Tỷ phú đôla có mở ra các chuỗi giá trị mới cho Việt Nam?

Cho rằng lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp phản ánh trình độ của nền kinh tế, các chuyên gia kỳ vọng các tỷ phú đôla cùng công ty của họ sẽ dẫn dắt, mở ra các chuỗi giá trị mới.
Tỷ phú đôla có mở ra các chuỗi giá trị mới cho Việt Nam?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ niềm vui khi Việt Nam có thêm tỷ phú được thế giới công nhận.

Doanh nghiệp phản ánh thực trạng nền kinh tế

Theo bà, điều này chứng tỏ nền kinh tế đã có những bước phát triển nhất định. Và các tỷ phú đôla sẽ tạo thêm nhiều sức bật mới cho nền kinh tế.

Bà Phạm Chi Lan dành nhiều lời khen cho những thành tựu mà 2 tỷ phú đôla đã làm được với nền kinh tế và cho đất nước.

Với nữ tỷ phú tự thân Nguyễn Thị Phương Thảo, bà Lan đánh giá cao và ấn tượng mạnh với những thành tựu mà Vietjet Air và cá nhân CEO của doanh nghiệp này làm được trong ngành hàng không.

"Cách mà VietJet Air tham gia vào lĩnh vực hàng không rất ấn tượng, không những đóng góp vào sự phát triển mà còn thay đổi cách mà ngành phát triển bấy lâu nay", bà nói.

“Hàng không đòi hỏi vốn nhiều, rủi ro cao, hơn nữa lại bắt đầu ở Việt Nam, một đất nước từ lâu đây là ngành độc quyền của nhà nước. Hơn nữa, ngành này lại liên quan đến nhiều vấn đề như an ninh, quốc phòng. Cách thức mà VietJet Air làm và tạo sức cạnh tranh khiến bản thân Vietnam Airlines cũng phải thay đổi rất đáng hoan nghênh”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Chia vui với tỷ phú Phạm Nhật Vượng và không phủ nhận đóng góp của Vingroup trong lĩnh vực bất động sản, nhưng bà Lan cho biết bà phấn khởi khi tập đoàn này đã chuyển hướng sang nhiều lĩnh vực khác, bên cạnh bất động sản.

"Các lĩnh vực khác đều rất có ý nghĩa với nền kinh tế nói chung như du lịch nghỉ dưỡng, bán lẻ, y tế, giáo dục. Đặc biệt, tôi đánh giá cao việc họ bắt tay vào làm nông nghiệp”, chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết.

Đây cũng là điểm được bà Nguyễn Lan Anh, thư ký tòa soạn của Forbes Việt Nam, lưu ý trong cuộc trao đổi với Zing.vn. Theo dõi sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân lớn, như Vingroup chẳng hạn, Forbes nhận thấy "họ đang từng bước đầu tư vào các lĩnh vực mới, cả những ngành có cơ hội phát triển và những ngành đem lại giá trị gia tăng".

Vì thế, bà Lan Anh cho rằng nhận định nguồn gốc của sự giàu có hay sự tăng trưởng đó bằng tài năng kinh doanh hay quan hệ là chưa có những bằng chứng thuyết phục và chủ quan.

"Các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp hiện này cho thấy trình độ phát triển của nền kinh tế nói chung, một nền kinh tế còn đang thiếu những trụ cột vững chắc", bà Lan Anh nói.

Bà cũng lưu ý thực tế doanh nghiệp tư nhân Việt mới chỉ thực sự tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh trong vòng 3 thập kỷ qua.

"Rất khó để đòi hỏi họ nhanh chóng trở thành những doanh nghiệp mạnh trong những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, Việt Nam chưa phải là quốc gia có nguồn vốn lớn và kỹ năng tốt để theo đuổi mạnh mẽ con đường đầu tư hạ tầng cơ sở, công nghiệp quy mô lớn. Không thể đòi hỏi những doanh nghiệp này tập trung phát triển những ngành công nghiệp sản xuất khi hạ tầng vẫn chưa đảm bảo. Họ vừa phải đảm bảo sự tồn tại vừa phải cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại nên cần nền tảng vững chắc về tài chính.

Mong dẫn dắt và hoạt động minh bạch

Ghi nhận những cái khó của các doanh nghiệp tư nhân Việt, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng kỳ vọng các đơn vị đóng vai trò mở đường, dẫn dắt tốt hơn.

Bà gợi ý Vingroup không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp, ở việc đặt hàng của các doanh nghiệp công nghiệp để đưa vào siêu thị mà còn đầu tư vào sản xuất hàng hóa cho đất nước.

“Họ cũng có thể đầu tư vào một số ngành hàng công nghiệp sản xuất tiêu dùng tiềm năng, đưa hàng hóa vào siêu thị, tạo ra được nhiều lợi ích hơn cho đất nước thay vì nhập hàng hóa đó từ một số đối tác”, bà Lan nói.

Họ hoàn toàn có thể đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến nông sản dựa trên lợi thế về trồng trọt những năm qua, qua đó tạo ra một chuỗi giá trị cao hơn cho nền kinh tế. Chuỗi giá trị này cung cấp hàng hóa cho thị trường trong nước và thế giới.

“Nền kinh tế của chúng ta hầu hết làm gia công cho nước ngoài. Nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử đều làm gia công. Chúng ta đang ở vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị đó là làm sản xuất sản phẩm thô và sử dụng nhân lực giá rẻ. Chúng ta rất cần vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị", bà Lan trăn trở.

Cụ thể, nữ chuyên gia kinh tế mong các tỷ phú sẽ dẫn dắt nền kinh tế theo hướng thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, cơ khí liên quan, hình thành một nền kinh tế sáng tạo hơn.

"Nếu họ dẫn đầu, mở ra được những chuỗi giá trị mới thì sẽ thay đổi được rất nhiều vị thế của đất nước... Các tỷ phú nên chú ý đến những ngành “căn cơ” hơn cho nền kinh tế, đặc biệt là công nghiệp và dịch vụ. Cái đó sẽ sớm đưa đất nước phát triển được hơn”, bà Lan nói.

Điều quan trọng hơn, theo bà Chi Lan, là các doanh nghiệp phải làm ăn minh bạch và được tiếp cận cơ hội công bằng.

Theo Hiếu Công - Bình Nguyên

News.zing.vn

>> Phó chủ tịch Tập đoàn FLC: “Nếu có thêm điểm tựa, doanh nghiệp sẽ bứt phá”

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…