Theo thống kê, chỉ tính riêng top 20 DN này đã có tổng lợi nhuận lên tới hơn 93,5 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 3,8 tỷ USD trong quý III/2022. Trong đó, đáng chú ý là nhóm ngân hàng đóng góp 51,3 nghìn tỷ đồng và mức tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước đều trên 2 chữ số.
Trong đó, cái tên đứng đầu bảng xếp hạng chính là CTCP Vinhomes, với lợi nhuận trước thuế quý III/2022 lên tới 18.949 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là con số lãi theo quý lớn nhất lịch sử của VinHomes.
Theo BCTC của VinHomes, nguyên nhân chính tạo ra con số lợi nhuận kỷ lục này là nhờ sự tăng trưởng rất mạnh của doanh thu với 17.805 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc bắt đầu bàn giao các BĐS thấp tầng tại đại dự án Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire.
Cộng thêm doanh thu từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh và các khoản bán buôn (được ghi nhận trong thu nhập tài chính), tổng doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản của Vinhomes trong quý III đạt 30.719 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.
Được biết, Vinhomes cũng là một trong 20 DN có lượng tiền và tương đương tiền cao nhất thị trường hiện nay, với 15,9 nghìn tỷ. Tính đến cuối tháng 9/2022, Vinhomes đã nộp vào ngân sách 35.300 tỷ đồng bao gồm thuế thu nhập DN, VAT, tiền sử dụng đất…
Riêng tại Hưng Yên, tính đến tháng 8/2022, Vinhomes đã nộp tổng cộng 34.867 tỷ đồng vào ngân sách, chiếm gần 80% số tiền sử dụng đất tỉnh này thu được, đưa Hưng Yên đạt số tiền nộp thuế kỷ lục, vươn lên thứ 3 cả nước.
Và nếu đặt trong bảng so sánh thì lãi trước thuế của Vinhomes gần bằng lãi của 3 ngân hàng đứng đầu cộng lại là Vietcombank, Techcombank và BIDV.
Nhưng nếu tính nhóm đứng đầu top 20 DN niêm yết có lợi nhuận cao nhất nền kinh tế thì phải kể đến nhóm ngân hàng. Đây luôn là những đơn vị có lợi nhuận cao nhất nền kinh tế.
Trong đó, bám sát Vinhomes chính là Vietcombank với 7.566 tỷ đồng, tăng 32%. Techcombank đứng thứ 3 trong top 20 DN với 6.715 tỷ đồng, tăng 21%. BIDV là ngân hàng có mức với 150%. Lợi nhuận trước thuế quý III/2022 tăng từ 2.674 tỷ đồng lên 6.673 tỷ đồng.
Đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng là MB, tăng 61% lên 6.296 tỷ đồng. Tiếp đến là Vingroup (5.252 tỷ đồng); VPBank (4.514 tỷ đồng); ACB (4.475 tỷ đồng); Vietinbank (4.157 tỷ đồng).
Vị trí thứ 10 trong top 20 DN niêm yết có lợi nhuận cao nhất nền kinh tế thuộc về PV GAS với lợi nhuận trước thuế tăng 25% từ 3.084 tỷ đồng lên 3.851 tỷ đồng.
Xếp theo sau là SHB, ACV, Vinamilk, VIB, HDBank, Viettel Global, TPBank, FPT, VEAM và Kinh Bắc City.
Điều đáng nói, trong top 20 DN này đáng ghi nhận nhất là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV, từ âm 883 tỷ đồng lên 2.986. Đây là con số tăng trưởng mạnh nhất trong tất cả các DN.
Một gương mặt đột biến khác cũng phải kể đến là Viettel Global tăng 414%, với lãi trước thuế từ 465 tỷ đồng lên 2.387 tỷ đồng. Kinh Bắc (KBC) cũng đã ghi nhận khoản lãi đột biến từ đánh giá lại khoản đầu tư vào CTCP Đầu Tư Sài Gòn – Đà Nẵng, báo lãi 1.959 tỷ đồng thay vì lỗ 35 tỷ như cùng kỳ năm 2021.
DN duy nhất trong top 20 DN niêm yết có lợi nhuận cao nhất nền kinh tế bị giảm lợi nhuận là Vinamilk, giảm 20%, từ 3.587 tỷ đồng xuống 2.860 tỷ đồng.
Tính tổng 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của top 20 DN niêm yết có lợi nhuận cao nhất nền kinh tế đạt hơn 245 nghìn tỷ đồng.