Trong 6 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán Việt đã trải qua quý I khởi sắc khi chỉ số Vn-Index vượt qua ngưỡng 1.000 điểm vào tháng 3 nhưng lại biến động mạnh trong quý II. kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6, chỉ số VN-Index và HNX-Index lần lượt tăng 6,53% và 0,81%.
Tuy nhiên, thị trường lại đang thiếu vắng sự tự tin của dòng tiền, trực tiếp bị ảnh hưởng bởi tâm lý thận trọng của giới đầu tư trong bối cảnh tình hình thế giới liên tiếp có nhiều rủi ro, biến động khó lường.
Tâm điểm mùa báo cáo bán niên
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thị trường đã có hơn 170 DN công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 trong đó có hơn 150 DN là hoạt động có lãi và gần 20 DN báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ.
Nổi bật nhất trong nhóm “ăn nên làm ra” phải kể đến ngành ngân hàng với những con số “kỷ lục” được công bố trong bối cảnh tín dụng bị siết chặt. Đầu tiên phải kể đến Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã: VCB) đã thông báo mức lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2019 ở mức 11.280 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – mã: TPB) cho biết kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ và đạt 50,6% kế hoạch đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) đã đề ra.
Ngoài ra những cái tên khác cũng có mức lợi nhuận khủng trong 6 tháng đầu năm như Ngân hàng TMCP quốc tế Việt Nam (VIB – mã: VIB) đạt 1.820 tỷ đồng, hoàn thành 54% kế hoạch năm; Ngân hàng TMCP quân Đội (MB – mã: MBB) có mức lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng đạt 4.306 tỷ đồng, hoàn thành 50,5% kế hoạch năm...
Trước hiệu ứng kết quả kinh doanh khởi sắc nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong thời gian gần đây. Trong nửa đầu tháng 7, cổ phiếu VCB liên tiếp lập đỉnh và chạm lên mức cao nhất trong suốt 1 năm qua, ấn định mức tăng tới hơn 47%. Các mã CTG (VietinBank), TCB (Techcombank), BID (BIDV), VIB ... cũng ghi nhận mức tăng tới hàng chục phần trăm chỉ trong những phiên giao dịch nửa đầu tháng 7.
Tại nhóm bất động sản, mặc dù đã sớm được dự báo về một năm 2019 tăng trưởng chậm nhưng các DN phân khúc bất động sản khu công nghiệp như CTCP khu công nghiệp Nam tân uyên (mã: NTC), CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (mã: D2D), CTCP Phát triển KCN Tín Nghĩa (mã: TIP)... vẫn duy trì được mức tăng trưởng tốt trong quý II/2019. Đáng chú ý nhất là Nam Tân uyên khi hoàn thành kế hoạch cả năm chỉ sau 6 tháng với lợi nhuận sau thuế đạt 130,53 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ, trong khi kế hoạch hoạch lợi nhuận cả năm là 130,2 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NTC vẫn miệt mài tăng giá hiện đang có mức giá là 185.900 đồng/cp, ghi nhận mức tăng 28,3% chỉ sau 15 phiên giao dịch. Tương tự D2D cũng tăng gần 19% từ mức giá 69.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) lên 81.800 đồng/ cp và tăng 141% so với đầu năm. Ngoài ra, một số ngành được đánh giá sẽ có những DN triển vọng tích cực bao gồm: Bán lẻ và công nghệ (MWG và FPT); thủy sản mà cụ thể là cá tra (VHC của Vĩnh Hoàn), dầu khí ...
"Theo thống kê, khối ngoại thường gia tăng tỷ trọng mua vào trong các tháng cuối năm.
Nhiều thông tin hỗ trợ
Mở màn cho quý III là tháng 7 với sự hỗ trợ đến từ kết quả kinh doanh bán niên, tuy sẽ có sự phân hóa nhưng từ những con số đã được công bố có thể thấy hầu hết những DN dẫn dắt đều có kết quả kinh doanh khả quan có thể hỗ trợ tốt cho thị trường. Hiện vẫn còn nhiều cái tên chưa công bố kết quả kinh doanh như các DN “họ Vin”, Masan, Sabeco, Vietinbank, BIDV... nhưng nhìn vào quy mô và lợi thế riêng các nhà đầu tư hoàn toàn có thể đoán trước được “bức tranh” lợi nhuận chỉ có thể là khả quan.
Rõ ràng kể từ khi bước vào những phiên giao dịch đầu tiên của quý III, thị trường chứng khoán Việt cũng đã có những bước hồi phục nhất định, chỉ số Vn-Index đã vượt qua ngướng 980 điểm, thanh khoản thị trường đã có sự chuyển biến.
Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, Việt Nam đã và đang trở thành thị trường chứng khoán hấp dẫn nhất khu vực với chỉ số P/E ở mức 17 (thấp nhất so với các thị trường khác) cùng với đó là nền kinh tế vĩ mô vẫn đang ở trong chu kỳ tăng trưởng tốt. Các FTA thế hệ mới như EVFTA hay CPTPP vẫn đang là những chất xúc tác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong nhiều trường hợp, các thông tin cơ bản sẽ bắt đầu phản ánh trước vào diễn biến giao dịch trên thị trường chứng khoán và sau đó dòng tiền lan tỏa dần trên thị trường khi mà niềm tin nhà đầu tư gia tăng, nhất là giai đoạn quý III.
Bên cạnh đó, những vấn đề quan trọng cũng đã có những tín hiệu khả quan hơn như FED có thể tiến hành giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bớt căng thẳng khi lãnh đạo hai nước tạm thời “ngừng chiến” để đàm phán.
Nếu diễn biến tích cực diễn ra sau hội nghị G20 , xu hướng chung của thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam có thể cải thiện trong quý III. Theo đó, dòng tiền nước ngoài hứa hẹn gia tăng tập trung vào các cổ phiếu lớn hỗ trợ cho chỉ số Vn-Index và VN30. Trong nửa đầu năm 2019, khối ngoại mua ròng trên sàn HoSE 10.143 tỷ đồng, bán ròng 310 tỷ đồng trên sàn HNX. Theo thống kê, khối ngoại thường gia tăng tỷ trọng mua vào trong các tháng cuối năm.
Tuy nhiên, chỉ là những nhận định của các chuyên gia, thị trường chứng khoán luôn biến động khó lường, các nhà đầu tư cũng không nên quá kỳ vọng vào một sự bứt phá mạnh của thị trường khi những rủi ro cốt lõi vẫn chưa được xóa bỏ và trong thời gian chờ đợi.
Ở các kênh tài sản khác, thị trường vàng liên tiếp tăng trong những tuần gần cùng với lãi suất tiền gửi của các ngân hàng đang dần “neo cao” đã hút bớt dòng tiền từ thị trường chứng khoán. Xu hướng này nếu tiếp tục diễn ra thì sẽ là yếu tố không tốt cho các kênh đầu tư như chứng khoán.
>> Dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán Việt