Thực thi các FTA thế hệ mới: Giải pháp nào để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia?

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, muốn bảo đảm an ninh kinh tế trước hết phải đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, trong đó không chỉ chú ý các điều kiện của riêng mình, mà cần hài hòa, cùng hợp tác với các quốc gia khác.

Từ những phân tích cả về mặt tích cực và tiêu cực của các FTA thế hệ mới đối với an ninh tài chính quốc gia được Thương gia online giới thiệu trong bài: "Thực thi các FTA thế hệ mới - Những vấn đề đặt ra với an ninh tài chính quốc gia" và bài "Thực thi các FTA thế hệ mới: Khó khăn và thách thức với an ninh tài chính quốc gia", khi hiến những giải pháp để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia trong bối cảnh mới PGS. TS Nguyễn Tiến Thuận - Học viện Tài chính cho rằng: Việc triển khai ký kết và thực hiện các FTA thế hệ mới một cách hiệu quả sẽ góp phần củng cố và bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, nâng cao vị thế đối với các quốc gia thành viên.

Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Thuận, trong bối cảnh toàn cầu hoá, muốn bảo đảm an ninh kinh tế trước hết phải đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, trong đó không chỉ chú ý các điều kiện của riêng mình, mà cần hài hòa, cùng hợp tác với các quốc gia khác. Nói cách khác, an ninh tài chính trong bối cảnh toàn cầu hóa là an ninh tương tác.

Do vậy, việc tăng cường liên kết với nhau là giải pháp hữu hiệu nhằm phòng, chống những cuộc khủng hoảng chu kỳ hoặc khủng hoảng cơ cấu, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính bền vững trong tăng trưởng. Hiện nay, việc chọn phương án ký kết các FTA được coi là bước đi hợp lý nhằm củng cố quan hệ giữa các nước và tiến tới sự hợp tác ở những cấp độ cao hơn, tạo tiền đề cho những giải pháp phòng, chống khủng hoảng khả thi hơn.

Muốn bảo đảm an ninh kinh tế trước hết phải đảm bảo an ninh tài chính quốc gia
Muốn bảo đảm an ninh kinh tế trước hết phải đảm bảo an ninh tài chính quốc gia

Nhìn chung, xét về quy mô và hiệu quả kinh tế hiện nay, không một quốc gia nào có thể phát triển hiệu quả khi phát triển tách biệt. Do vậy, liên kết hợp tác dựa trên những cam kết có độ rộng và sâu là cơ sở bảo đảm vững chắc hơn đối với an ninh kinh tế. So với các FTA truyền thống, rõ ràng các FTA thế hệ mới là con đường hợp lý bảo đảm các điều kiện cho các quốc gia và doanh nghiệp tăng trưởng bền vững trong thế giới luôn biến động khó lường.

Tham gia các FTA thế hệ mới, thông qua liên kết khu vực, vị thế các nước nhỏ cũng được cải thiện thông qua vị thế chung của khối, bởi lẽ việc sát cánh bên nhau trong một FTA cũng là một phương cách hữu hiệu gia tăng sức mạnh đàm phán trên các diễn đàn thương mại khác nhau. Mặt khác, việc hình thành các FTA có chuẩn mực cao, được dẫn dắt bởi những nền kinh tế lớn, cũng là cơ hội để các nước này khẳng định vai trò trong xây dựng và thiết lập trật tự khu vực, ảnh hưởng đến chiều hướng phát triển và cạnh tranh vị thế nước lớn trên trường quốc tế.

Bàn về giải pháp cụ thể, PGS. TS Nguyễn Tiến Thuận bày tỏ chúng ta cần cải thiện dư địa chính sách tài khóa (CSTK), tăng cường các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, bao quát được các nguồn thu, cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng tăng tỷ lệ thu nội địa, từ đó góp phần tăng sức chống chịu, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Theo đó, hoàn thiện chính sách thu phù hợp với trình độ phát triển và mở cửa nền kinh tế, hướng đến thiết lập một cơ cấu thu NSNN hợp lý, bền vững, có “tính cạnh tranh”, mức thuế suất hợp lý, thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu, nhất là từ khu vực kinh tế phi chính thức, các hoạt động thương mại điện tử.

Ưu tiên các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc, PGS. TS Nguyễn Tiến Thuận nói.

Bên cạnh đó chúng ta cũng phải cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt nguồn thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường...; tăng cường khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công nhằm huy động vốn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Một giải pháp rất quan trọng được PGS. TS Nguyễn Tiến Thuận nhấn mạnh là đảm bảo sự bền vững tài khóa trong trung và dài hạn thông qua việc xây dựng một cơ cấu chi NSNN phù hợp hơn, gắn chính sách chi NSNN với các định hướng phát triển trung và dài hạn, khắc phục cho được tình trạng phân tán trong phân bổ nguồn lực tài chính công.

Trong đó, việc xác định “thứ tự ưu tiên” trong phân bổ nguồn lực phải được xem là một trong những yêu cầu cốt lõi để góp phần nâng cao kỷ luật tài khóa, củng cố bền vững ngân sách. Giảm dần mức bội chi NSNN theo lộ trình, từng bước tạo “không gian tài khóa đủ rộng” để có thể đối phó với các biến động bất lợi trong và ngoài nước; đồng thời, quản lý, giám sát chặt chẽ các rủi ro tài khóa, nghiên cứu xây dựng phương thức quản lý rủi ro tài khóa phù hợp.

Về nợ công, PGS. TS Nguyễn Tiến Thuận khuyến nghị chúng ta phải đảm bảo kỷ luật tài khóa nhằm tăng cường tính bền vững của tài khóa, đảm bảo an ninh tài chính công. Đảm bảo an ninh nợ công thông qua các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn; không sử dụng vốn vay cho các mục đích và dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế - xã hội thấp. Tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm áp lực trả nợ ngắn hạn và chi phí vay vốn; tái cơ cấu danh mục nợ để giảm thiểu các rủi ro về kỳ hạn nợ, rủi ro tái cấp vốn, thanh khoản… Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy mạnh công tác quản lý rủi ro đối với danh mục nợ để hạn chế tới mức thấp nhất chi phí vay và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Chúng ta cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường tài chính
Chúng ta cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường tài chính

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường tài chính (TTTC), đặc biệt là thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm và thị trường các dịch vụ tài chính hiệu quả, tiếp cận gần hơn với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế là việc theo PGS. TS Nguyễn Tiến Thuận cần phải làm ngay. Đẩy mạnh việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường chứng khoán; nâng cao tính minh bạch và hiệu quả hoạt động thị trường, đẩy mạnh phát triển các định chế trung gian. Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đổi mới toàn diện và đồng bộ hệ thống công nghệ phục vụ hoạt động quản lý, giám sát TTTC và các giao dịch trên TTTC; chú trọng phát triển bền vững và nâng cao chất lượng quản trị công ty.

Giải pháp cuối cùng được PGS. TS Nguyễn Tiến Thuận kiến nghị là nâng cao hiệu quả của cơ chế điều phối giám sát tài chính, tăng cường chia sẻ thông tin, nhận diện rủi ro và phối hợp chính sách giữa các cơ quan giám sát trong mạng lưới an toàn tài chính để đảm bảo ổn định tài chính. Xem xét áp dụng mô hình giám sát hợp nhất để khắc phục những hạn chế của mô hình giám sát riêng lẻ và giám sát được đầy đủ hoạt động liên thị trường của các định chế trung gian tài chính; đồng thời, tăng cường hợp tác với các cơ quan giám sát tài chính trên thế giới để giám sát các rủi ro xuyên biên giới, rủi ro hệ thống, nâng cao chuẩn mực an toàn tài chính tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, đảm bảo an ninh TTTC và giảm thiểu rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia.

Có thể bạn quan tâm