Thống đốc: Các tổ chức tín dụng phải thận trọng khi cho vay mới với các dự án bất động sản có kỳ hạn dài

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết tăng trưởng tín dụng của bất động sản cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Chiều ngày 28/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận về báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Cho ý kiến về tiếp cận tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, vốn đầu tư vào bất động sản cần được huy động từ nhiều kênh. Các tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng về thời hạn, lãi suất cũng như đảm bảo yêu cầu an toàn thu hồi vốn.
“Trên thực tế, tín dụng vào lĩnh vực bất động sản cũng tăng rất nhanh và trong thời gian vừa qua, tăng trưởng tín dụng của bất động sản cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Các tổ chức tín dụng phải rất thận trọng khi cho vay mới và đặc biệt là đối với các dự án bất động sản có kỳ hạn dài”, Thống đốc lưu ý.

Về tín dụng nhà ở xã hội, bà Hồng thông tin, Chính phủ đang rất quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, Bộ, ngành tập trung các giải pháp để mà phát triển nhà ở xã hội và kể cả việc kêu gọi xã hội hóa để xây dựng nhà ở xóa nhà tạm, dột nát. Tuy nhiên, để mà thực hiện được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội thì còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực tài chính của Nhà nước.

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy giải trình, làm rõ một số vấn đề. Cụ thể, còn nhiều địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền đã ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp là người sử dụng đất.

Còn điều chỉnh bảng giá đất hiện hành để tiếp tục áp dụng đến 31/12/2025, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, vướng mắc liên quan đến điều chỉnh bảng giá đất hiện hành theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024: “Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương”.

Đây là quy định chuyển tiếp, nhằm giúp các địa phương thực hiện lộ trình từng bước xây dựng bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 để áp dụng từ ngày 1/1/2026, tránh cú sốc tăng giá đột biến trong bảng giá đất, ảnh hướng đến quyền và nghĩa vụ của một số đối tượng người sử dụng đất.

“Tuy nhiên, khi tiến hành điều chỉnh bảng giá đất hiện hành, nếu các địa phương không xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách đầy đủ thì sẽ xảy ra trường hợp giá đất trong bảng giá đất sau khi điều chỉnh có chênh lệch lớn so với giá đất trong bảng giá đất hiện hành”, Bộ trưởng nêu.

281020240358-z5975395604446-f4bbcd2335e964dd427819e27cfd0294.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy

Đặc biệt là tại các địa phương trong suốt giai đoạn 2021 - 2024 không điều chỉnh hoặc không thường xuyên điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, nay khi thực hiện điều chỉnh lại điều chỉnh với mức chênh lệch lớn khiến người dân, doanh nghiệp phản ứng vì số tiền người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai sẽ tăng cao so với khi áp dụng giá đất trong bảng giá đất trước khi điều chỉnh.

Đối với công tác đấu giá quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tại một số địa phương, tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá, có dấu hiệu đầu cơ, thổi giá.

Nguyên nhân là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được công khai, minh bạch. Một số đối tượng tham gia đấu giá chủ yếu vì mục đích đầu cơ, không phải nhu cầu thực. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa chủ động tạo quỹ đất để đấu giá; giá đất trong bảng giá đất chưa được điều chỉnh kịp thời.

Do đó, để thị trường phát triển ổn định Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất các giải pháp như công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất; rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá.

Đồng thời công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc; tăng cường biện pháp bảo đảm nguồn cung bất động sản nhà, đất ở có giá cả hợp lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Xem thêm

Bất động sản TP.HCM tăng tốc cuối năm với loạt dự án mới

Bất động sản TP.HCM tăng tốc cuối năm với loạt dự án mới

Trong bối cảnh nguồn cung sản phẩm mới khan hiếm, giá liên tục leo thang, nhu cầu ở thực lẫn đầu tư tiếp tục tăng thì nhiều dự án tại khu Nam, khu Đông “rục rịch” ra hàng khiến thị trường bất động sản TP.HCM dịp cuối năm 2024 trở nên sôi động…

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…