh thành có đường sắt đi qua. Trong đó, nhà ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP. HCM) được đề xuất bổ sung chức năng khu đô thị phát triển theo hướng giao thông công cộng (TOD) với tổng diện tích 352 ha.

Như vậy, theo báo cáo đề xuất mới nhất, tuyến đường sắt tốc độ cao TP. HCM - Cần Thơ có tổng chiều dài 134,9km và đi qua 5 tỉnh thành gồm: TP. HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ với 9 nhà ga có điểm đầu là ga Tân Kiên (TP. HCM) và điểm cuối là ga Cần Thơ (TP. Cần Thơ).

Sau khi xem xét đề xuất trên, UBND TP. HCM nhận thấy việc điều chỉnh là cần thiết, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay của TP. HCM và các tỉnh.

Bên cạnh đó, việc đề xuất đầu tư xây dựng các ga đường sắt thành các ga đô thị để phát triển đô thị dọc các tuyến đường sắt theo mô hình TOD là phù hợp. Việc này nhằm phát huy hiệu quả đầu tư các tuyến đường sắt, thu hút hành khách sử dụng phương tiện vận chuyển khối lượng lớn, phát triển đô thị theo xu hướng tích hợp, đầu tư khai thác hạ tầng đô thị hiệu quả.

Trên cơ sở đó, UBND TP. HCM kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam để xem xét các nội dung đề xuất nêu trên trong quá trình nghiên cứu Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP. HCM - Cần Thơ theo quy định.

Tổng vốn đầu tư dự án tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ ước tính khoảng 10 tỷ USD. Hiện có 2 nhà đầu tư đến từ Mỹ và Anh quan tâm dự án này. Được biết, đến khi hoàn thành, nhà đầu tư khai thác 25 năm để hoàn vốn, sau đó chuyển giao Bộ GTVT.

Dự án được đề xuất sử dụng đường sắt đôi, khổ 1.435 mm - dành cho đường sắt cao tốc phổ biến trên thế giới, cho tàu chở khách chạy 200 km/h, tàu hàng 150 km/h.

Giá vé được đề xuất cho từng chặng, cụ thể TP. HCM - Long An 120.000 đồng/vé, từ TP. HCM đi Tiền Giang 280.000 đồng/vé, TP. HCM đi Vĩnh Long 325.000 đồng/vé, TP. HCM - Cần Thơ 400.000 đồng/vé.

Thực tế hiện nay, người dân phải mất khoảng 4 - 5 giờ để đi từ TP. HCM đến Cần Thơ bằng đường bộ do tắc nghẽn giao thông, tai nạn giao thông. Do đó đường sắt tốc độ cao sẽ giúp tiết kiệm đáng kể về thời gian dành cho chuyến đi, chỉ mất khoảng 45 phút/chuyến.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…