Cụ thể, FLC thành lập Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines) vốn điều lệ 700 tỷ đồng, tron đó tập đoàn FLC sở hữu 100% vốn. FLC sẽ giao ông Đặng Tất Thắng, Phó Tổng giám đốc FLC, làm người đại diện quản lý phần vốn góp của FLC tại Tre Việt.
Số vốn điều lệ 700 tỷ đồng là mức vốn tối thiểu để khai thác 10 tàu bay nếu vận chuyển hàng không quốc tế, hoặc khai thác 30 tàu bay nếu chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.
Ngành, nghề đăng ký kinh doanh của Tre Việt là kinh doanh bất động sản, xây dựng nhà các loại, vận tải hàng hóa, vận tải hành khách và một số ngành nghề kinh doanh thương mại dịch vụ khác.
Nghị quyết cũng giao cho ông Lê Thành Vinh, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC chủ trì việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý và tiến hành các thủ tục liên quan để đăng ký thành lập Viet Bamboo Airlines theo quy định của Pháp luật và Điều lệ của Tập đoàn FLC.
Hiện, FLC chưa tiết lộ thông tin cụ thể về kế hoạch đầu tư đội tàu bay cũng chưa các tuyến bay chính của hãng này nếu Viet Bamboo Airlines được cấp phép bay. Được biết, FLC đang là chủ đầu tư phát triển các khu nghỉ dưỡng ven biển quy mô lớn tại Thanh Hoá, Quy Nhơn, Quảng Bình... Việc đầu tư phát triển dịch vụ vận chuyển hàng không có thể tạo thuận lợi hơn và rút ngắn thời gian, khoảng cách của du khách trong nước và quốc tế đến với các khu nghỉ dưỡng của FLC trong tương lai.
Như vậy, FLC là doanh nghiệp tư nhân thứ 5 lấn sân vào lĩnh vực hàng không lâu nay vốn duy trì sân chơi độc quyền bởi Vietnam Airlines. Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho các hãng khai thác dịch vụ hàng không. diễn ra trong bối cảnh thị trường còn rất tiềm năng.
Trên thị trường hàng không hiện nay, mới chỉ có 4 cái tên lớn gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO, trong đó sự cạnh tranh chủ yếu diễn ra giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air. Còn hãng Vietstar vẫn đang chờ cấp phép bay.
Sự hấp dẫn của thị trường hàng không khiến nhiều tên tuổi khác đang lần lượt xếp hàng chờ bay. Hồi cuối tháng 3, hãng hàng không giá rẻ Air Asia đã bắt tay với Tập đoàn Thiên Minh để tiến tới lập hãng hàng không giá rẻ tại thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, hãng hàng không Vietstar Airlines cũng đang liên tục thực hiện các thủ tục để xin cấp phép bay nhưng vẫn chưa được chấp thuận do hạ tầng quá tải.
Trong khi đó, ông lớn Vietnam Airlines cũng đang xây dựng đề án thành lập hãng hàng không SkyViet trên cơ sở tổ chức lại VASCO.
Thế nhưng, lịch sử ngành hàng không Việt Nam cũng đã chứng kiến sự ra đi của hai hãng bay non trẻ. “Sếu đầu đỏ” Air Mekong ngừng bay, Indochina Airlines cũng đã sụp đổ, Jetstar Pacific Airlines đang hoạt động trong tình cảnh liên tục thua lỗ, nhiều thời điểm âm vốn chủ sở hữu. Hãng bay AirAsia đã từng 3 lần thất bại tại Việt Nam và giờ đây hãng này lại nhen nhóm ý định "cất cánh" trở lại.
Trường hợp thành công như Vietjet Airlines được đánh giá là hiện tượng của ngành hàng không Việt Nam khi tấn công vào phân khúc hàng không giá rẻ và không ngừng đầu tư, mua sắm máy bay và thuê máy bay để tăng hiệu quả sử dụng vốn. Đặc biệt, sự kiện Vietjet Air niêm yết thành công trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mức vốn hoá cao gấp 13 lần vốn cổ phần đã cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư vào doanh nghiệp vận tải hàng không ngày càng lớn.