Năm nay, FPT đặt kế hoạch doanh thu 34.720 tỷ đồng, tăng 16,4% so với mức thực hiện năm 2020. Trong đó, doanh thu khối công nghệ dự tăng 17% và đóng góp tỷ trọng 56%, khối viễn thông tăng 11% chiếm 37%. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu tăng 18% lên 6.210 tỷ đồng. Nếu đạt được kế hoạch này, FPT sẽ duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận 4 năm liên tiếp.
So với kết quả kinh doanh của những năm trước, FPT đã nhiều lần đạt được mức doanh thu trên 34.000 tỷ đồng, đơn cử trong 3 năm liên tiếp từ 2015-2017 với doanh thu đạt được từ 37.959 – 42.658 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận trên 6.000 tỷ đồng thì FPT chưa từng ghi nhận trong lịch sử.
Để có được chỉ tiêu tăng trưởng như vậy, FPT cho rằng, kinh doanh trên nền tảng số trở thành xu thế chiếm ưu thế từ cuối 2020 và đầu năm 2021 với lĩnh vực điện toán đám mây, ứng dụng kinh doanh cốt lõi, bảo mật và trải nghiệm khách hàng.
FPT cũng cho rằng, thị trường nước ngoài, doanh nghiệp tập trung cung cấp các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số với mục tiêu tăng trưởng 50%. Trong đó, dịch vụ cloud tăng 50%, RPA tăng 150% và lowcode tăng 150% so với 2020. Đồng thời, FPT sẽ chú trọng mảng dịch vụ quản lý ứng dụng hướng tới trở thành đối tác quản trị dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu và đặt mục tiêu có 20 hợp đồng lớn.
Ở thị trường Việt Nam, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng thêm 40 khách hàng mới thuộc top 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, chú trọng phát triển các giải pháp made by FPT, duy trì vị thế trong khối ngân hàng và Chính phủ.
Với mảng viễn thông, lãnh đạo FPT đánh giá đà tăng trưởng thuê bao internet cố định và di động sẽ tiếp tục duy trì ổn định trong các năm tiếp theo, đặc biệt là nhu cầu làm việc, học tập từ xa do ảnh hưởng của Covid-19. Năm 2020, xu thế nhà thông minh bắt đầu bùng nổ với hơn 2 triệu hộ gia đình có thiết bị kết nối thông minh, tổng giá trị thị trường tăng 55,4% và tăng đồng đều trong tất các danh mục thiết bị. Thị trường nhà thông minh dự báo sẽ rất sôi động với tỷ lệ hộ gia đình sử dụng dịch vụ mới đạt 9,2%.
Doanh nghiệp dự kiến chi phí đầu tư khoảng 3.445 tỷ đồng cho năm 2021 bao gồm 2.013 tỷ cho khối viễn thông, 878 tỷ cho khối công nghệ và 554 tỷ khối giáo dục.
Ban lãnh đạo FPT đề xuất với ĐHCĐ phương án trả phần cổ tức còn lại của năm 2020 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu (tỷ lệ 20:3), dự kiến tiến hành trong quý II/2021 nếu được đại hội phê duyệt.
Được biết, FPT đã tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10%. Như vậy, nếu đại hội thông qua, tổng tỷ lệ phân phối lợi nhuận năm 2020 của FPT là 35%.
Về chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt 2021, tương tự như năm 2020, ban lãnh đạo FPT tiếp tục đề xuất tỷ lệ cổ tức bằng tiền là 20%.
Ngoài ra, HĐQT FPT cũng trình ĐHCĐ phương án bán 82.376 cổ phiếu quỹ cho cán bộ nhân viên theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá bán bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Những cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày hoàn tất giao dịch bán cổ phiếu quỹ, dự kiến tiến hành trong năm 2021 sau khi được đại hội và cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.