Tổng Kiểm toán Nhà nước: Những đơn vị vi phạm đấu thầu vừa qua không thuộc thẩm quyền kiểm tra

Kiểm toán Nhà nước có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Do các đơn vị vi phạm trong đấu thầu thời gian qua không có vốn nhà nước nên không thuộc diện được kiểm toán...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn

Sáng 5/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán. Tại phiên họp, đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) phát biểu, thời gian qua, các dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán nhưng cơ quan chức năng sau đó vẫn phát hiện sai phạm trong hoạt động đấu thầu. Đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán lý giải vấn đề và nêu giải pháp khắc phục thời gian tới.

Trả lời vấn đề trên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập với chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Như vậy, đối tượng kiểm toán là việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật. Đơn vị được kiểm toán là những đơn vị trực tiếp liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công với 12 nhóm đơn vị liên quan.

Đối với những sai sót trong đấu thầu thời gian qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định các đơn vị không có vốn nhà nước nên không phải là đơn vị được kiểm toán. Những đơn vị này chỉ liên quan đến tài chính công, tài sản công với tư cách nhà thầu. Do đó, hoạt động của đơn vị kiểm toán chỉ kiểm toán ở đơn vị chủ đầu tư và ban quản lý dự án.

Cơ quan đã thực hiện 3 nội dung gồm đánh giá, xác nhận tính đúng đắn trung thực; đánh giá sự tuân thủ pháp luật trong đấu thầu, đầu tư xây dựng; xác nhận tính hiệu quả tài chính công, tài sản công.

Trong việc kiểm toán chấp hành pháp luật về đấu thầu, trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do đơn vị được kiểm toán là chủ đầu tư, ban quản lý dự án cung cấp thì kiểm toán tiến hành thu thập bằng chứng để phục vụ cho kết luận của mình về tính trung thực, đúng đắn của báo cáo tài chính.

Trong quá trình kiểm toán độc lập sẽ xét toàn bộ, riêng về lựa chọn nhà thầu sẽ xét việc chấp hành gọi thầu có đúng không, hồ sơ thầu, chấm thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu. Khi kiểm toán, cơ quan đã chỉ ra sai sót và kiến nghị xử lý từ tài chính, hoàn thiện văn bản, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Liên quan đến vấn đề nâng cao hiệu quả thực hiện các kết luận của kiểm toán, hiện nay việc thực hiện kết luận của kiểm toán được các cơ quan quan tâm. Đặc biệt là sau khi Quốc hội thực hiện giám sát tối cao thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành, tiết kiệm chống lãng phí, tiến độ và ý thức chấp hành trong thực hiện kết luận của kiểm toán cao hơn.

Tuy nhiên, theo thống kê vẫn còn hơn 67.000 tỷ đồng liên quan đến kết luận kiểm toán chưa được thực hiện. Trong đó nguyên nhân từ đơn vị được kiểm toán chiếm hơn 59%. Nguyên nhân từ bên thứ ba là 24%, nguyên nhân khác 16% và từ Kiểm toán Nhà nước là 0,4%.

Ông Tuấn cho rằng, nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán cao do ý thức, trách nhiệm của đơn vị chưa tổ chức thực hiện. Về khách quan, đơn vị khó khăn về tài chính, phụ thuộc hướng dẫn của cấp trên. Thậm chí, có đơn vị đã giải thể, phá sản những vẫn đưa vào diện phải theo dõi.

Về trách nhiệm từ Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, nguyên nhân chậm thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán là do kiến nghị của kiểm toán chưa tâm phục, khẩu phục và đơn vị được kiểm toán đang khiếu nại theo quy định của luật; những kết luận, kiến nghị kiểm toán đúng nhưng không thể thực hiện được; đơn vị chưa thực hiện.

Trong đó, đối với nguyên nhân kiến nghị chưa chính xác, chưa tâm phục, khẩu phục đang khiếu nại, thời gian tới Kiểm toán Nhà nước sẽ nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán. Trong đó, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nâng cao năng lực, trình độ của kiểm toán viên, tăng cường kiểm tra, giám sát, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các đoàn kiểm toán.

Đối với kiến nghị kiểm toán đến nay vẫn chưa thực hiện, do có những kiến nghị mà đơn vị được kiểm toán đã giải thể, phá sản, pháp nhân về hưu, qua đời hoặc mất tích. Đây cũng là một trong những tồn tại, hạn chế của Luật Kiểm toán đang tiến hành tổng kết theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa. Ông Tuấn hy vọng sau khi Luật được sửa đổi, bổ sung sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế trên.

Có thể bạn quan tâm