Số liệu thống kê mới công bố của Tổng cục Hải quan về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 6 tháng năm 2024 cho thấy, Hoa Kỳ là thị trường có mức tăng mạnh nhất với 10,7 tỷ USD (tương đương 24% so với cùng kỳ). Tổng kim ngạch xuất khẩu sang nước này đạt 55,1 tỷ USD. Tỷ trọng thị trường Hoa Kỳ đã chiếm 44,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Tiếp theo là EU (27 nước) tăng 15,3% tương đương 3,3 tỷ USD. Đạt tổng kim ngạch là 24,7 tỷ USD. Khu vực ASEAN tăng 12,2%, tương ứng tăng 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc tăng 6,2%, tương ứng tăng 1,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước; Hồng Kông tăng 1,8 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 1,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung, trị giá xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay của 6 thị trường này đã tăng tới 20,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và bằng 82% mức tăng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Về mặt hàng xuất khẩu tiềm năng, nhìn vào số liệu, thấy được, có tới 5 nhóm hàng xuất khẩu tăng trên 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 8,07 tỷ USD; tiếp theo là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 3,42 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,7 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,41 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 1,36 tỷ USD. Tính chung, tổng trị giá xuất khẩu 5 nhóm hàng này tăng 16,96 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và bằng 68,5% mức tăng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, chỉ trong tháng 6, xuất khẩu một số nhóm hàng lại có dấu hiệu giảm mạnh so với tháng trước như gạo giảm 40% về lượng và giảm 38% về trị giá; dầu thô giảm 61% về lượng và giảm 64% về trị giá; xăng dầu các loại giảm 38,8% về lượng và giảm 39,7% về trị giá so với tháng 5.
Ngoài ra, về hoạt động nhập khẩu, có 4 thị trường tăng trên 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc là thị trường có mức tăng mạnh nhất với 17 tỷ USD; tiếp theo là ASEAN tăng 2,5 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 2,4 tỷ USD và Đài Loan tăng 1,6 tỷ USD. Tính chung, trị giá nhập khẩu trong 6 tháng/2024 của 4 thị trường này tăng 23,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và bằng 89% mức trị giá nhập khẩu của cả nước.
Liên quan đến hoạt động xuất khẩu chung trong cả nước, Tổng cục Hải quan thống kế tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt 369,92 tỷ USD, tăng 16%, tương ứng tăng 51,08 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 250,09 tỷ USD, tăng 13,9% (tương ứng tăng 30,49 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 136,79 tỷ USD, tăng 13,2% (tương ứng tăng 16 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu là 113,3 tỷ USD, tăng 14,7% (tương ứng tăng 14,49 tỷ USD) so với bán niên 2023.
Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước với trị giá là 119,53 tỷ USD (tương ứng tăng 20,59 tỷ USD). Xuất khẩu của khối doanh nghiệp này đạt 53,94 tỷ USD, tăng 19,3% (tương ứng tăng 8,74 tỷ USD) và nhập khẩu là 65,59 tỷ USD, tăng 22% (tương ứng tăng 11,85 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Xét về tình hình hoạt động xuất khẩu của các địa phương trong cả nước, Hết tháng 6, TP.HCM là địa phương đầu tiên của cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD trở lên. TP.HCM tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu.
Ngoài TP.HCM, hết tháng 6 cả nước có 6 tỉnh, thành phố đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên gồm: Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Nai.