TP HCM thừa hơn 14.000 nhà tái định cư

Số liệu của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong công tác đầu tư, xây dựng nhà tái định cư của TP. HCM khi đang thừa hơn 14.000 nhà tái định cư, gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng.
TP HCM thừa hơn 14.000 nhà tái định cư

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố "Báo cáo kiểm toán hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn 2016 - 2020 của TP HCM".

Theo đó, số liệu của Sở Xây dựng TP HCM cho biết, tổng số quỹ nhà, đất đã hoàn thành phục vụ cho công tác tái định cư, tính đến 31/3/2017 là 39.991 căn nhà, nền đất (25.506 căn nhà và 14.485 nền đất). Các quận, huyện đã bố trí tái định cư được 26.625 căn nhà, nền đất; chưa bố trí được 14.366 căn nhà, nền đất. Như vậy, số lượng quỹ nhà, đất còn tồn đọng tương đương 56,06% số lượng đã bố trí tái định cư từ năm 2004 đến nay.

Báo cáo nêu rõ, Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm là điển hình của đầu tư và mua quỹ nhà, tái định cư những năm qua cao hơn so với thực tế bố trí và tồn đọng quỹ nhà tương đối nhiều.

Cụ thể, chủ trương của thành phố đầu tư xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư. Tuy nhiên, thành phố mới chỉ mua lại 6.714 căn hộ đã hoàn thành đưa vào bố trí tái định cư tại Thủ Thiêm, bằng 53,7% so với chủ trương xây dựng 12.500 căn, nhưng tính đến ngày 31/8/2017, số lượng căn hộ bố trí tái định cư được chỉ chỉ là 1.759 căn, bằng 14,1% so với chủ trương xây dựng 12.500 căn và bằng 26,2% so với số lượng căn hộ đã mua lại.

Đối với 3.790 căn hộ hoàn thành nhưng không còn nhu cầu sử dụng, TP đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chuyển từ phục vụ tái định cư sang nhà ở thương mại và đã được chấp thuận.

Theo báo cáo kiểm toán, một số dự án đầu tư xây dựng, mua căn hộ hoàn chỉnh có thời gian đầu tư xây dựng kéo dài, việc bố trí tái định cư chậm (một số dự án không bố trí được), chi phí vận hành cao, hiệu quả thấp gây lãng phí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách.

Điển hinh như tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) được TP quyết định đầu tư từ năm 2004, quy mô 531 nền đất, 2.240 căn hộ (sau giảm xuống còn 1.939 căn) trên khu đất rộng 30,9 ha có hạ tầng đồng bộ với tổng mức đầu tư là 542,68 tỉ đồng (sau nâng lên 847,76 tỉ đồng). Tiến độ đầu tư dự kiến là 2004 - 2005. Tuy nhiên, trên thực tế, dự án đã chậm tiến độ, làm tăng phát sinh tối thiểu 519 tỉ đồng, bằng 195,7% tổng mức đầu tư ban đầu.

Tính đến 28-11-2017 (tức hơn 7 năm sau khi hoàn thành), dự án mới chỉ bố trí được 479/1.939 căn hộ, đạt tỉ lệ 24,7%. Ngoài việc xây dựng quá nhiều căn hộ thì nguyên nhân bố trí tái định cư không đạt là do người dân không chấp nhận phương án chính quyền đưa ra (vì quá xa, hạ tầng kết nối chưa hoàn chỉnh, khu vực tái định cư khó kiếm việc làm, thậm chí phát sinh khiếu kiện kéo dài…). 

Kiểm toán Nhà nước cho biết thành phố đang chủ trương cho bán đấu giá 1.000 căn hộ thừa, số căn còn lại sẽ dùng dự phòng cho trường hợp thiên tai.

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…