Thu phí không dừng (ETC): Cần hành động quyết liệt để bảo vệ khách hàng!

Để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng sử dụng dịch vụ cả chủ đầu tư BOT giao thông và đơn vị cung cấp dịch vụ đều cho rằng, rất cần sự chung tay góp sức của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và sự ủng hộ của người dân.

Tất cả vì mục tiêu phục vụ người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế

Đề cập đến chiến lược phát triển dịch vụ và những đóng góp của mình cho xã hội, đại diện Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) - đơn vị cung cấp thẻ ePass cho biết: Tính đến hết tháng 1/2022, tổng số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng ePass là gần 1,2 triệu khách hàng, góp phần nâng tỉ lệ phương tiện có dán thẻ thu phí tự động tại Việt Nam từ 25% lên hơn 50%, tăng trưởng gần 100% chỉ sau hơn 1 năm khai trương dịch vụ.

Trong tương lai, song song với việc tiếp tục đẩy mạnh tiến độ phổ cập dịch vụ thu phí không dừng, VDTC muốn xây dựng một hệ sinh thái giao thông thông minh, tiếp tục phục vụ người dân, đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế.

VDTC đặt mục tiêu mở rộng dịch vụ thông qua xúc tiến triển khai các dự án giao thông thông minh trên các tuyến đường cao tốc cũng như các bãi đỗ xe, bến cảng, sân bay.

Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư BOT giao thông - Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) thông tin: Hiện tại, đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đơn vị đã lắp đặt 32 làn thu phí ETC/ tổng số 62 làn thu phí, đạt trên 50% tổng số làn thu phí. Việc sử dụng hình thức thu phí không dừng là sự thay đổi phù hợp với xu thế, thời đại và công nghệ.

Khách hàng sử dụng dịch vụ ETC sẽ rút ngắn thời gian giao dịch, tiết kiệm thời gian; bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí tổ chức thu phí (nhân sự, in ấn..) và giảm thiểu ùn tắc giao thông tại trạm thu phí. Trong thời gian tới, căn cứ lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến đường, VIDIFI sẽ đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép lắp đặt thêm các làn thu phí ETC tại các Trạm thu phí để đảm bảo cân bằng theo sự tăng trưởng về lưu lượng của các phương tiện tham gia giao thông, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông do thiếu làn ETC tại các Trạm thu phí.

Tiến tới cần bỏ các trạm barie tại các làn thu phí ETC
Tiến tới cần bỏ các trạm barie tại các làn thu phí ETC

Cần có những hành động quyết liệt!

Bàn về giải pháp cụ thể để phát triển lành mạnh dịch vụ ETC, đại diện VDTC nêu quan điểm: Các giải pháp để đáp ứng mục tiêu phủ sóng dịch vụ trên toàn quốc và phát triển lành mạnh dịch vụ thu phí không dừng, chúng tôi cho rằng cần phải có các hành động quyết liệt từ các cơ quan nhà nước cùng các nhà cung cấp dịch vụ ETC, các nhà đầu tư BOT như.

Tăng cường công tác tuyên truyền người dân ủng hộ và sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng; Nhanh chóng hoàn thành việc triển khai làn thu phí tự động tại 100% các tuyến cao tốc, quốc lộ, đặc biệt các tuyến có lưu lượng lớn như Long Thành Dầu Giây, Trung Lương Mỹ Thuận, các tuyến do nhà đầu tư VEC quản lý (Cầu Giẽ - Ninh Bình; Hà Nội - Lào Cai; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; ..)

Triển khai các tuyến cao tốc, quốc lộ thuần ETC để kích thích tỷ lệ chuyển đổi sang sử dụng thu phí tự động của khách hàng. Xem xét mở rộng phạm vi kinh doanh của các nhà đầu tư BOT, để các doanh nghiệp chủ động đầu tư, nghiên cứu mở rộng hệ sinh thái dịch vụ cho khách hàng, từ đó đưa dịch vụ đến gần hơn với đời sống của khách hàng, đáp ứng mọi nhu cầu liên quan đến giao thông của khách hàng như các dịch vụ liên quan tới xăng, xe, đặt chỗ, tìm kiếm…

Song song đó, cần xem xét mở rộng thêm các công nghệ nhận diện (hiện nay là RFID - vẫn có tỷ lệ lỗi) như DSRC, Virtual Station, có chế tài để hướng tới bỏ hoàn toàn Barie; Xây dựng trung tâm giám sát chất lượng dịch vụ online để đánh giá và yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ thường xuyên giám sát, bảo trì nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, đáp ứng các chỉ số đánh giá hiệu quả - KPI.

Đặc biệt, cần triệt để áp dụng các chế tài xử lý đối với các phương tiện không dán thẻ đi sai làn gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các khách hàng khác, đại diện VDTC kiến nghị.

Dưới góc độ của nhà chủ đầu tư BOT giao thông, đại diện của VIDIFI nêu quan điểm: Hình thức thu phí không dừng (ETC) tại Việt Nam hiện còn rất mới, do đó để phát triển tốt hơn nữa rất cần sự chung tay góp sức của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và sự ủng hộ của người dân.

Đối với Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ thu phí ETC, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần chủ trì việc nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sử dụng và cung cấp dịch vụ…

Đối với Nhà cung cấp dịch vụ không dừng và Nhà đầu tư: Phải thường xuyên theo dõi kiểm tra, rà soát ngăn ngừa các lỗi có thể xảy ra, kịp thời phối hợp xử lý các tình huống khi phát sinh lỗi, đồng thời cập nhật công nghệ và đầu tư thay thế, sửa chữa đồng bộ cơ sở hạ tầng. Tăng cường chăm sóc, hướng dẫn khách hành cách sử dụng, cách kiểm tra, cách nạp tiền vào tài khoản, đại diện VIDIFI bày tỏ ý kiến.

Theo đại diện VIDIFI, chúng ta phải đồng bộ hệ thống dữ liệu giữa các nhà cung cấp dịch vụ hoàn thiện hệ thống kết nối, tốc độ xử lý dữ liệu tại Back-end của hai nhà cung cấp dịch vụ để hệ thống thu phí ETC phát huy hiệu quả, người dân sử dụng dịch vụ thu phí ETC nhận thấy dịch vụ thuận tiện, dễ sử dụng, không bị mất thời gian chờ đợi khi qua trạm thu phí và tích cực tham gia sử dụng dịch vụ.

Có thể bạn quan tâm