Thị trường bất động sản phục hồi nhưng môi giới đang hoạt động chỉ còn khoảng 30-40%

Thời gian qua, hoạt động mua bán trên thị trường bất động sản khá trầm lắng, tỷ lệ môi giới hoạt động trên thị trường vẫn còn khiêm tốn…
môi giới bất động sản
Nhiều môi giới chấp nhận nghỉ việc. Ảnh minh họa.

Giữa và cuối năm 2022, tỷ lệ môi giới bất động sản nghỉ việc khá lớn, do giai đoạn này thị trường khá ảm đạm, sức mua và lực bán đề giảm sút. Nhiều công ty cho môi giới nghỉ việc và số còn lại sống lay lắt vì thỉnh thoảng mới bán được hàng

Nghỉ nghề, tìm việc mới

Vợ chồng chị Linh Trang (32 tuổi, Hà Nội) trước đây là một môi giới bất động sản, mảng hoạt động chủ yếu của chị Trang là chung cư, còn chồng chị Trang, anh Đông làm bên đất nền. 

Chị hoạt động trong nghề được 5-6 năm, chồng cũng gần 10 năm. Thu nhập từ nghề của 2 vợ chồng thời gian trước khá “xông xênh”, đủ trang trải cho gia đình và có một khoản tiết tiết kiệm vừa phải. 

Tuy nhiên vào khoảng giữa năm 2022, thị trường bắt đầu chững lại, dự án mới mở bán rất ít, nên thu nhập từ nghề môi giới của 2 anh chị đã giảm đi rất nhiều, nhất là giai đoạn cuối năm 2022.

“Đỉnh điểm có 2 tháng liên tục mình không thể bán nổi một căn nào, không có thu nhập tăng thêm, nên cuộc sống gia đình bắt đầu khó khăn hơn. Dù có khoản tiết kiệm, nhưng mình không sẵn sàng lấy nó để chi tiêu hằng ngày được”, Linh Trang chia sẻ. 

Do thị trường chững lại, nên anh Đông đã chuyển sang nghề lái xe, còn chị Trang hiện đang là chủ một quán chè nhỏ, thu nhập từ 18-20 triệu/1 tháng đã trừ các chi phí. Chị cho biết, với số tiền từ kinh doanh chè và thu nhập nghề lái xe của chồng, gia đình chị cũng đủ trang trải cuộc sống. 

Được hỏi về việc có ý định quay trở lại với nghề không, chị Trang cười nói: “Chắc tôi nghỉ hẳn, buôn bán như thế này tôi có thời gian chăm sóc cho gia đình, còn chồng tôi, nếu thị trường phục hồi khả năng anh sẽ quay lại”. 

Cũng lựa chọn nghỉ hẳn nghề như chị Linh Trang, anh Duy Ngọc (29 tuổi, Hà Tĩnh) đang làm việc tại khu ở Đồng Nai. Ngọc kể, chỉ mới bén duyên với nghề được hai năm, do một người anh quen biết giới thiệu và cùng hợp tác làm ăn.

Thời gian đầu, Ngọc hoạt động các khu gần nhà, sau đó quen biết hơn anh đã mở rộng địa bàn làm việc. Đến đầu năm 2022 cơn sốt đất mạnh mẽ ở Hà Tĩnh, Ngọc quyết định vừa đầu tư, vừa làm môi giới. 

Tuy nhiên, không được bao lâu, thị trường chững lại, mối làm ăn của anh cùng những đồng nghiệp không mấy suôn sẻ. Hết sốt, cũng hết khách, môi giới Ngọc quyết định nghỉ đi vào Nam để tìm công việc mới. 

“May mắn cho tôi, là mấy mảnh đất ở quê đã bán được để thu hồi vốn, trả nợ vay mượn để đầu tư”, anh Ngọc bộc bạch. 

Không chỉ vợ chồng chị Linh Trang, anh Ngọc, còn rất nhiều nhân viên môi giới trong thời gian qua xác định bỏ nghề. Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) ước tính đến quý 1/2023, số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Cá biệt, tại một số khu vực, số lượng môi giới bất động sản tiếp tục nghỉ việc lên tới 80%.

Phần lớn môi giới bất động sản nghỉ việc đều thuộc nhóm "lính mới" hoặc tay ngang, điển hình là nhóm bắt sóng các đợt sốt ảo, quá "phấn khích" và duy trì song song hai trạng thái tay ngang vừa là "nhà đầu tư" vừa là môi giới.

Để tồn tại qua thời gian này, một số môi giới bất động sản đã tìm hướng mới bằng cách chuyển sang mảng cho thuê. Nhóm môi giới bất động sản chuyên nghiệp tuy có khó khăn nhưng vẫn bám trụ được với thị trường.

Hầu hết sàn giao dịch mới thành lập trong vòng 2 năm trở lại đây đều đóng cửa. Theo thống kê từ các sàn là hội viên của VARS, trong quý I, 30-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Đặc biệt, có khu vực con số này lên tới 80%.

Vẫn lựa chọn trụ lại

Trong lúc thị trường gặp nhiều khó khăn, nhiều môi giới chấp nhận bỏ việc, anh Thắng (40 tuổi, Hà Nội), một môi giới lâu năm vẫn bám trụ lại với nghề. 

môi giới
Vẫn còn nhiều người trụ lại với nghề. Ảnh minh họa

Anh Thắng tâm sự: “Dù thì trường có chững lại, mua bán ảm đạm thì tôi vẫn quyết định bán trụ lại với nghề, mặc dù doanh số chốt mua của tôi không nhiều như trước, nhưng cũng đủ cho tôi lo toan cuộc sống”.

Kể về lý do vẫn quyết định ở lại, anh Thắng chia sẻ, có thể do sự yêu nghề, hoặc không muốn thay đổi công việc mới vì quá quen và đặc biệt anh tin rằng thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi trở lại nên cố gắng tiếp tục. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ riêng anh Thắng, rất nhiều anh chị em trong nghề môi giới vẫn lựa chọn tiếp tục làm việc. Chia sẻ với phóng viên Thương Gia, anh Nguyễn Đình Hoàn (31 tuổi, Thanh Hóa) hiện vừa làm môi giới bất động sản về căn hộ chung cư, vừa cho thuê nhà cho biết: "Tôi vẫn là môi giới tại công ty, bên cạnh đó, tôi cùng một nhóm bạn tìm kiếm những nhà cho thuê nguyên căn, sau đó trang trí lại và cho khách hàng thuê với mức giá phù hợp”.

Hiện nay, số lượng nhân viên môi giới hoạt động trong nghề đã giảm đi rất nhiều so với năm 2022, nhiều người lựa chọn làm nhiều công việc để kiếm thêm thu nhập và bám nghề. 

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thời gian tới, các sàn giao dịch cần bám sát tình hình thị trường để có những điều chỉnh kịp thời, tránh tình trạng cho nhân viên nghỉ nhiều đến khi thị trường ấm lên lại không đủ nguồn lực triển khai hoạt động kinh doanh.

"Các sàn cần có biện pháp động viên, trấn an, hỗ trợ đội ngũ nhân sự "cứng" để đảm bảo giữ được đội ngũ nòng cốt, chuẩn bị cho thời kỳ sắp tới", ông Đính nêu.

Có thể bạn quan tâm