UBTVQH: Không đồng ý chuyển cả 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công

Nguyên nhân Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không tán thành phương án chuyển 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông sang đầu tư công là việc chuyển đổi hình thức đầu tư chưa được báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.
UBTVQH: Không đồng ý chuyển cả 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công

Tại thông báo kết luận phiên họp thứ 45, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành phương án chuyển 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, phía Đông từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chủ trương đầu tư theo hình thức PPP để huy động nguồn lực ngoài nhà nước, giảm áp lực cho ngân sách đầu tư công. Do vậy, việc chuyển đổi hình thức đầu tư của 08 dự án từ đầu tư theo phương thức PPP có sử dụng một phần đầu tư công sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công là chưa hợp lý. 

Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chính phủ nên báo cáo Quốc hội những gì khó khăn, chưa thể làm được để giải quyết, còn dự án nào vẫn có thể triển khai được thì vẫn làm, chứ không nên chuyển thẳng 8 dự án này sang đầu tư công.

Trước đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã có loạt ý kiến không đồng tình, trong đó phải kể đến việc chuyển đổi hình thức đầu tư chưa được báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 52/2017/QH14, Chính phủ chỉ được đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư của dự án khi không lựa chọn được nhà đầu tư. Trong khi đó, dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện và có 7/8 dự án có từ 2 nhà đầu tư trở lên qua vòng sơ tuyển. Vì vậy, việc chuyển đổi hình thức của 8 dự án vừa nêu là không phù hợp.

Mặt khác, việc liên tục hủy sơ tuyển đối với dự án sẽ ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Nhà nước, đến dư luận, tâm lý của nhà đầu tư và nhân dân. Chưa kể, điều này còn thể hiện sự thiếu nhất quán về chủ trương, chính sách trong các quyết định, nhất là trong bối cảnh Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư tại kỳ họp này.

Ngoài ra, lý do không đồng thuận việc chuyển đổi 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam còn xuất phát từ việc thu ngân sách khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thêm nữa, các dự án đầu tư công thời gian qua đã xảy ra tình trạng chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng công trình không đảm bảo, trong khi các dự án của các nhà đầu tư tư nhân có chất lượng tốt hơn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chuẩn bị lại Tờ trình để báo cáo lần hai về những dự án này tại đợt 3 của phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (dự kiến tổ chức trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý tờ trình mới phải theo nguyên tắc: Đề xuất chuyển đổi sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với dự án không có nhà đầu tư tham gia đấu thầu và số ít dự án thật sự cấp bách, quan trọng có nhà đầu tư tham gia nhưng khó có khả năng huy động vốn tín dụng và khả năng đấu thầu không thành công.

Được biết, trong buổi làm việc diễn ra vào chiều 16/5, Bộ Giao thông vận tải cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều có chung quan điểm rằng cần thiết phải chuyển đổi hình thức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam. Theo Bộ Giao thông vận tải, nếu chuyển sang đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư của 8 dự án đường cao tốc Bắc - Nam sẽ giảm khoảng 3.020 tỷ đồng do không phát sinh chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng như đầu tư PPP.

Đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông trước đó cũng đã được Thủ tướng đồng ý.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…