HPG vừa chốt quyền chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 5:1 vào ngày 16/6 với giá 20.000 đồng/cp. Thời gian chuyển nhượng quyền mua từ ngày 27/6/2017 đến hết ngày 11/7/2017, thời gian đăng ký đặt mua và nộp tiền mua cổ phiếu từ ngày 27/6/2017 đến ngày 17/7/2017.
Mặc dù thời gian chuyển nhượng bắt đầu từ đầu tuần này tuy nhiên cách đây 10 ngày, các môi giới đã bắt đầu chào mua quyền mua cổ phiếu HPG. Mức giá chào mua ban đầu là 5.000 đồng/quyền, sau đó đẩy tăng dần, các ngày gần đây quyền mua được đẩy lên 9.000 thậm chí 9.500 đồng/quyền, tức là nhà đầu tư đang sẵn sang mua cổ phiếu HPG phát hành thêm với giá 29.000 – 29.500 đồng/cp, chiết khấu so với thị giá hiện tại trên sàn của HPG khoảng 7-10%.
Trong khi đó, để chờ số cổ phiếu này về đến tài khoản và được phép chính thức giao dịch, nhà đầu tư có thể phải chờ 2-3 tháng. Vậy điều gì khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào quyền mua cổ phiếu HPG?
Hiện tại, sau khi HPG phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 50%, số cổ phiếu lưu hành của HPG đã tăng lên 1,264 tỷ cổ phiếu, với việc chào bán cổ phiếu tỷ lệ 5:1, dự kiến số cổ phiếu phát hành thêm đạt 252,86 triệu cổ phiếu. Nếu đợt chào bán này thành công, Hòa Phát sẽ thu về hơn 5.057 tỷ đồng. Số tiền này để thực hiện đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất và/hoặc bổ sung vốn cho hoạt động của công ty. Với các giao dịch chào mua quyền mua HPG trên thị trường cho thấy, khả năng Hòa Phát huy động thành công hơn 5.000 tỷ đồng là điều nắm chắc trong tầm tay.
1 tháng trước ngày chốt quyền, khối ngoại liên tục gom mua cổ phiếu HPG, mua ròng gần 19,1 triệu cổ phiếu với giá trị khoảng 590 tỷ đồng. Ngày 16/6, ngày cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, HPG bị bán ròng 3,3 triệu cổ phiếu tuy nhiên một tuần trở lại đây khối ngoại quay trở lại mua ròng HPG, mỗi ngày trung bình mua ròng khoảng 500.000 cổ phiếu. Điểm lại giao dịch của khối ngoại cho thấy, dòng tiền của các quỹ lớn cũng đã quay lại mua cổ phiếu này và sẵn sàng tham gia vào đợt phát hành thêm của Hòa Phát.
Dự án gang thép Dung Quất nếu đưa vào vận hành sẽ biến Hòa Phát thành tập đoàn sản xuất thép có quy mô ở tầm khu vực. Dự án này được chia làm 2 giai đoạn với tổng công suất 4 triệu tấn thép/năm. Trong đó giai đoạn 1 bao gồm 1 triệu tấn thép thanh vằn và 1 triệu tấn thép dây cuộn chất lượng cao, giai đoạn 2 bao gồm 2 triệu tấn thép dẹt. Mặc dù chia làm 2 giai đoạn tuy nhiên Hòa Phát làm cách nhau chỉ khoảng 3 tháng, và ở thời điểm này gần như 2 giai đoạn đang được tiến hành song song.
Dự án gang thép Dung Quất có tổng mức đầu tư 52.000 tỷ đồng, giai đoạn 1 là 26.000 tỷ và giai đoạn 2 là 26.000 tỷ, trong đó vốn cố định là 40.000 tỷ, vốn lưu động 12.000 tỷ, vốn tự có chiếm khoảng 39% tổng vốn đầu tư, thời gian thu hồi vốn khoảng 9 năm.
Theo bản cáo bạch chào bán ra công chúng, trong số 40.000 tỷ vốn cố định, 20.000 tỷ đồng nguồn vốn chủ sở hữu và 20.000 tỷ đồng nguồn vốn vay được chia làm 2 giai đoạn. Cơ cấu nguồn mỗi giai đoạn đều gồm 10.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 10.000 đồng vốn vay.
Đến thời điểm hiện tại, Hòa Phát đã có kế hoạch thu xếp xong nguồn vốn chủ sở hữu cho giai đoạn 1 tương ứng 10.000 tỷ đồng. Mười nghìn tỷ đồng tiếp cho giai đoạn 2 sẽ được thu xếp tương ứng như sau: 5.000 tỷ đồng số tiền thu được từ đợt phát hành này và phần còn lại từ nguồn lợi nhuận cộng khấu hao của toàn Tập đoàn trong năm 2017 – 2018. Như vậy, khoản tiền thu được từ đợt phát hành này là vốn chủ sở hữu làm vốn đối ứng ngay cho giai đoạn 2 của Dự án.
Các nhà máy hiện tại của HPG đều đã chạy hết công suất. 5 tháng đầu năm, tập đoàn này sản xuất hơn 856.000 tấn thép xây dựng, bán hàng được 845.900 tấn, tăng 24,5% cùng kỳ năm trước, đứng đầu thị phần cả nước với 24,3%. Trong đó riêng tháng 5, sản lượng bán hàng tăng 32,6% cùng kỳ năm trước.
Theo BSC, công suất sản xuất thép Xây dựng của Hòa Phát sẽ được cải thiện từ tháng 6/2018. Nhà máy cán 1 của KLH Gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ đi vào hoạt động từ tháng 06/2018, công suất khoảng 600 nghìn tấn/năm. Còn lại nhà máy cán 2 công suất 1.4 triệu tấn/năm sẽ đi vào hoạt động sau đó 4 – 5 tháng.
Đánh giá về tiềm năng tăng trưởng ngành thép từ nay đến 2025, dự báo nhu cầu thép hàng năm vẫn tăng mạnh từ 10-20%. Hiện các cơ sở sản xuất thép ở Việt Nam vẫn còn manh mún, công suất nhỏ dưới 300.000 tấn/năm, không chủ động được nguồn nguyên liệu. Với sản phẩm thép xây dựng, dự kiến với công suất ở thời điểm hiện tại và tăng trưởng nhu cầu theo tính toán, dự kiến đến năm 2020 sản lượng thép xây dựng của cả nước chỉ đáp ứng được khoảng 48% nhu cầu sử dụng.
Bên cạnh đó, Việt Nam hàng năm phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu thép, như năm 2016 con số này là gần 11 tỷ USD, đặc biệt là thép cán nóng. Đánh giá tiềm năng phát triển, các nhà đầu tư tin rằng chủ trương đầu tư dự án liên hợp thép của Hòa Phát từ thượng nguồn sẽ giải được bài toán nhập khẩu thép trong các năm tới.
Theo Ngọc Linh/NDH