Trước 15/3 phải báo cáo Thủ tướng tiến độ dự án cải tạo đường sắt Bắc – Nam

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ 4 dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường sắt Hà Nội - TP. HCM.
Trước 15/3 phải báo cáo Thủ tướng tiến độ dự án cải tạo đường sắt Bắc – Nam

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 1374/VPCP-CN về 4 Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM.

Theo đó, đối với 4 dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM sử dụng 7.000 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phân công hợp lý.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GTVT cần chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/3.

Trước đó, năm 2018, Quốc hội thông qua gói 7.000 tỷ đồng để thực hiện 4 dự án cấp bách nhằm tăng năng lực thông qua và đảm bảo kiểm soát an toàn giao thông đường sắt.

Việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam lần này được chia thành 4 dự án thành phần, bao gồm: Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tổng mức đầu tư 1.850 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống xô va trên tuyến Hà Nội - TP. HCM, tổng đầu tư 1.950 tỷ đồng; gia cố hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, với tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT không thể giao nguồn vốn trên cho VNR vì vướng cơ chế. Nên đến nay số tiền trên chưa được giải ngân.

Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nếu chậm trễ trong việc giao vốn trên hạ tầng đường sắt càng xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến công tác chạy tàu…

VNR cũng từng nhiều lần kiến nghị cấp trên được tiếp nhận gói 7.000 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp đường sắt như trước đây. Bởi VNR là đơn vị được giao quản lý, vận hành, khai thác hệ thống đường sắt quốc gia.

Mới đây, tại cuộc họp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về giao ngân sách nhà nước thực hiện việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan thống nhất có giải pháp khẩn trương gỡ vướng về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không được để ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Đồng thời, phải bảo đảm thực hiện đúng, tuân thủ quy định pháp luật, trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...